TS Amandine Dabat, hậu duệ vua Hàm Nghi: "Khám phá quê hương tổ tiên là một trải nghiệm rất xúc động!"

01/02/2025 15:00 GMT+7 | Văn hoá

Amandine Dabat - hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi là tiến sĩ lịch sử nghệ thuật (Đại học Sorbonne). Trong năm 2024 vừa qua, chị đã gây xúc động sâu sắc khi trở về Việt Nam trao tặng bức tranh quý "Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers)" của vua Hàm Nghi cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đồng thời cho ra mắt cuốn sách Hàm Nghi: Hoàng đế lưu vong - Nghệ sỹ ở Alger. Về Pháp, chị lại bắt tay vào những dự định mới cho các hoạt động ở Việt Nam trong năm mới này.

Từ năm 2011, hành trình trở về Việt Nam tìm tư liệu cho luận án tiến sĩ về vua Hàm Nghi đã giúp cho Amandine Dabat gắn bó với cội nguồn của mình nhiều hơn, chứng kiến được sự trân quý của người dân Việt Nam đối với vị vua của dân tộc và còn giúp chị hoàn thành công trình nghiên cứu quan trọng nhất trong sự nghiệp của mình.

Bởi "việc lưu giữ ký ức về vua Hàm Nghi, vừa là một vị hoàng đế yêu nước, vừa là nghệ sĩ hiện đại đầu tiên của Việt Nam, là điều rất quan trọng để tôn vinh cuộc đời và đóng góp của ông cho lịch sử, văn hóa Việt Nam" - TS Amandine Dabat chia sẻ với báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) trong buổi trò chuyện đầu Xuân Ất Tỵ.

Đam mê lớn nhất của vua Hàm Nghi

* Chị đã đến với đề tài nghiên cứu về vua Hàm Nghi cho luận án và cuốn sách này như thế nào?

- Tôi bắt đầu nghiên cứu về ông sau khi phát hiện ra kho tư liệu cá nhân của ông được con gái cả của ông bảo quản. Đây là khối tư liệu gồm khoảng 2.500 tài liệu (thư từ, bản nháp và giấy tờ cá nhân của vua Hàm Nghi) được gia đình cất giữ rất cẩn thận.

Cũng ngay sau khi bảo vệ thành công luận án, tôi nghĩ rằng những nghiên cứu khoa học này cần được giới thiệu đến công chúng nên tôi đã chỉnh sửa lại nội dung để xuất bản thành sách. Đây là công trình quan trọng nhất của tôi về vua Hàm Nghi.

Báo Xuân - TS Amandine Dabat, hậu duệ vua Hàm Nghi: "Khám phá quê hương tổ tiên là một trải nghiệm rất xúc động!" - Ảnh 1.

Bức chân dung tự họa bằng chất liệu bút chì than trên giấy của vua Hàm Nghi sáng tác năm 1896. Theo TS.Amandine Dabat, đây là một tác phẩm đầy cảm xúc với chị. Nghiên cứu bức tự họa này giúp chị hiểu được cả quá trình học tập và sự thành thạo kỹ thuật vẽ của vua Hàm Nghi. Đây cũng là một trong hai bức tranh vẽ tay còn được bảo tồn

* Còn ý nghĩa của công trình này với gia đình chị cũng như các hậu duệ của vua Hàm Nghi?

- Rất có ý nghĩa! Đương thời, cụ cố tôi chưa bao giờ kể về quá khứ của ông với các con. Vì sự cản trở của vợ và xã hội Pháp thời bấy giờ nên ông đã không truyền lại ngôn ngữ hay văn hóa Việt Nam cho con cháu. Các con của ông chỉ được giáo dục như người Pháp để hòa nhập với xã hội.

Điều đó khiến cho thế hệ sau như chúng tôi biết rất ít về cuộc đời ông. Nhưng nhờ cuốn sách của tôi, mọi người đã khám phá được nhiều điều mới. Công trình nghiên cứu này thực sự đã giúp các thành viên trong gia đình tôi hiểu hơn về tổ tiên của mình. Điều đó cũng có nghĩa: từ đây, một phần lịch sử tổ tiên của chúng tôi sẽ được truyền lại cho các thế hệ sau.

* Nhưng đây không phải là công trình nghiên cứu đầu tiên về vua Hàm Nghi. Chị cũng đã tham khảo từ những nghiên cứu khác viết về ông chứ?

- Có chứ. Nhưng khi tìm hiểu, tôi nhận thấy phần lớn các tài liệu trước đây được người Pháp thực hiện trong thời kỳ thuộc địa và chứa đựng nhiều sai sót. Các tư liệu này chỉ tập trung vào cuộc sống của vua Hàm Nghi ở Việt Nam mà không đề cập đến thời gian lưu đày của ông. Trong khi đó, các nhà sử học Việt Nam không có điều kiện tiếp cận kho tư liệu cá nhân của ông, vốn rất cần thiết để hiểu rõ về cuộc đời vua Hàm Nghi.

Vì thế, nếu chỉ dựa vào tư liệu thuộc địa của Pháp, chúng ta sẽ chỉ thấy vua Hàm Nghi được mô tả là "kẻ thù không đội trời chung" với Pháp. Còn từ tư liệu cá nhân, tôi có thể thấy rằng ông đã hòa nhập với lối sống Pháp, có bạn bè là người Pháp, giáo dục con cái theo phong cách Pháp. Và quan trọng hơn cả, tôi thấy ông đặt trọng tâm của mình vào nghệ thuật chứ không phải chính trị. Đam mê lớn nhất của ông trong cuộc đời là nghệ thuật, bao gồm: hội họa, điêu khắc và vẽ.

Cuốn sách của tôi đã khắc phục khoảng trống lịch sử này. Dựa trên tư liệu cá nhân của vua Hàm Nghi và các tư liệu hành chính thuộc địa của Pháp, cuốn sách đã tái hiện rõ hơn cuộc đời ông trong thời gian lưu đày.

Báo Xuân - TS Amandine Dabat, hậu duệ vua Hàm Nghi: "Khám phá quê hương tổ tiên là một trải nghiệm rất xúc động!" - Ảnh 2.

Tiến sĩ lịch sử nghệ thuật Amandine Dabat

* Đâu là những thách thức lớn mà chị gặp phải trong quá trình thực hiện đề tài này?

- Có lẽ là việc tôi phải sắp xếp và kiểm kê 2.500 tài liệu trong kho tư liệu cá nhân của vua Hàm Nghi để nghiên cứu. Sau đó, tôi tiếp tục tiến hành nhiều nghiên cứu phả hệ để tìm kiếm hậu duệ của bạn bè vua Hàm Nghi, những người từng được ông tặng các tác phẩm nghệ thuật nhằm lập danh mục các bức tranh và tác phẩm điêu khắc của ông.

* Tôi được biết, cuốn sách của chị thực hiện chủ yếu dựa trên các tài liệu bằng tiếng Pháp nhưng cũng có khoảng 80 tài liệu viết bằng chữ Hán?

- Vâng, đó là một số bài thơ chữ Hán của nữ văn sĩ người Pháp, Judith Gautier. Ngoài ra là một số tài liệu được viết bởi tác giả Kỳ Đồng, một danh sách các sách chữ Hán cũng như một vài lá thư của người Việt Nam mà khi ấy, các văn thư còn chưa viết bằng chữ quốc ngữ. Tất cả các tài liệu này đã được dịch bởi các nhà Hán học.

* Theo chị, quá trình nghiên cứu những di sản nghệ thuật của vua Hàm Nghi có ý nghĩa như thế nào trong việc khắc họa chân dung nghệ sĩ của ông?

- Tôi cho rằng, cuộc đời vua Hàm Nghi với tư cách là một nghệ sĩ đã được thể hiện rất rõ qua các tác phẩm của ông. Ông sáng tác hội họa và điêu khắc và là nghệ sĩ hiện đại đầu tiên của Việt Nam. Là một tài năng xuất chúng, vua Hàm Nghi đã chinh phục và để lại dấu ấn trên mọi lĩnh vực của mỹ thuật.

Báo Xuân - TS Amandine Dabat, hậu duệ vua Hàm Nghi: "Khám phá quê hương tổ tiên là một trải nghiệm rất xúc động!" - Ảnh 3.

Tác phẩm tượng đồng “Người phụ nữ với quả bí ngô” của vua Hàm Nghi sáng tác năm 1925

* Vậy chị đánh giá thế nào về ảnh hưởng của ông đối với lịch sử mỹ thuật Việt Nam?

- Từ những nghiên cứu của mình, tôi cho rằng tuy là một nghệ sĩ tài năng nhưng vua Hàm Nghi lại ít được biết đến trong cộng đồng người Việt Nam cùng thời. Điều này có thể hiểu được bởi những lý do khách quan và chủ quan: nhờ được trợ cấp tài chính, ông không phải bán các tác phẩm để mưu sinh nên trong suốt cuộc đời, ông chỉ tổ chức ba triển lãm cá nhân. Đặc biệt đối với ông, nghệ thuật là một không gian tự do thuộc về riêng mình.

Trong thời gian bị lưu đày ở Algiers, ông cũng không thể có ảnh hưởng nào đến các hoạt động nghệ thuật tại Việt Nam trước sự giám sát bởi chính quyền Pháp. Tuy nhiên, điều đó không thể cản trở sự quan tâm của ông đến nền nghệ thuật nước nhà. Điều này có thể nhìn ra trong dịp ông tham quan triển lãm của Mai Trung Thứ và Lê Phổ tại Algiers năm 1942. Khi đó, ông đã mua ít nhất một tác phẩm của Mai Trung Thứ. Tôi nghĩ đó là một minh chứng cho sự trân trọng và kết nối của ông với nền nghệ thuật của quê hương.

*Trong di sản của ông có tác phẩm nào khiến chị có ấn tượng sâu sắc?

- Thật khó để tôi chọn ra một tác phẩm duy nhất như vậy đấy! Nhưng tôi muốn nhắc đến bức tự họa của ông. Với tôi, đây là một tác phẩm đầy cảm xúc!

Vì nghiên cứu bức tự họa này đã giúp tôi hiểu được cả quá trình học tập và sự thành thạo kỹ thuật vẽ của vua Hàm Nghi. Bức này còn rất đặc biệt vì là một trong hai bức tranh vẽ tay còn lại của ông còn được bảo tồn.

"Tháng 3/2025 tôi có một triển lãm riêng về vua Hàm Nghi được tổ chức tại Huế. Tôi cũng hi vọng, sau sự kiện này, sẽ có thêm nhiều triển lãm khác về vua Hàm Nghi được diễn ra tại các thành phố khác ở Việt Nam" - TS Amandine Dabat.

Kết nối với cội nguồn

*Là cháu đời thứ 5 của vua Hàm Nghi, chị đã có những cảm xúc và suy nghĩ gì  trong quá trình nghiên cứu và viết về cuộc đời ông, đặc biệt trong những năm tháng ông bị lưu đày?

- Tôi vô cùng xúc động khi khám phá con người của cụ cố tôi qua những thư từ cá nhân mà ông để lại. Nhất là khi tôi nhận ra niềm đam mê nghệ thuật và phẩm giá của ông trong cảnh lưu đày, ông đã phải chịu rất nhiều đau khổ. Ở đó, sự kiên cường mà ông tìm thấy thông qua nghệ thuật thực sự đáng ngưỡng mộ.

Báo Xuân - TS Amandine Dabat, hậu duệ vua Hàm Nghi: "Khám phá quê hương tổ tiên là một trải nghiệm rất xúc động!" - Ảnh 5.

Tác phẩm “Cây ô-liu già” với chất liệu sơn dầu trên vải, được vua Hàm Nghi sáng tác năm 1905

* Nếu được chọn một số tính từ để mô tả những nét tính cách của vua Hàm Nghi mà mình ngưỡng mộ nhất, chị sẽ chọn những từ nào?

- Dũng cảm, kiên định và đam mê.

* Gia đình chị có những kỷ niệm hoặc giai thoại đặc biệt nào về ông không?

- Gia đình tôi giữ lại rất ít kỷ niệm và giai thoại về ông. Vì chiến tranh nên từ đời ông bà của tôi đã không biết nhiều về cụ của họ. Vua Hàm Nghi bị lưu đày còn là một nỗi đau nên điều này cũng không được nhắc đến trong gia đình. Thực sự, ký ức về ông trong gia đình ở những thế hệ sau đã gần như không có để truyền lại.

* Vậy trong số những kỉ niệm ít ỏi về ông, ngoài là một nghệ sĩ, vua Hàm Nghi trong cuộc sống đời thường còn được biết đến là một người như thế nào?

- Vua Hàm Nghi trước hết là một nghệ sĩ. Khi lập gia đình, điều ông cần là có một người con trai nối dõi. Nhưng ông là người cha rất yêu thương các con. Thậm chí, ông còn rất gần gũi với con gái lớn. Tuy nhiên, ông không hạnh phúc trong hôn nhân. Sau này, ông đem lòng yêu cô giáo cũ của các con - người trở thành người tình và nàng thơ của ông.

* Có thành viên nào trong những thế hệ sau của vua Hàm Nghi theo đuổi nghệ thuật như ông không, thưa chị?

- Rất tiếc là cho đến nay, gia đình chúng tôi không có ai trở thành nghệ sĩ như ông.

* Còn cá nhân chị cảm thấy thế nào khi tiếp tục công việc bảo tồn di sản của vua Hàm Nghi? Sứ mệnh này có ý nghĩa gì đối với chị trong bối cảnh văn hóa Việt Nam đang phát triển?

- Đối với tôi, việc truyền tải chân dung thực sự của vua Hàm Nghi đến với mọi người là rất quan trọng. Luận án tiến sĩ của tôi cũng như cuốn sách đã giúp công chúng hiểu hơn về cuộc đời lưu đày và nghệ thuật của ông. Tôi nghĩ rằng, việc phổ biến những nghiên cứu này với công chúng cũng là cách tôi trả lại cho người Việt Nam một phần lịch sử về vị hoàng đế của mình.

Báo Xuân - TS Amandine Dabat, hậu duệ vua Hàm Nghi: "Khám phá quê hương tổ tiên là một trải nghiệm rất xúc động!" - Ảnh 6.

Tác phẩm “Những vách đá tại Port-Blanc (St-Lunaire)” được vua Hàm Nghi thực hiện với chất liệu sơn dầu trên vải năm 1912

* Và chị sẽ có những dự án tiếp theo trong việc đưa di sản nghệ thuật của vua Hàm Nghi về Việt Nam trong tương lai gần nữa chứ?

- Vâng, chắc chắn rồi. Tháng 3/2025 tôi có một triển lãm riêng về ông được tổ chức tại Huế. Tôi cũng hi vọng, sau sự kiện này, sẽ có thêm nhiều triển lãm khác về vua Hàm Nghi được diễn ra tại các thành phố khác ở Việt Nam, để người dân Việt Nam được hiểu về ông cũng như nghệ thuật của ông hơn.

*Chị đã đến Việt Nam lần đầu tiên khi nào? Cảm xúc của chị lúc đó ra sao?

- Lần đầu tôi đến Việt Nam là khi tôi 25 tuổi, năm 2011. Đó cũng là năm đầu tiên tôi làm nghiên cứu sinh. Chuyến đi này đã giúp tôi thực hiện nghiên cứu ở các kho lưu trữ tại Việt Nam. Sau đó, tôi tiếp tục trở lại Việt Nam mỗi năm một vài tháng trong suốt thời gian thực hiện luận án.

Với tôi, việc khám phá quê hương tổ tiên của mình là một trải nghiệm rất xúc động, đặc biệt là khi tôi biết rằng cụ cố vẫn phải sống lưu đày, ngay cả sau khi qua đời.

*Trong các chuyến thăm Việt Nam vừa qua, khi mặc trang phục truyền thống và trò chuyện với người dân về vua Hàm Nghi, chị cảm nhận mối liên kết với cội nguồn Việt Nam như thế nào?

- Phải nói rằng tôi rất xúc động khi nhận ra sự trân trọng của người dân Việt Nam đối với vị hoàng đế của họ và cũng là cụ cố của tôi. Tôi chọn mặc trang phục truyền thống Việt Nam trong các chuyến đi này là để thể hiện sự tôn vinh tổ tiên mình cũng như người Việt Nam. Hơn cả là việc tìm hiểu thêm về quê hương của tổ tiên đã giúp tôi thấu hiểu hơn nỗi đau của cụ cố tôi khi ông phải sống cuộc đời bị lưu đày. Điều này càng khiến tôi quyết tâm thuyết phục gia đình mình chấp thuận đưa di hài của vua Hàm Nghi trở về quê hương, để ông được yên nghỉ bên cạnh cha mình, như di nguyện của ông.

*Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Vài nét về vua Hàm Nghi

Vua Hàm Nghi (1871- 1944), tên húy là Nguyễn Phúc Minh, tự hiệu Ưng Lịch, lên ngôi năm 1884 của triều Nguyễn. Năm 1885, ông ban Chiếu Cần Vương, kêu gọi nhân dân chống Pháp. Năm 1888, ông bị thực dân Pháp bắt và lưu đày ở Algiers. Ở đây, ông được học hội họa và điêu khắc từ những bậc thầy như Marius Reynaud, nhà điêu khắc Léon Fourquet và Auguste Rodin.

Vua Hàm Nghi vẽ, hội họa và điêu khắc suốt cuộc đời. Ông bắt đầu với hội họa và vẽ vào đầu thời kỳ lưu đày, từ năm 1889, và tiếp tục điêu khắc đến cuối đời vào năm 1944.

Nhân vật đặc biệt của mỹ thuật Việt Nam hiện đại

Nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, TS Amandine Marie Anne Dabat là hậu duệ đời thứ năm của vua Hàm Nghi - chắt gái của công chúa Như Lý (con gái vua Hàm Nghi). Chị là tiến sĩ lịch sử nghệ thuật (Đại học Sorbonne), thạc sĩ Việt Nam học (Đại học Paris 7 - Diderot). Năm 2015, chị bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Viện Lịch sử Nghệ thuật Quốc gia Pháp (tại Paris) với đề tài liên quan đến vua Hàm Nghi: "Hàm Nghi: Hoàng đế lưu vong - Nghệ sĩ ở Alger".

Cuốn sách Hàm Nghi: Hoàng đế lưu vong - Nghệ sĩ ở Alger do TS Amandine Dabat biên soạn từ luận án tiến sĩ của mình là một công trình nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của vua Hàm Nghi, trong vai trò một vị vua yêu nước và là một nghệ sĩ tài hoa trong thời gian ông sống lưu vong tại Pháp và Algieria.

"Với công trình này, Amandine Dabat mang đến cho các sử gia mỹ thuật một cơ hội hiếm hoi để khám phá một cuộc đời đặc biệt của mỹ thuật Việt Nam hiện đại, thông qua việc thu thập và khảo cứu các tài liệu cá nhân, tài liệu lưu trữ về nhân vật này… Nếu coi Hàm Nghi là một họa sĩ, thì có nghĩa là lĩnh vực mỹ thuật Việt Nam hiện đại xuất hiện không chỉ trong phạm vi thuộc địa như thường được phân tích, mà còn trong bối cảnh chống thực dân bên ngoài lãnh thổ Việt Nam" - TS Nora Taylor.

Bài: Ngọc Minh - Nguồn ảnh: Amandine Dabat

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm