02/03/2015 07:05 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Cho đến khi Paul Gauguin (1848-1903) qua đời ở một hòn đảo thuộc địa trong bệnh tật, người ta mới bày tỏ sự quan tâm tới những tác phẩm của “một trong những đại diện tiêu biểu nhất của hội họa châu Âu”. Nhân dịp triển lãm những tác phẩm của ông diễn ra tại Thụy Sĩ, đang thu hút sự chú ý của công luận, cùng lật giở những trang đời đầy sóng gió của con người tài hoa này.
Trước khi Paul Gauguin (1848-1903) quyết định trở thành họa sĩ, ông đã có thời gian làm thủy thủ, lênh đênh trên đại dương khắp thế giới và từng là người môi giới chứng khoán ở Paris. Ông từng kiếm được rất nhiều tiền, kết hôn với một phụ nữ Đan Mạch và có 5 người con.
Tại Thụy Sĩ, Tổ chức Beyeler đang tổ chức triển lãm gần 50 bức tranh của Gauguin, được mượn từ nhiều bảo tàng quốc tế và bộ sưu tập cá nhân, kéo dài tới 28/6 tới.
Bắt đầu cuộc đời của một nghệ sĩ
Ở tuổi 35, Gauguin đã thay đổi hẳn cuộc đời mình khi chuyển hướng nghề nghiệp, theo đuổi đam mê hội họa. Văn hóa và thiên nhiên, thần bí và khêu gợi, ước mơ và hiện thực, đây là những chủ đề mà Gauguin cố gắng miêu tả trong các bức tranh của mình. Phong cách vẽ của ông mang đậm màu sắc, đường nét rõ ràng hơn là những họa tiết đơn giản.
Theo đuổi hội họa, Gauguin sống tách biệt hẳn với nền văn minh. Ban đầu, ông tới Brittany để nghiên cứu các trang phục và phong tục truyền thống, kết hợp phong cách sống đơn giản với những câu chuyện trong kinh Thánh. Trong bức tranh The Vision of the Sermon (1888), ông cố gắng mô tả sự siêu phàm. Những người phụ nữ tá điền nhìn vào Jacob và một thiên thần đang vật lộn. Tuy nhiên, đây không phải là cảnh thực, mà nó diễn ra trong sự tưởng tượng của những người phụ nữ đó.
Trong ngôi làng nghệ sĩ Pont-Aven, Gauguin được ngưỡng mộ với những bức tranh thuộc trường phái hậu ấn tượng của mình. Sau chuyến đi tới Panama và Martinique, ông miễn cưỡng chấp nhận lời mời của Vincent van Gogh để tới sống cùng danh họa Hà Lan trong một cộng đồng nghệ sĩ ở Arles. Sau chuyến đi ấy, Gauguin tự mô tả mình trong hình hài của Chúa Jesus Christ với bức tranh Christ on the Mount of Olives (1889).
Sống trong nghèo khổ
Sau đó, Gauguin tới Tahiti với hy vọng sẽ tìm được sự tự do ở nơi đây. Nhưng sau cuộc xâm lấn của người châu Âu, hòn đảo này không còn đậm chất điền viên, hoang dã nữa. Trước cảnh ấy, họa sĩ đã phải buông ra lời than vãn: “Một sự bắt chước lố bịch các phong tục, thời trang, thói trụy lạc và các khía cạnh lố bịch trong đời sống văn hóa của người châu Âu”. Tuy nhiên, các bức tranh của Gauguin, phần lớn mô tả sự biếng nhác của người dân nơi này, vẫn cho thấy Tahiti là một thiên đường.
Gauguin từng thừa nhận, người Tahiti đã đánh mất đi những bản năng gốc của mình, song họ vẫn đẹp như những tác phẩm nghệ thuật. Các bức tranh của ông thỏa mãn được nhu cầu của người châu Âu, khát khao vẻ đẹp kỳ lạ và thuần khiết. Mặc dù vậy, tranh của ông lại không được nhiều người châu Âu ưa chuộng. Gauguin tiếp tục sống trong nghèo đói. Vợ từ bỏ ông, chuyển tới Đan Mạch sống cùng các con.
Nghèo khổ, Gauguin trở về Pháp hai năm sau đó, “hoang dã hơn khi tôi rời đi trong khi kiến thức lại chẳng thu thập thêm được gì” – Gauguin thừa nhận. Ở Pháp, thành công vẫn chẳng màng tới ông, vì vậy Gauguin đã trở lại Tahiti, sống trong tâm trạng buồn chán với cuộc đời. Nỗ lực tự vẫn bất thành, Gauguin tiếp tục cầm cọ vẽ. Ông còn viết cho các tạp chí châm biếm đối đầu với chính quyền thực dân và Giáo hội Công giáo.
Nhưng Gauguin đã quyết định xốc lại tinh thần và bản thân mình, ông cho ra đời họa phẩm bất hủ Where do we come from? Who are we? Where are we going to? (Chúng ta từ đâu đến - Chúng ta là ai - Chúng ta đi về đâu). Bức tranh này được ông vẽ năm 1897 với khổ lớn 1,39m x 3,75m, mang tính triết lý, tượng trưng về cuộc sống và con người, từ khi sinh ra tới lúc chết, với mọi nỗi sợ hãi và niềm vui.
Cuối cùng, Gauguin đã có được sự ghi nhận mà ông mong mỏi từ lâu. Nhà buôn nghệ thuật Paris, Ambroise Vollard, đã đề nghị hỗ trợ tài chính cho ông.
Chết cô độc ở nơi “thiên đường”
Rượu, sức khỏe suy yếu và tranh cãi liên miên với chính quyền thuộc địa khiến sức sáng tạo của Gauguin ngày càng giảm sút. Gauguin qua đời trên hòn đảo Marquesas thuộc Dominique, ở tuổi 55, xung quanh ông lúc ấy chỉ có người bản địa và họa sĩ Hà Lan Meyer de Haan, người ông từng gặp ở Brittany. Ở Marquesas, ông đã cho ra đời họa phẩm Barbaric Tales (1902).
Sinh thời, Gauguin luôn tự tin vào khả năng của mình, nhưng sau khi ông qua đời các nhà sưu tầm và bảo tàng trên khắp thế giới mới thể hiện sự quan tâm hơn tới nghệ thuật của ông. Giờ đây, Gauguin là một trong những đại diện nổi tiếng nhất của nền hội họa châu Âu, là một trong ba gương mặt quan trọng nhất của trào lưu hậu ấn tượng cùng với Paul Cezanne và Vincent van Gogh.
Việt Lâm (lược dịch)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất