Hà Lan toàn thắng vòng bảng: Khi các nghệ sỹ thực dụng

26/06/2010 13:55 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH) - Đúng vào ngày bóng đá Hà Lan "kỷ niệm" 32 năm sau thất bại 1-3 trước Argentina trong trận Chung kết World Cup 1978, trận Chung kết World Cup thứ hai liên tiếp mà "Oranje" là kẻ bại trận, đội tuyển của họ đã đánh bại Cameroon 2-1 để kết thúc vòng bảng với thành tích toàn thắng.

Như vậy, thầy trò Van Marwijk đã trở thành đội đầu tiên sau Brazil 1982 thắng được tất cả các trận đấu thuộc cả vòng loại lẫn vòng bảng của một kỳ World Cup.

Có một điều trùng hợp rất thú vị giữa những cái tên vừa được nêu ra: Hà Lan 1974, Hà Lan 1978 và Brazil 1982 đều là "những kẻ thất bại bất tử", được nhớ mãi cả bởi vẻ đẹp của thứ bóng đá mà họ chơi lẫn những thất bại đầy tính kịch trước ngưỡng cửa Thiên đường. Hà Lan 2010 đang làm tất cả để tránh đi vào những vết xe đổ ấy.

* Hiệu quả trên hết











ĐT Hà Lan - Ảnh Getty
 Nghe có vẻ rất khó tin, nhưng đúng là dù đang là đội bóng châu Âu thành công nhất tại World Cup 2010, Hà Lan vẫn bị chỉ trích rất nhiều và đang phải sống trong áp lực rất lớn. Thực ra chuyện này không quá khó để giải thích. Thứ nhất, chuyện Hà Lan chơi thành công ở vòng bảng của một kỳ World Cup chẳng có gì đáng để làm ầm ỹ, khi lần gần nhất họ để thua một trận vòng bảng cách nay cũng đã 16 năm (Bỉ, USA '94). Lý do thứ hai, cũng là lý do chính, đó là với những người Hà Lan yêu cái đẹp một cách cực đoan, tất cả những gì không vươn tới tầm "Total Football" của những năm 1970 đều đáng bị ném vào sọt rác. Mà rõ ràng, thứ bóng đá Hà Lan đã chơi trước Đan Mạch, Nhật Bản và Cameroon còn lâu mới đáng được xem là "bóng đá tổng lực".

Từ lâu nay, bóng đá Hà Lan "nổi tiếng" bởi hai điều: Thứ bóng đá đẹp đẽ mà họ chơi, và những thất bại của họ ở các VCK World Cup. Sau bao nhiêu lần chứng kiến đội nhà sớm phô diễn hết những gì tốt đẹp nhất để rồi gục ngã ở những thời điểm quyết định - mà ví dụ mới nhất là Euro 2008 - Van Marwijk quyết định phải làm một cái gì đó để thay đổi. Thay vì khuyến khích cả đội cùng tham gia tấn công, ông chia đội hình làm hai nửa: Bộ tứ vệ và cặp tiền vệ trung tâm hiếm khi lên quá nửa sân, và nhiệm vụ tấn công được trao hết vào tay các cầu thủ ở tuyến trên. Hiệu quả là quá rõ ràng: Hà Lan thắng 11/11 trận chính thức gần nhất, và chuỗi bất bại của họ, tính cả các trận giao hữu, hiện đã được kéo dài tới con số 22!

 

* Chờ Robben và Van Persie

Dù Van Marwijk và các học trò vẫn đang ra sức tự bảo vệ mình bằng lập luận "hiệu quả là trên hết", song về bản chất thì họ đều là người Hà Lan, mà người Hà Lan thì sớm muộn gì cũng sẽ tự tìm tới với cái đẹp. Và vì giờ đã là quá muộn để thay đổi chiến thuật và thúc giục các cầu thủ phòng ngự tham gia tấn công nhiều hơn, Van Marwijk đang hi vọng các cầu thủ tấn công của họ sẽ làm được nhiều hơn những gì họ đã làm ở vòng bảng. Đã xuất hiện những dấu hiệu tích cực ở trận đấu với Cameroon. Van Persie chơi thanh thoát hơn và đã có được bàn thắng đầu tiên ở World Cup 2010. Sneijder hoàn toàn làm chủ Jabulani. Và Robben trở lại, với dấu ấn là cú nã đại bác trúng cột dọc khung thành Cameroon, tạo điều kiện cho Huntelaar ấn định chiến thắng 2-1.

Chỉ cần bộ ba ấy chơi đúng khả năng (tất nhiên là còn phải kể tới "chú ong thợ" Kuyt), không có nhiều hàng thủ ở World Cup ngăn chặn được họ. Nhật Bản và Đan Mạch có vẻ đã tìm ra công thức hạn chế sức sáng tạo của "Oranje", đó là bố trí tới 5 người ở hàng tiền vệ và "kẹp" bộ tứ của Hà Lan giữa hai tuyến phòng ngự, nhưng nên nhớ, đó là những trận đấu mà Hà Lan thiếu Robben. Khi có mặt trên sân, tiền vệ của Bayern Munich có thể lôi kéo từ 2 tới 3 hậu vệ đối phương về phía mình để tạo ra khoảng trống cho các đồng đội của anh khai thác, điều mà người đá thay anh Van der Vaart đã không thể làm được. Đừng quên là với cách chơi đang bị chỉ trích này, Hà Lan từng thắng Ghana 4-1, đè bẹp Hungary 6-1 ngay trước khi World Cup khởi tranh.

 

V.Cường

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm