08/08/2024 05:30 GMT+7 | Thể thao
Niềm hi vọng giành huy chương Trịnh Văn Vinh kết thúc phần thi đấu với kịch bản nằm ngoài mọi dự báo khi thất bại cả 3 lần cử giật ở mức tạ 128kg.
Cuộc thi đấu hạng 61kg môn cử tạ Olympic diễn ra muộn hơn tới gần 40 phút so với lịch công bố trước là 20h00. Trịnh Văn Vinh vào cuộc cũng với những điều chỉnh chiến thuật mức tạ đăng ký. Lực sĩ Bắc Ninh khởi điểm với 128kg cử giật và 165kg cử đẩy, tổng cử là 294kg, thấp hơn so với 303kg trước đó.
Những lo lắng đã xuất hiện khi Trịnh Văn Vinh thất bại ở lần cử đầu tiên, dù đã cố gắng nâng tạ lên qua đầu với 1 động tác nhưng không thể giữ thăng bằng và buộc phải thả tạ rơi ra phía sau. Sự khởi đầu không thuận lợi đã mang tới rất nhiều khó khăn ngay sau đó.
Bởi theo quy định, các đô cử sẽ thi đấu với mức tạ từ thấp tới cao, ở mức 128kg, chỉ có Vinh và Shota Mishvelidze (Georgia) đăng ký nên Vinh buộc phải tiếp tục thi đấu chỉ sau hơn 1 phút mà không có thời gian để phục hồi.
Lần cử thứ 2 cũng tương tự như lần đầu tiên, Vinh không thể giữ thăng bằng trên cao để chấm điểm và tạ rơi chỉ sau 1 giây sau động tác nâng lên. Quan sát Vinh thi đấu, HLV Lưu Văn Thắng cũng thể hiện sự lo lắng rất lớn.
Sau động tác này tới lượt Shota Mishvelidze lên sàn, Vinh có khoảng 2 phút nghỉ và bước vào lần thi cuối. Tuy nhiên, nỗ lực giật tạ của Vinh cũng không thành, thậm chí, việc cố gắng giữ tạ trên cao đã khiến Vinh ngã ngửa và thiếu chút nữa bị tạ đè vào người gây chấn thương.
Với 3 lần cử giật không thành công, lực sĩ Bắc Ninh rời sàn đấu trong nỗi thất vọng rất lớn bởi anh chính thức bị loại khỏi cuộc thi đấu và không được tham gia phần thi cử đẩy. Đây là kịch bản rất ít người ngờ tới, bởi trước đó, Vinh là hi vọng tranh chấp huy chương hoặc ít nhất cũng nằm trong nhóm có khả năng tranh chấp.
Ngoài ra, qua phần thi đấu cũng không cảm nhận được độ máu lửa về tinh thần và dường như thể lực không đủ để chiến thắng mức tạ, có cảm giác Vinh bị đuối sức trong cả 3 lần nâng dẫn đến lỗi kỹ thuật, không thể hoàn thành động tác.
Niềm an ủi cho Vinh sau cuộc thi đấu có lẽ chỉ là việc anh không phải là người duy nhất phải rời cuộc chơi sau động tác cử giật. Có thêm 3 đô cử gồm John Febuar Ceniza (Philippines), Sergio Massida (Itay), Ivan Petkov Dimov (Bulgary) cũng không hoàn thành mức tạ khởi điểm.
Trịnh Văn Vinh rời sàn đấu ở kỳ Olympic đầu tiên trong sự nghiệp theo kịch bản không ai mong muốn. Bản thân lực sĩ 29 tuổi cũng rất khát khao được thể hiện mình và tìm kiếm một vị trí trong xếp hạng chung cuộc để đánh dấu sự trở lại sau những biến cố đáng quên trong sự nghiệp.
Trong đó, nỗ lực trong suốt quá trình thi đấu giành vé tới Paris kéo dài 14 tháng kể từ sau khi hết án "treo tạ" vì doping, bản thân vẫn mang trên mình nhiều chấn thương mãn tính và phải nén đau để tập luyện cũng rất đáng được ghi nhận song mọi chuyện đã không diễn ra như ý muốn của cá nhân anh cũng như mong muốn của giới chuyên môn.
Thất bại của Trịnh Văn Vinh coi như đã khép lại cơ hội giành huy chương của đoàn Thể thao Việt Nam tại kỳ đại hội lần này dù trên lý thuyết vẫn còn Nguyễn Thị Hương thi đấu ở môn Canoeing.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất