Ấn Độ phóng tàu thăm dò hành tinh Đỏ: 'Cú hích' sao Hỏa tới từ châu Á?

22/10/2013 08:45 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ấn Độ đang chuẩn bị phóng một con tàu vũ trụ tới sao Hỏa và sự kiện này lập tức được giới phân tích đánh giá sẽ thổi bùng lên một cuộc chạy đua không gian tới hành tinh Đỏ ở châu Á, góp phần mang lại lợi ích cho toàn cầu.

Tổ chức nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) đang tiến hành những hoạt động chuẩn bị cuối cùng để đưa tàu thăm dò không người lái của nước này lên hành tinh Đỏ.

Niềm kiêu hãnh quốc gia

Mục tiêu đầu tiên của nhiệm vụ là kiểm tra khả năng công nghệ không gian của Ấn Độ, xem nước này có thể thực hiện các nhiệm vụ xuyên hành tinh hay không. Ngoài ra, con tàu sẽ thu thập thông tin khoa học về bầu khí quyển và bề mặt của sao Hỏa.

Tàu thăm dò mang tên Mangalyaan dự định được phóng vào ngày 28/10. Nhưng thời tiết xấu ở khu vực Thái Bình Dương đã khiến các quan chức Ấn Độ phải dời lịch phóng lại thêm một tuần, thậm chí tới tận ngày 19/11. Nếu nhiệm vụ của Ấn Độ thành công, ISRO sẽ trở thành cơ quan hàng không vũ trụ thứ 4 trên thế giới, sau Mỹ, châu Âu và Nga, đưa tàu vũ trụ lên sao Hỏa thành công.

Hoạt động sản xuất tàu thăm dò Mangalyaan của Ấn Độ đã hoàn tất chỉ trong 15 tháng

Theo Pallava Bagla, biên tập viên khoa học của kênh truyền hình tin tức New Delhi và tác giả cuốn Destination Moon nói về nỗ lực chinh phục không gian của Ấn Độ, công chúng nước này đặc biệt phấn khích về khả năng chiến thắng Trung Quốc trong cuộc đua lên hành tinh Đỏ. "Nếu Ấn Độ đánh bại Trung Quốc trong cuộc đua tới sao Hỏa, anh có thể tưởng tượng được niềm kiêu hãnh quốc gia" - ông nói với BBC News.

Nhiệm vụ của Ấn Độ được đích thân Thủ tướng Manmohan Singh thông báo hồi tháng 8 năm ngoái, trong bài phát biểu nhân ngày Độc lập. Ông đã đưa ra tuyên bố từ một trong những công trình biểu tượng của New Delhi là Pháo đài Đỏ. "Bất kỳ tuyên bố nào được đưa ra từ Pháo đài Đỏ luôn luôn tràn đầy niềm tự hào dân tộc  và đây là điều xuất hiện khá nhiều, khá đậm trong nhiệm vụ này" - Bagla nói.

Sự thay đổi thực dụng

Năm 2011, Trung Quốc từng định gửi một tàu vũ trụ mang tên Yinghou-1 tới sao Hỏa. Tuy nhiên nhiệm vụ đã bị hủy bỏ vì lỗi kỹ thuật. Sau sự kiện này, Ấn Độ đã đẩy nhanh nhiệm vụ chinh phục sao Hỏa của họ. Tàu thăm dò Mangalyaan được chuẩn bị xong trong chỉ có 15 tháng.

Ấn Độ đã có một chương trình không gian kéo dài hơn 30 năm. Cho tới gần đây, ưu tiên của chương trình vẫn chỉ là phát triển các công nghệ nhằm giúp đỡ trực tiếp dân nghèo ở nước này, như cải thiện hoạt động giám sát môi trường và cơ sở hạ tầng viễn thông thông bằng ứng dụng vệ tinh.

Nhưng năm 2008, ISRO đã thay đổi ưu tiên, tập trung theo hướng xây dựng và phát triển các vệ tinh nhằm thăm dò hành tinh khác. Kết quả là Ấn Độ đã gửi tàu thăm dò Chandrayaan-1 lên Mặt trăng. Nhiệm vụ này gây tốn kém hơn 88 triệu USD. Giờ chính quyền muốn tiêu thêm khoảng 96 triệu USD nữa cho hoạt động thăm dò sao Hỏa.

Một số người đã chất vấn về việc chính quyền dịch chuyển ưu tiên từ xây dựng cơ sở hạ tầng sang thám hiểm không gian. Họ băn khoăn không biết tiền có được tiêu đúng chỗ không. Tuy nhiên nghi ngờ kiểu này luôn vấp phải sự phản ứng mạnh từ những người như Bagla: "Anh không thể đưa 400 triệu người đang sống trong nghèo đói ở Ấn Độ ra khỏi cái nghèo với số tiền vỏn vẹn 96 triệu USD này" - ông nói.

Theo giáo sư Andrew Coates ở Đại học College London, sự dịch chuyển theo hướng chinh phục không gian là thay đổi mang tính thực dụng của các quan chức Ấn Độ, với hy vọng việc này sẽ mang lại những lợi ích kinh tế rõ ràng.

"Chương trình chinh phục không gian mang đến cho họ một mục tiêu rất cao. Nếu Ấn Độ cho thế giới thấy họ có những thứ đủ để đưa tàu vũ trụ tới hành tinh khác, họ có thể bắt đầu bán tên lửa đẩy và không gian trên tàu vũ trụ cho các tổ chức nghiên cứu khoa học. Ngoài ra Ấn Độ cũng sẽ được đưa vào bàn nghị sự của các hoạt động khám phá không gian phục vụ nghiên cứu khoa học của thế giới" - giáo sư Coates giải thích. 


Tàu thăm dò sẽ được đưa lên sao Hỏa bằng tên lửa PSLV-XL đời mới

Cú hích cho thế giới

Quả thực phát triển vệ tinh và tên lửa đẩy giờ là một hoạt động kinh doanh lớn. Nếu Ấn Độ giảm đầu tư vào thám hiểm không gian, có khả năng họ sẽ tụt hậu, không chỉ trên những kinh nghiệm cốt yếu thu được từ cuộc đua này. Sandeep Chachra, giám đốc điều hành của tổ chức xóa nghèo đói Action Aid ở Ấn Độ tin rằng việc đầu tư vào thám hiểm không gian có tiềm năng mang lại lợi ích cho những người nghèo nhất nước.

"Đầu tư vào công nghệ mới, gồm công nghệ không gian, là một phần quan trọng của hoạt động khơi dậy cảm hứng cho các nền kinh tế như Ấn Độ. Phát triển một công nghệ có độ phức tạp cao trên một đất nước còn đông người nghèo như thế này không chỉ là một sự tương phản đơn giản" - ông nói với BBC - "Điều quan trọng hơn là nắm lấy những tiến bộ mà khoa học và công nghệ mang lại để thu lấy điều tốt đẹp hơn và sử dụng những tiến bộ đó để vượt qua nghèo đói, xây dựng hy vọng cho các thế hệ tương lai.

Theo giáo sư Coates, trong cuộc đua thám hiểm không gian ở châu Á, các cường quốc không gian khu vực như Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản hiển nhiên sẽ nhìn về phía nhau. Sự ganh đua giữa họ sẽ làm xuất hiện một cuộc chạy đua thám hiểm không gian mới và cuối cùng là sự hợp tác chinh phục không gian ở châu Á. Đây sẽ là cú hích lớn, giúp hiện thực hóa tham vọng của thế giới trong việc gửi người lên sao Hỏa.

Tại châu Á, Trung Quốc vẫn là một nước lớn trong lĩnh vực chinh phục không gian. Cơ quan Không gian Quốc gia Trung Quốc (CNSA) đã có một chương trình huấn luyện phi hành gia phát triển hoàn thiện và họ đã có trạm vũ trụ thử nghiệm mang tên Thiên Cung-1 bay trên quỹ đạo Trái đất. CNSA đã có kế hoạch gửi tàu vũ trụ Chang'e-3 tới Mặt trăng trong tháng 12 tới. Nhiệm vụ nằm trong một kế hoạch tham vọng hơn nhằm gửi tàu tăm dò tự động lên Mặt trăng, trước khi đưa người tới đây.


Tường Linh (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm