Tranh Lê Phổ “ở đâu”?

22/10/2008 15:04 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Như TT&VH đã phản ánh về 2 cuộc đấu giá tranh tại Singapore vừa qua, diễn ra cùng thời gian với Art Singapore 2008 - tại đó, tranh Lê Phổ tuy rớt giá, nhưng bức cao nhất trong số 4 bức được bán vẫn đạt trên 33 ngàn USD. Tranh Lê Phổ hiện giờ ở đâu? - câu hỏi tưởng chừng đơn giản, nhưng xét lại, cũng không dễ trả lời.
 Danh họa Lê Phổ
Trong suốt cuộc đời hội họa của mình, ông vẽ thuộc diện nhiều nhất trong các họa sĩ thành danh của Việt Nam thời kỳ đầu, với hàng ngàn bức. Vậy nhưng, hiện tại ở trong nước, theo thông tin từ các nhà sưu tập, kinh doanh gallery và giới mua bán tranh tự do ước đoán thì còn không quá 20 tác phẩm, nếu không tính khoảng 15 tác phẩm được Lê Phổ tặng cho các bảo tàng. Đó là chưa nói, tác phẩm của Lê Phổ giữ vị thế như thế nào trong nền hội họa Việt Nam, thì càng khó trả lời.

Đỉnh điểm về giá bán

Nói về danh họa Lê Phổ (1907-2001), nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng nhận định: “Đứng ở góc độ người làm phê bình, tôi không đánh giá cao đóng góp của Lê Phổ trong nghệ thuật. Còn việc tranh Lê Phổ đang dẫn đầu bảng trên thị trường nghệ thuật lâu nay, theo tôi, cơ bản, vì chúng đang ở trên một kênh thương mại được điều hành tốt”.

Đỉnh điểm về giá có lẽ thuộc về tác phẩm Nostalgie (Hoài cố hương, 60,5 x 46cm, 1938) được nhà đấu giá Sotheby’s đưa ra năm 2006 tại Singapore, với mức giá sàn từ 181.820 đến 303.030 USD, và kết quả bán được trên mức sàn một ít. Trước đó 1 năm, tại Hong Kong, nhà Christie’s đã ra giá cho tác phẩm À l’approche du Têt (Sắp Tết, 60 x 47cm, 1937) từ 76.900 đến 102.600USD và cũng bán với mức cao hơn giá sàn.
 
Tác phẩm Hoài cố hương có giá bán hơn 300.000USD

Cũng nhà Christie’s, họ đang chuẩn bị cho mùa Xuân 2009 tại Hong Kong với bức Mẹ và các con với giá bán khoảng 130.000USD. Năm vừa rồi, bức Cho chim ăn của Lê Phổ đã được bán với giá gần 100.000USD…

Tại sao giá tranh của Lê Phổ cao nhất trong các họa sĩ Việt Nam hiện nay? Có nhiều lý do, theo Lê Thái Sơn (chủ Thai Son Fine Arts Gallery & Collection) thì từ năm 1963, gallery Wally Findlay (www.wallyfindlay.com) ở Mỹ đã trở thành nhà sưu tập gần như độc quyền về tranh Lê Phổ, họ có cả ngàn bức. Chính nơi đây đã gần như quản lý hết đầu ra của họa sĩ này, như trên ArtNet trong một vài năm qua đã rao bán gần 400 bức, rồi các nhà đấu giá Sotheby’s, Christie’s, Larasati, Borobudur, Mainichi, Beijing Poly International…; các gallery như Romanet (Paris), Florence Art (Ý), Simyo (Hàn Quốc), Art Forum, Ode To Art (Singapore), La Luna, Thavibu (Thái Lan)… đều có chú ý đặc biệt đến Lê Phổ, mà nguồn ra chủ yếu từ Wally Findlay. “Khi nhìn vào hệ thống chuyên nghiệp và trải rộng như thế này, chắc chúng ta cũng hình dung được tại sao tranh Lê Phổ thu hút được người mua ở khắp thế giới” - Lê Thái Sơn nói thêm.

Khi gửi E-mail hỏi từ lý do nào mà Wally Findlay chú ý đến tranh Lê Phổ, một đại diện về quảng cáo và mua bán của họ trả lời rằng vì đây là họa sĩ thời kỳ đầu của một nền mỹ thuật hiện đại, nhưng lại ít được chú ý, ngay cả ở Việt Nam, cho nên càng lưu giữ lâu thì cơ hội nâng giá càng lớn. Họ cũng tiết lộ cho biết rằng nhà sưu tập Tuấn Phạm ở California đã mua rất nhiều tác phẩm của Lê Phổ. Một gallery ở San Francisco có tên George Belcher (www.gbgallery.com/Asian.htm) cũng làm những trang riêng về Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, và nhiều họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam.

Liệu tranh Lê Phổ có rớt giá?

Theo quy luật của nhiều nền hội họa, mà điển hình nhất có thể kể là Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc… trong mấy thập niên gần đây giá tranh leo thang chóng mặt là vì thị trường trong nước đã được kích hoạt tốt. Nói một cách thẳng thắn là không ai yêu tranh Việt bằng người Việt, nhưng nếu người trong nước thờ ơ thì các thế giá của tác phẩm sẽ không bao giờ chạm đến được đỉnh điểm. Các doanh nhân Trung Quốc được giới phê bình nhận xét là họ mua tranh “theo thể diện và tự ái dân tộc”, những họa sĩ đương đại sinh trong thập niên 70 đã có mức giá khoảng 100.000USD, lên đến thập niên 50, 40 thì mức giá cả hàng triệu. Tại phiên đấu giá mùa Thu của China Guardian 2008, các họa sĩ đương đại của Trung Quốc như Lou Zhongli, Ai Xuan, Wang Huaiqing… có tranh bán từ 1 đến 7 triệu USD.
 
Tác phẩm Sắp Tết có giá bán khoảng 105.000USD

Chính vì thế, sau một thời gian dài được các nhà đấu giá hàng đầu, các thị trường lớn như Mỹ, Pháp, Singapore, Hong Kong… kích hoạt, nhưng tranh Lê Phổ vẫn không vọt lên mức mà các nhà dự đoán đã đề ra cách đây khoảng 10 năm. Họ cho rằng tranh Lê Phổ có thể bán được với giá 1 triệu USD, nếu có thể kết nối được với thị trường trong nước, nhưng đến nay thì gần như vẫn vô vọng.

Các nhà đấu giá Sotheby’s, Christie’s hy vọng trong các phiên đấu giá từ năm 2010 trở đi, tranh Lê Phổ sẽ đạt đến mức giá 500.000USD và chủ nhân của nó là người Việt Nam.

Tại nhà đấu giá Larasati hôm 11/10/2008 ở Singapore, tác phẩm Sau bữa trưa (73 x 92cm) của Lê Phổ chỉ bán được 33.108USD; ngay hôm sau, tại nhà Borobudur tác phẩm Tĩnh vật hoa (92 x 60cm) bán được 30.519USD; Mẹ và con (41 x 58cm) bán được 13.564USD… Tranh không phải quan trọng kích thước, nhưng nhìn chung, ở kích thước như vầy, trong nhiều năm qua, tranh Lê Phổ chưa bao giờ bị rớt giá đến như vậy. Trong khi đó, cũng ở nhà Borobudur, Feng Zhengjie (sinh 1968, Trung Quốc) có giá sàn từ 107.143USD, Tang Zhigang (sinh 1959, Trung Quốc) có từ 214.286USD, Agus Suwage (sinh 1959, Indonesia) từ 122.000USD, I Nyoman Masriadi (sinh 1973, Indonesia) từ 128.571USD…

Theo thông tin từ các nhà sưu tập và mua bán tranh trong nước thì Sotheby’s, Christie’s… trong một hai năm gần đây đã chủ động và âm thầm móc nối với họ, để qua kênh thông tin này mà gửi thư mời đến những người giàu có ở Việt Nam. Bằng cách đánh vào lòng “tự ái”, họ hy vọng trong các phiên đấu giá từ năm 2010 trở đi, nếu thị trường kinh tế hết khủng hoảng, tranh Lê Phổ sẽ đạt đến mức giá 500.000USD và chủ nhân của nó là người Việt Nam. Để cái cảm giác khi đứng trong các nhà đấu giá nhìn các doanh nhân Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore… lần lượt mua tranh các họa sĩ của nước họ, rồi các nước lân cận như Việt Nam mà bớt ngạc nhiên và đỡ phải tủi thân.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm