06/10/2022 15:30 GMT+7 | Giải Bùi Xuân Phái
Năm 1982, khi cầm máy quay đi suốt một đoạn đường dài để ghi lại chân dung danh họa Bùi Xuân Phái cho Hà Nội trong mắt ai, hẳn đạo diễn NSND Trần Văn Thủy không nghĩ tới một sự trùng hợp thú vị: Đúng 4 thập niên sau, bộ phim phim tài liệu với những cảnh quay ấy là một phần lý do để ông được nhắc đến ở một giải thưởng cũng gắn với cái tên Bùi Xuân Phái.
Thật ra, 2 chữ “giải thưởng” không quá xa lạ, nếu người ta nhìn vào hành trang nghệ thuật của Trần Văn Thủy. Thế nhưng, cái tên Bùi Xuân Phái lại đánh thức trong lòng vị đạo diễn 82 tuổi này bao xúc động, bồi hồi.
Theo cảm xúc để chìm vào những kỷ niệm, ông nói: “Đó là cái duyên lớn - bởi mãi mãi, tôi không thể quên câu chuyện của mình với ông”.
“Phố phường với tâm hồn của Phái”
Như nhiều người Hà Nội khác, ông biết tới danh họa Bùi Xuân Phái từ trước đó qua những bức vẽ đặc trưng: “Ngoài nét tài hoa của đôi tay và tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sĩ, phải có tấm lòng bao dung, rộng mở và tình yêu Hà Nội từ đáy lòng thì mới có thể nhìn ra vẻ đẹp hoang sơ thuần khiết của nó ở những mái ngói xiêu vẹo nhấp nhô, phủ kín rêu phong. Và tôi biết, một Bùi Xuân Phái như thế không thể không có ở Hà Nội trong mắt ai…”
Theo lời NSND Trần Văn Thủy, vào đầu thập niên 1980 ấy, họa sĩ Bùi Xuân Phái sống khó khăn và âm thầm với những phiền toái từ thời kỳ trước để lại. Khi ông tìm tới, họa sĩ vẫn giữ sự kín đáo, trầm mặc trong những cuộc tiếp xúc ban đầu. Rồi dần dần, trò chuyện, sự tha thiết, hồn nhiên và nhiệt tình của một đạo diễn kém mình 20 tuổi đã khiến danh họa cảm động.
“Ông kém tuổi cha tôi nhiều, nhưng là người của thế hệ trước nên tôi vẫn gọi bác, xưng cháu. Bác Phái nói ít, nhưng nghe tôi nói rất nhiều . Nói về bộ phim, về những tình cảm của mình với ông, về những nỗi đau mà ông từng gánh chịu” - đạo diễn nghẹn ngào kể lại - “Rồi, ông bảo: Thủy ơi, tôi rất hiểu cháu, tôi cám ơn vì cháu chia sẻ với tôi. Nhưng tôi cần nói điều này: Tôi bây giờ không phải là người được yên ổn gì. Cháu đừng nghĩ tới chuyện đưa tôi vào phim, kẻo rồi lận đận. Còn tôi lắc đầu: Điều ấy có thể xảy ra nhưng cũng có thể không, bác nghe cháu…”.
Khi quay cảnh phim có họa sĩ Bùi Xuân Phái, đạo diễn Thủy đề nghị ông cứ chủ động tìm tới một góc nào đó ưng ý rồi dựng giá vẽ lên cho ông bấm máy, không cần nói gì.Tới ngày hẹn, ông tới nhà danh họa trong khu phố cổ. Chiếc xe đạp cũ mèm, lọc cọc của họa sĩ được chất lên giá vẽ và những phụ kiện lỉnh kỉnh, rồi cứ vậy mà dắt dọc đường. Từ chợ Đồng Xuân, họ đi bộ rất xa, qua Hồ Gươm, xuống tận phố Triệu Việt Vương. Khi ấy, họa sĩ mới tìm được một góc ưng ý và cầm bút vẽ…
Để rồi, ở Hà Nội trong mắt ai, người xem sẽ không thể quên cảnh danh họa này ngước mắt dõi về hướng xa xăm - một khoảnh khắc mà Trần Văn Thủy gọi là “rất Bùi Xuân Phái”. Kèm theo đó là những lời bình: “Ở Hà Nội, nhiều người quen biết họa sĩ Bùi Xuân Phái và thường thích những bức tranh phố Hà Nội của ông. Phố Hà Nội thành cái đẹp trong tranh có lẽ phần nào bởi sự hòa hợp giữa vẻ đẹp của phố phường với tâm hồn của Phái. Ông là người hiều và yêu những phố Hà Nội cổ xưa . Mỗi con người sinh ra đều có một vùng đất để thương để nhớ - một nhà văn quen thuộc đã viết về quê hương mình như thế. Và có lẽ, cũng theo ý niệm ấy mà đời này sang đời khác, dù ở bất cứ nơi đâu, người dân Việt Nam cũng mang cho mình hình ảnh về Hà Nội”…
Sau cuộc gặp gỡ ấy, họa sĩ Bùi Xuân Phái tặng Trần Văn Thủy một bức tranh nhỏ. Họ còn qua lại, trò chuyện đàm đạo với nhau trong vài năm sau, cho tới khi họa sĩ qua đời. Một lần gặp Trần Văn Thủy đúng lúc Hà Nội trong mắt ai đang làm đạo diễn khốn khổ vì những lời quy chụp, danh họa ngậm ngùi: Tôi đã nói mà Thủy không nghe, giờ cậu thấm chưa? Ông Thủy bảo: Cháu nghĩ thế nào thì làm vậy thôi, chứ đâu có tà tâm gì như họ nói. Họa sĩ gật đầu: Cái ấy tôi biết…
“Hà Nội trong mắt ai là bộ phim về vẻ đẹp tinh thần tư tưởng của phẩm giá con người, của cách thức trị nước yên dân trong lịch sử. Đó là những vấn đề trừu tượng, tưởng như không gần gũi với ngôn ngữ điện ảnh, không phải công việc của người làm phim. Nhưng vì lợi ích xã hội, vì lịch sử và vì hiện tình thời điểm đó, tôi thấy cần phải thực hiện bộ phim ấy. Giống như sau này, tôi từng nói với các bạn sinh viên: Phim tài liệu không thể hấp dẫn bằng phim truyện vì không có kịch tính. Nó chỉ hay được khi va đập vào đời sống đương thời, cũng như những suy nghĩ mà đời sống đang đặt ra cho chúng ta” - đạo diễn Trần Văn Thủy. |
“Tôi ngàn lần có lỗi với tiền nhân”
Tất nhiên, Hà Nội trong mắt ai không chỉ có họa sĩ Bùi Xuân Phái. Bộ phim tài liệu ấy còn có hình ảnh nghệ sĩ Văn Vượng ngay từ phần mở đầu. Tiếng đàn guitar và sự tha thiết, trong sáng trong tình yêu Hà Nội của người nhạc sĩ khiếm thị ấy đã phủ cái bóng của mình lên suốt âm hưởng ngậm ngùi, buồn bã của những thước phim sau.
Và nữa, ở đó có cả một tổng đốc Hoàng Diệu đặt văn bia ở Ô Quan Chưởng cấm các chức quan sách nhiễu dân lành; có vua Lê Thánh Tông dựng đình Quảng Văn để người dân đánh trống kêu oan; có chùa Bộc đặt tượng Quang Trung - trên đầu không thờ chữ Dũng, chữ Vũ, chữ Uy, chữ Linh mà rực rỡ chỉ một chữ Tâm; có đền thờ Nguyễn Trãi - người để lại dòng ghi “Mến người có nhân là dân, mà người chở thuyền lật thuyền cũng là dân”.
Hóa ra, một Hà Nội trong cách nhìn của Trần Văn Thủy luôn đi cùng những con người đã làm dày và tô đẹp lên hai chữ Hà Nội, bằng tài năng, tình cảm và phẩm cách đạo đức của mình. Và, cũng chẳng phải vô tình mà một phần lớn của Hà Nội trong mắt ai là chuyện cũ người xưa - khi mà mảnh đất kinh kỳ trong sử liệu cũng luôn gắn liền với phong phạm của kẻ sĩ Bắc Hà.
Có lẽ, chính bởi tâm niệm ấy, Hà Nội trong mắt ai ra đời theo cách rất riêng. Năm 1982, vị đạo diễn vừa giành HCV với bộ phim tài liệu Phản bội (Liên hoan phim 1980) nhận chỉ tiêu dựng một bộ phim du lịch từ kịch bản Hà Nội năm cửa ô. Nhìn cảnh phố xá và cuôc sống của người Hà Nội khi đó, ông thừ người, rồi bỏ hàng tháng lang thang ở các di tích Hà Nội, vào thư viện tìm tư liệu rồi gặp gỡ các nhà nghiên cứu.
“Tất cả những gì làm nên sự tích của các bậc tiên liệt tôi sưu tầm được, học hỏi được đều ám ảnh, lôi cuốn tôi. Ðêm ngày tôi sống với những chuyện ấy, bị hút hồn vào những chuyện ấy. Tôi bàng hoàng và mặc cảm, thì ra trước đây tôi chẳng hiểu gì về Hà Nội cả. Tôi thấy ngàn lần có lỗi với tiền nhân vì không ý thức được rằng cha ông ta đã dày công như thế nào, đã hoài vọng như thế nào đối với hậu thế...” - ông viết - “Thôi thì đằng nào cũng nhận làm rồi. Cũng tiền của ấy, công sức ấy, thời gian ấy, cũng vẫn đề tài Hà Nội nhưng làm khác đi về nội dung, hồn cốt. Hà Nội trong mắt ai là Hà Nội tư tưởng, Hà Nội cho cách thức trị nước, yên dân”.
Và, như cách chúng ta nói, phần còn lại là lịch sử. Hà Nội trong mắt ai - và phần tiếp là Chuyện tử tế - ra đời và nhận về những hiệu ứng đặc biệt trong đời sống văn hóa xã hội, với những gợi mở về cách nghĩ, cách nhìn và cách phản biện của cộng đồng. Tất nhiên, đó cũng là thời điểm bắt đầu một quãng đời đầy lận đận của người khai sinh ra nó - đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy…
Để rồi, khi tất cả đi qua, có lẽ câu chuyện của những con người Hà Nội - và những gì từng có ở lịch sử Hà Nội - cũng là lý do để đạo diễn NSND Trần Văn Thủy trích dẫn một câu danh ngôn khuyết danh trong những trang viết được thực hiện sau thời gian dựng Hà Nội trong mắt ai: “Sự hưng vong của một dân tộc có liên quan mật thiết tới việc dân tộc đó có bao nhiêu người dám tự đóng đinh cuộc đời mình lên cây thánh giá của nhân cách và sự thật”.
Vài nét về đạo diễn NSND Trần Văn Thủy Đạo diễn Trần Văn Thủy sinh năm 1940 tại Hải Hậu (Nam Định), từng là phóng viên chiến trường trong giai đoạn từ 1966 - 1969 tại Việt Nam. Ông theo học đạo diễn điện ảnh ở trường Điện ảnh Quốc gia toàn Liên bang ở Moskva, (Liên Xô) từ 1972, dưới sự hướng dẫn của đạo diễn điện ảnh nổi tiếng Roman Karmen. Từ năm 1977, ông làm việc tại Hãng phim tài liệu Trung ương và nhận danh hiệu NSND năm 2021 Ông là đạo diễn của một số bộ phim tài liệu nổi tiếng như Những người dân quê tôi (giải Bồ Câu Bạc tại LHP Quốc tế Leipzig 1970, Phản bội (giải vàng LHP Việt Nam 1980), Hà Nội trong mắt ai (giải vàng LHP Việt Nam 1988), Chuyện tử tế (giải Bồ Câu Bạc Liên hoan phim Quốc tế Leipzig 1987), Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai (giải Phim ngắn hay nhất, Liên hoan phim châu Á-Thái Bình Dương 1999). |
Hoàng Nguyên
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất