12/12/2022 18:50 GMT+7 | Văn hoá
Thời gian tại thế của Bửu Chỉ (8/10/1948 - 14/12/2002) không nhiều, lại kinh qua quá nhiều hoạt động xã hội, nên dành cho hội họa càng ngắn ngủi. Thế nhưng, tác phẩm ông để lại thì không hề ít, vì sức làm việc dữ dội. Triển lãm Tay níu thời gian, bày hơn 30 tác phẩm, tưởng nhớ 20 năm ngày mất của họa sĩ Bửu Chỉ, vừa khai mạc tối qua (11/12) tại REI Artspace (371/4 Hai Bà Trưng, Q.3, TP.HCM).
Sinh thời, trong một bài phỏng vấn, Bửu Chỉ chia sẻ: "Nếu nói rằng tôi chưa đến một trường mỹ thuật nào thì đúng hơn. Còn học vẽ thì phải học cả đời. Nhất là đối với một người tự học như tôi. Tôi đam mê hội họa từ nhỏ và ráo riết làm việc với nó cho đến nay, lẽ dĩ nhiên là làm suốt cả đời tôi".
Từ luật sang họa
Trước 1975 tại miền Nam, từ một người học luật, Bửu Chỉ chuyển sang tự học hội họa, vẽ tranh biếm họa, tham gia phong trào chống chiến tranh của sinh viên - học sinh. Từ 1972 đến 1975, trải qua mấy nhà tù của địch vì điều này, thậm chí giai đoạn cuối còn bị biệt giam tại Mỹ Tho (Tiền Giang) cho đến ngày 30/4/1975.
Sau 1975, Bửu Chỉ là ủy viên BCH Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa 1983-1988, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Bình Trị Thiên, làm việc tại tạp chí Sông Hương… Nhưng rồi, vì "chất" tranh đấu sẵn có và được bổ túc hai mạch nguồn cảm hứng khác, Bửu Chỉ đã xin tạm dừng tất cả để vẽ ngày vẽ đêm, mới để lại được di sản dày dặn như vậy.
Ngày 1/11/1988, Bửu Chỉ đến Pháp, ở đây cho đến ngày 30/4/1989, vào thời điểm này, đây là một chuyến đi khá dài. Khi được viếng thăm nhiều bảo tàng, được xem tranh của nhiều họa sĩ mà bản thân ngưỡng mộ, đặc biệt là Paul Klee (1879-1940), ông như bắt nhịp trở lại với mạch nguồn triết lý của mình. Ngày đi chơi, chiều nhậu, tối sáng tác, đủ bày hai triển lãm cá nhân, một cái tại Nhà Việt Nam từ ngày 1/2 đến 5/3/1989, bày 21 tranh, một cái tại trụ sở UNESCO từ ngày 3/4 đến 14/4/1989, bày 40 tranh. Cả hai triển lãm đều thành công về mọi mặt.
"Những ngày đầu của tôi ở Pháp là những ngày của háo hức, say đắm và choáng ngợp. Tôi có cái tâm lý của một kẻ bị khát. Khát sống tự do; khát cái mới; khát tri thức; và khát vẻ đẹp. Paris như một nguồn nước vô tận, mang lại cho tôi mọi điều mà tôi mong muốn" - Bửu Chỉ từng chia sẻ sau chuyến đi.
Ông viết tiếp: "Tôi đến Paris, vẽ tranh, triển lãm. Nói thành thật, hoàn cảnh và tâm lý của tôi khi đó không phải dễ. Tôi nhìn thế giới, tôi nhìn lại tôi, nhìn vào tôi, tự thử thách tôi; và cố tìm cho mình một chỗ đứng, ở một nơi xa lạ. Khó lắm chứ. Trong đầu tôi luôn luôn có những câu hỏi và những câu tự hỏi".
"Từ một đất nước mà mọi sinh hoạt nghệ thuật đều thiếu những thông tin cần thiết, thì tiếng nói nghệ thuật của mình có trở nên lạc lõng ở đây không? Tôi có thể thật sự bình đẳng đứng giữa cái thế giới nghệ thuật này trong tư cách là một nghệ sĩ được mọi người nhìn nhận không? Hay chỉ là một "con tê giác" trong cái thế giới hiện đại, mà chính nó thì gần như sắp sửa bị tuyệt chủng"!
Sau chuyến đi này, ông về gần như từ giã hầu hết các hoạt động xã hội khác, để tập trung sáng tác, nên từ 1992 cho đến 1994, đã tham gia nhiều triển lãm trong nước, cũng như tại Liên Xô (cũ), Pháp, Mỹ, Singapore, lãnh thổ Hong Kong... Năm 1995, UNESCO lại mời ông cùng 46 họa sĩ khác trên thế giới tham gia triển lãm Quyền hy vọng.
Mạch nguồn cảm hứng thứ hai
Nếu Paul Klee là mạch nguồn cảm hứng thứ nhất, thì tình bạn đặc biệt với thi sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ (1949) là cảm hứng thứ hai. Từ những câu thơ như: "… Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em/ Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ/ Ðất nước mình nhân hậu/ Có nước trời xoa dịu vết thương đau". Để rồi, sau 1975, giai đoạn tình cảm riêng vẫn còn bị nhiều hạn chế trong thơ, thì Lâm Thị Mỹ Dạ đã có nhiều câu thơ khát khao cho quyền được yêu. Chính những câu thơ này đã thành một mạch nguồn cho sự lãng mạn trong tranh Bửu Chỉ.
Nhiều bức tranh khỏa thân của ông có thể là ví dụ sinh động cho điều này. Ở khía cạnh tranh khỏa thân, Bửu Chỉ còn lấy cảm hứng về bố cục từ tranh Modigliani (1884 - 1920), một họa sĩ mà ông xem đắm say khi sang Pháp.
"Không gian, sự sống, nỗi chết, hạnh phúc, đau khổ thường là những ám ảnh khôn nguôi trong tác phẩm của tôi" - Bửu Chỉ nói.
Nếu không gian, sự sống, nỗi chết có thể đại diện cho mạch nguồn triết lý, thì hạnh phúc, đau khổ, lãng mạn đại diện cho mạch nguồn thi ca. Nhưng dù lấy cảm hứng từ mạch nguồn nào, thì tranh của Bửu Chỉ vẫn có bảng màu rất riêng, một đặc sắc từ trường phái Huế.
"Cái mới mà tôi hy vọng, mà tôi mong muốn mang lại, không gì khác hơn là cái "cá tính tôi", "bản sắc tôi", "bản ngã tôi", "bản thể tôi"... và rất nhiều cái thứ "bản" khác nữa" - Bửu Chỉ khẳng định.
Nhà phê bình Đặng Tiến nhận xét: "Ý tưởng, trong tranh Bửu Chỉ, không phải là cứu cánh. Nó chỉ là khởi điểm, là phương tiện để họa sĩ thực hành một bức tranh. Nó ngang hàng với cái cọ, ống màu, khung vải. Do đó, không thể nói tác phẩm Bửu Chỉ là tranh minh họa, hay là "tranh đố". Cũng không nên đồng hóa tranh Bửu Chỉ với trường phái biểu tượng hay tượng trưng (symbolisme) thịnh hành ở Tây Âu cuối thế kỷ 19, dù kẻ liên tài có người liên tưởng. Từng bức tranh, hay từng giai đoạn sáng tác của Bửu Chỉ, có thể nhắc đến môn phái nọ, "chưởng phái" kia. Nhưng trong toàn bộ, tranh Bửu Chỉ đăm đăm một kỷ cương duy nhất, là trường phái Bửu Chỉ".
Rất may mắn, những bức tranh trong triển lãm hồi cố lần này, đều có thể đại diện một phần cho các mạch nguồn cảm hứng của Bửu Chỉ.
Một họa sĩ dấn thân
"Bửu Chỉ, tự bản chất là một con người phản kháng. Anh không chỉ nổi loạn với chính bản thân mình, mà còn muốn phá phách những trật tự xung quanh. Đó cũng chính là tiền đề cho những cuộc dấn thân không ngừng nghỉ trong cuộc đấu tranh thời chiến và bây giờ muốn tiếp nối con người ấy trong hội họa. Hội họa đối với Bửu Chỉ chính là đời sống và đời sống với anh cũng chính là hội họa. Ngày xưa đã thế, ngày nay còn hơn thế nữa. Nhất là trong thời gian này…"- nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất