Cesc Fabregas & những người bạn: Chỉ bùng nổ khi xa nhà!

23/03/2012 06:16 GMT+7 | Barcelona

(TT&VH Cuối tuần)- “Khi 17 tuổi, tôi cảm thấy rất khó vào được đội một. Đúng lúc ấy, tôi nhận được lời đề nghị của M.U. Thật khó cưỡng lại đề nghị ấy. Ở Anh, tôi không chỉ học được tiếng Anh”. Đấy là những lời kể lại của Pique, người cũng như Cesc Fabregas, đã rời Tây Ban Nha khi còn là những cậu bé, và rồi sau này, trở lại cố hương khi đã là những người đàn ông.

Ở Barca, đội hình một giống như bầu trời, và để đến được đó, các cầu thủ trẻ cần phải có những đôi cánh. Khi cảm thấy chưa có đôi cánh ngay, họ ra đi, rồi sau đó trở lại , hoặc cũng có thể không, vì hàng nghìn lí do khác nhau. Có thể họ giống như như trường hợp của Cesc, hoặc kém may mắn hơn thì như Giovanni Dos Santos, bán anh này đi sau khi anh thấy anh không hề bùng nổ.

Hoặc có lẽ là họ đã học cách để trở thành một Guardiola mới, nhưng không kiếm được một vị trí ở Liga, để rồi sang Premier League và thấy đó mới là nơi lí tưởng cho mình, như trường hợp của Arteta, người thay chính Cesc ở Arsenal. Có những người nói không với Barca và bỏ sang Bồ Đào Nha (Nolito), có những người từng được coi là một Cesc mới nhưng cuối cùng lại chìm trong bóng tối (Merida), có những cầu thủ đầy hứa hẹn nhưng cuối cùng biến mất như Assulin hay Pacheco.

Những người theo chân các cầu thủ rời khỏi Barca có lẽ vẫn còn nhiều nữa. Bởi La Masia và đội Barca B là một cái mỏ tài năng, và những ai không đủ khả năng trụ lại để sau đó vào đội hình một đều có thể làm một điều đơn giản như những cái tên đã kể trên: Ra đi tìm ánh sáng ở nơi khác. 



Cesc Fabregas chụp ảnh lưu niệm với Thủ tướng Tây Ban Nha Rodríguez Zapatero và Thủ tướng Anh David Cameron- Ảnh Getty

Sau trận Barca hạ BATE Borisov ở vòng bảng Champions League hồi tháng 12/2012 mà trong đội hình xuất phát của Barca có đến 9 cầu thủ từ đội B (và 5 người khác ngồi trên ghế dự bị), đã có hàng loạt đề nghị mua 10 trong số đó. Đương nhiên Barca nói không và tìm cách giữ chân những cầu thủ trẻ hay nhất bằng các hợp đồng đắt giá so với tuổi của họ, chẳng hạn như những Deulofeu (17 tuổi), hay Cuenca, Bartra và Jonathan (21 tuổi).

Trong bóng đá Italia, cũng có nhiều trường hợp các “quả bom” đã nổ khi xa nhà. Trong những năm qua, nhiều cầu thủ Italia đã sang Anh lập nghiệp, và những người trở về thì thường thành công. Rino Gattuso đã bỏ Perugia để sang Rangers vào năm 1997 và chỉ sau một năm, trở thành một người hùng tại thành phố Glasgow, trước khi hồi hương về Salernitana, và cuối cùng, Milan.

Maresca rời Cagliari một năm sau đó khi còn rất trẻ để sang West Bromwich và rồi năm sau xuất hiện ở... Juventus. M.U cuỗm được Giuseppe Rossi từ Parma vào măm 2004, khi anh mới 17 tuổi. Ba năm sau, anh trở về Parma theo dạng cho mượn, ghi 11 bàn và cứu đội này khỏi xuống hạng B. Ngay sau đó, M.U bán anh cho Villarreal để lấy 11 triệu euro.

Ngay cả tiền đạo trẻ Borini hiện đang chơi cho Roma bây giờ cũng là dân “di cư”. Chelsea lấy anh về từ đội trẻ Bologna khi anh mới tròn 16 tuổi, để rồi sau đó Borini trở thành ngôi sao của đội dự bị. Nhưng sau đó, Chelsea không còn tin tưởng vào anh nữa và Parma đưa anh về mà không mất một xu. Thế rồi mùa này, Borini sang chơi cho Roma theo một hợp đồng cho mượn và bùng nổ. Nhưng không phải cầu thủ Italia nào cũng thành công như Gattuso, Maresca, Rossi và Borini. Người ta vẫn chưa quên câu chuyện thất bại của Dalla Bona ở Chelsea, Macheda ở M.U và Petrucci ở Queen’s Park Rangers.

Đương nhiên, vẫn còn nhiều hiện tượng khác nữa ngoài Tây Ban Nha và Italia. Ở Brazil, Hulk chỉ là một anh chàng hậu vệ biên vô danh, nhưng sau khi sang Nhật Bản thì anh trở thành một siêu sao tiền đạo. Anh chàng Guidetti người Thụy Sĩ thì phải chạy sang tận... Nairobi, Kenya, để thành một ngôi sao, trước khi trở về Hà Lan chơi cho Ajax và bây giờ thì anh đang trong tầm ngắm của Man City. Krul rời Del Haag để đến Newcastle năm 17 tuổi, và bây giờ, ở tuổi 25, chỉ trở lại cố hương khi được đội tuyển triệu tập.

Trezeguet bắt đầu sự nghiệp bóng đá cho đội Platense ở Buenos Aires, đã nổi lên ở châu Âu với 244 bàn thắng và rồi bây giờ quay lại để chơi cho River. Tại Đức, chẳng ai quan tâm đến Bierhoff là cầu thủ nào, khiến anh phải sang Italia chơi cho Ascoli, Udinese, rồi Milan, trở thành một trong những chân sút hay nhất trong lịch sử calcio.

A.T



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm