Triển lãm trực tuyến - giải pháp an toàn để thưởng thức nghệ thuật mùa dịch

18/08/2021 11:07 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Dịch COVID-19 bùng phát khiến nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật ngưng trệ, trong đó có các hoạt động triển lãm tranh, ảnh…, đặc biệt trong mùa giãn cách như hiện nay. Tuy nhiên, công chúng vẫn có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật.

Tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc cổ vũ tinh thần nhân dân vượt qua đại dịch

Tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc cổ vũ tinh thần nhân dân vượt qua đại dịch

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành kế hoạch về việc tổ chức các chương trình nghệ thuật đặc sắc cổ vũ, nâng cao sức mạnh tinh thần nhân dân vượt qua đại dịch COVID-19.

Để đáp ứng nhu cầu đó, nhiều tổ chức, cá nhân đã tiến hành các buổi triển lãm trực tuyến hoặc qua không gian 3D giúp công chúng có cơ hội chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật ngay trong mùa giãn cách.

"Nở rộ" triển lãm online

Từ ngày 23/7 đến ngày 23/8, hai triển lãm online “ITALIAN ROUTES – Phong cảnh núi, leo núi, biến đổi khí hậu” và “Phong cảnh Việt Nam - Đa dạng sinh thái, biến đổi khí hậu, khám phá mới” do Đại sứ quán Italy tại Hà Nội và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phối hợp tổ chức đã giúp công chúng có cơ hội chiêm ngưỡng nét đặc trưng của thiên nhiên và phong cảnh tuyệt đẹp của hai đất nước Italy và Việt Nam ngay tại nhà.

Triển lãm "Câu chuyện dòng sông" do Quỹ Sống tổ chức, diễn ra từ ngày 12-31/7 được tổ chức online trên một chuyên trang mô phỏng phòng tranh. Triển lãm trưng bày hơn 20 tác phẩm của nghệ sỹ Việt Nam và quốc tế, gồm các họa sỹ Lê Đình Nguyên, Tôn Thất Bằng, Doãn Hoàng Lâm, Phạm Thắng, Trung Liêm, cựu đại sứ Hy Lạp tại Việt Nam - họa sỹ Nicolaos D. Kanellos, họa sỹ Hadi Soesanto người Indonesia… cũng thu hút được sự quan tâm chú ý của đông đảo công chúng.

Chú thích ảnh
Tác phẩm của Phạm Bình Chương - "Biển chiều" trong triển lãm "Câu chuyện dòng sông"

Trước đó, nhân dịp chào mừng kỷ niệm 55 năm ngày thành lập (24/6/1966 – 24/6/2021), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức triển lãm trực tuyến "Mạch nối", giới thiệu nhiều tác phẩm của các nghệ sỹ đã và đang công tác tại bảo tàng, như một truyền thống tốt đẹp, hoạt động thiết thực nhằm tri ân các cán bộ, viên chức đã hết lòng vì sự nghiệp gìn giữ, phát huy giá trị di sản mỹ thuật nước nhà.

Ngoài triển lãm trực tuyến, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn xây dựng và phát triển công nghệ trực tuyến 3D tích hợp trên nền tảng website của bảo tàng. Theo đó, công chúng truy cập trang chủ vnfam.vn, chọn mục 3D tour để có thể khám phá trực tuyến nội dung các phòng trưng bày thường xuyên của Bảo tàng, xem video chất lượng cao giới thiệu bảo vật Quốc gia - Tượng Phật bà Quan Âm, nghe giới thiệu các chuyên đề và bộ sưu tập để hiểu rõ thêm về sự phát triển nền mỹ thuật Việt Nam qua các thời kỳ, từ Tiền – Sơ sử đến nay…

Đại diện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, các hoạt động này được tổ chức với mục tiêu đa dạng hóa trải nghiệm tham quan cho du khách, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp như hiện nay.

Mới đây, Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA) cũng phát động chương trình triển lãm ảnh online với chủ đề “Những khoảnh khắc từ trái tim” nhằm lựa chọn, giới thiệu tác phẩm nhiếp ảnh chụp các tập thể, cá nhân có nghĩa cử, hành động đẹp, thiết thực và ý nghĩa; những chiến sỹ trên tuyến đầu, tấm gương điển hình trong công tác phòng chống dịch COVID-19… để tổ chức triển lãm.

Trên thực tế, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, có rất nhiều triển lãm nghệ thuật online được mở tại các bảo tàng, trung tâm nghệ thuật, trung tâm văn hóa hay tại các phòng tranh của các nghệ sỹ…

Giải pháp hữu hiệu mùa dịch

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của công nghệ, của các nền tảng xã hội lớn, việc tổ chức sự kiện trực tuyến ngày càng phổ biến. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, gần 2 năm qua, rất nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật bị ngưng trệ, trong đó có các hoạt động mỹ thuật như triển lãm ảnh, triển lãm tranh, các workshop nghệ thuật… Tuy nhiên, các nghệ sỹ vẫn có nhu cầu giới thiệu tác phẩm đến công chúng, nhiều cá nhân, đơn vị có nhu cầu tổ chức các sự kiện, nhưng không thể mở trực tiếp được do hạn chế tập trung đông người. Do đó, họ đã chuyển sang đã tổ chức các triển lãm, sự kiện, hoạt động nghệ thuật bằng hình thức online để giới thiệu tác phẩm nghệ thuật đến với công chúng, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu nghệ thuật của công chúng.

Các triển lãm, sự kiện nghệ thuật thường được tổ chức trên nền tảng mạng xã hội, thông qua Facebook cá nhân, Fanpage của các bảo tàng, các trung tâm nghệ thuật, phòng tranh online trên các website hay các bảo tàng trực tuyến… Các triển lãm trực tuyến đã phần nào đáp ứng được nhu cầu thưởng thức, giao lưu nghệ thuật của công chúng trong thời gian giãn cách xã hội, hạn chế ra đường.

Tuy nhiên, qua trao đổi, nhiều họa sỹ cho rằng, tổ chức triển lãm online cũng chỉ là giải pháp tình thế, là “cực chẳng đã” mà thôi. Bởi trên thực tế, các họa sỹ và công chúng vẫn “thèm” cảm giác được lang thang ở các phòng triển lãm, tận mắt ngắm nhìn các tác phẩm nghệ thuật, xem triển lãm online dù sao cũng không thể “thật” như bên ngoài…

Theo giám tuyển Nguyễn Anh Tuấn, người sáng lập Heritage Space, triển lãm online vẫn sẽ có những hạn chế về mặt thị giác, nhất là triển lãm mỹ thuật, bởi khi xem trực tiếp, người xem cảm nhận đó là sơn dầu, là lụa, là đất sét… nhưng khi nhìn trên màn hình, cảm nhận đó bị hạn chế nhiều. Kể cả khi xem triển lãm online, bảo tàng online, có những trưng bày chuyển cả lâu đài, bảo tàng thành không gian 3D... nhưng khi nhìn vẫn có cảm giác nhân tạo. Với triển lãm ảnh, tuy đỡ hơn một chút, nhưng nhiều yếu tố nhiếp ảnh cũng không thể hiện được. Ví dụ kỹ thuật in có nhiều nghệ sỹ đầu tư rất cao và nhìn trên mạng khó thể hiện được. Hoặc có những kỹ thuật buồng tối đặc biệt thì xem triển lãm online khó thể hiện. Ưu thế của nghệ thuật thị giác khi xem trực tuyến sẽ mất nhiều…

Các họa sỹ chia sẻ, trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều nơi bị cách ly xã hội, bị phong tỏa, việc tổ chức triển lãm, các sự kiện nghệ thuật trực tuyến là cách thức duy nhất để có thể mang nghệ thuật đến gần hơn với công chúng. Đây cũng là một phong trào thể hiện sự kết nối của các nghệ sỹ khi muốn đưa nghệ thuật đồng hành với công chúng trong cuộc chiến chống COVID-19.

Thời gian qua, nhiều nghệ sỹ đã gửi tranh, ảnh bán đấu giá online lấy kinh phí ủng hộ lực lượng tuyến đầu, giúp những hoàn cảnh khó khăn vượt qua đại dịch… Có thể kể đến triển lãm trực tuyến mang tên “Cây đời mãi xanh” tổ chức gây quỹ mua gạo cho các gia đình khó khăn tại Thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút sự tham gia của hơn 60 họa sỹ với hơn 100 tác phẩm tranh vẽ trên nhiều chất liệu. Đến nay, quỹ đã quyên góp được hơn 1 tỷ đồng để mua gạo và thực phẩm hỗ trợ đồng bào…

Có thể nói, trong thời đại công nghệ số phát triển như hiện nay, việc tổ chức các triển lãm nghệ thuật, workshop nghệ thuật trực tuyến trên mạng xã hội đang ngày càng được phổ biến. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc tổ chức triển lãm online thay thế triển lãm truyền thống là giải pháp hữu hiệu giúp người xem có thể thưởng thức nghệ thuật dễ dàng và an toàn hơn.

Phương Lan/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm