22/11/2015 14:15 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Uống rượu bia thường xuyên gây ung thư gan, dạ dày, tiểu đường, cao huyết áp, giảm trí nhớ... Điều đó có khoa học chứng minh lâm sàng. Còn với đời sống xã hội, lạm dụng rượu bia kéo theo tai nạn giao thông, bạo lực gia đình...
Là chủ nhiệm Câu lạc bộ ẩm thực VN, từng có nhiều năm tìm hiểu về rượu, Tiến sĩ Vũ Thế Long có cuộc trao đổi khá thẳng thắn với Thể thao &Văn hóa (TTXVN) để khép lại loạt bài về chủ đề “Hãy nhậu có văn hóa” đăng tải trong 9 số báo vừa qua.* Ở góc độ văn hóa xã hội, chúng ta không thể không nhắc tới những hậu quả khôn lường mà rượu bia gây ra chứ, thưa TS?
- Tôi nghĩ, những vấn đề tiêu cực liên quan tới rượu nằm ở cách uống, ở thái độ ứng xử của con người với rượu. Nói cách khác, không phải tại rượu mà người ta hư hỏng. Bởi sự hư hỏng sẵn có, rất nhiều người làm ra những hành động đồi bại khi uống rượu, và để lại tiếng xấu cho loại đồ uống này.
Sự thực, nhịp sống hiện đại ít nhiều dẫn tới những xuống cấp về đạo đức. Bởi xuống cấp, người ta không kiềm chế được mình, người ta đánh lộn, cãi lộn trong bữa rượu hoặc chìm đắm quá đà vào rượu khi cuộc sống đang bế tắc. Nói như các cụ, với một số người, rượu là tiên tửu. Với một số người khác, rượu là tục tửu, biến người uống thành kẻ phàm tục, đánh mất nhân cách.
Tôi từng có dịp dự một số hội nghị quốc tế. Ở buổi chiêu đãi sau phiên bế mạc, rượu vang và bia được dọn lên cùng với đồ ăn. Nhấm nháp chút đồ uống có cồn, các nhà khoa học đều hào hứng chuyện trò, trao đổi, chia sẻ chuyên môn… chứ không ai say cả.
Ngược lại, tại một số hội thảo trong nước, tiệc bế mạc chỉ có nước hoa quả, anh em chuyên gia cũng rỉ tai nhau: giá có chút men thì vui hơn (cười).
Có nghĩa, rượu bia không phải là kẻ thù, mà là bạn của con người, nếu biết sử dụng một cách điều độ và khoa học. Và cái chúng ta cần bàn là cách uống rượu có văn hóa, uống đúng với sức mình, đủ để phấn khởi, lâng lâng mà không trở thành “tục tửu”.
* Ngoài những yêu cầu về việc cấm rượu bia trong giờ hành chính, thì việc “uống có văn hóa” nên được điều chỉnh thế nào, theo ông?
- Tôi vẫn nhớ mãi về lần uống rượu đầu tiên trong đời. Khi đó, là sinh viên đi sơ tán chúng tôi được đồng bào mời liên hoan vào dịp Tết. Thầy giáo chúng tôi dặn rất chân tình: các em nên uống, vì đây là phong tục tập quán của bà con, miễn là uống vừa phải, đừng để say. Có lẽ, ở độ tuổi thanh niên, những lời dạy ôn hòa, chu đáo và rất tâm lý như vậy sẽ có giá trị giáo dục cao hơn nhiều so với cấm đoán và la mắng.
Từng có dịp tới các nước, tôi biết rõ: dưới 18 tuổi, công dân của họ tuyệt đối không được uống rượu bia. Cùng gia đình đi ăn, trẻ em có thể uống loại bia không có cồn bên cạnh “bia thật’ của bố mẹ, để tạo sự vui vẻ, ấm cúng.
Đến 18 tuổi, khi làm lễ trưởng thành tại Tòa thị chính, các thanh niên được công bố đầy đủ về quyền công dân của mình, trong đó có cả quyền sử dụng rượu bia. Nhưng, họ cũng được khuyến cáo rằng cần biết sử dụng quyền của mình một cách hợp pháp và đúng đắn. Chẳng hạn, việc uống rượu khi lái xe hoàn toàn có thể bị tịch thu xe, hoặc truy tố theo tội hình sự.
* Chúng ta cũng đã có luật điều chỉnh vấn đề này?
- Tôi cũng đã chứng kiến những bữa cỗ ở nông thôn, trẻ con cũng thoải mái uống tràn cung mây cùng bố mẹ. Rồi, chúng ta cũng chỉ có những khẩu hiệu để cảnh bảo về việc uống rượu khi tham gia giao thông, hoặc gần đây thì có thêm phạt hành chính. Nếu thực hiện nghiêm chỉnh, chúng ta hoàn toàn có thể đưa ra những hình phạt có tính răn đe cao hơn rất nhiều.
Gốc rễ của câu chuyện, cuối cùng vẫn nằm ở vấn đề nâng cao văn hóa của mỗi người, cũng như quản lý xã hội một cách nghiêm minh. Đó là những tiền đề cần thiết để mọi người cùng “uống có văn hóa”.
* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Sơn Tùng - Yên Khương (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất