28/03/2023 11:37 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Theo các chuyên gia, nghệ sĩ không chỉ cần tài năng nghệ thuật mà nên có trách nhiệm với xã hội thông qua lời nói, hành xử đúng mực.
Showbiz Việt thời gian qua dậy sóng sau phát ngôn "đời nghệ sĩ khó nuốt" của Trấn Thành. Bên cạnh đó, thái độ, phản ứng gay gắt của Lệ Quyên với antifan cũng gây tranh cãi. Nếu câu nói của Trấn Thành chất chứa sự thách thức khán giả: "Ai muốn nếm thử hào quang thì lên đây mà nếm thử đi, xem nó như thế nào", những cụm từ của Lệ Quyên dành cho antifan là "đồ thần kinh", "bại não"… lại thể hiện sự bức xúc lẫn khinh miệt với người đã bình luận tiêu cực về cô.
Có thể nói phát ngôn của hai nghệ sĩ nổi tiếng từ hai tình huống, nội dung khác nhau nhưng có điểm chung thể hiện thái độ bề trên với khán giả. Không ít ý kiến đã bày tỏ sự lo ngại về văn hóa ứng xử của nghệ sĩ hiện nay.
Từ lâu mối quan hệ giữa khán giả và nghệ sĩ luôn được xem là thân thiết và hỗ trợ nhau. Người nghệ sĩ mang tài năng, nghệ thuật phục vụ đời sống tinh thần của khán giả. Ngược lại, nghệ sĩ cần khán giả mới có thể tỏa sáng. Một bài hát, bộ phim nếu không có khán giả sẽ trở thành tác phẩm chết. Và cũng nhờ khán giả, người biểu diễn nghệ thuật có cơ hội trở thành ngôi sao, nghệ sĩ nổi tiếng.
Thế nhưng phát ngôn mới đây của Trấn Thành "đời nghệ sĩ khó nuốt", nhận làn sóng phản ứng dữ dội từ khán giả, đồng nghiệp. Những giọt nước mắt, sự ấm ức của Trấn Thành như đổ thêm dầu vào lửa, càng khiến mọi người khó chịu hơn.
Trao đổi với chúng tôi, nhà văn Hoài Hương cho rằng phát ngôn của Trấn Thành khiến mọi người nghĩ rằng người làm nghệ thuật là ban ơn cho khán giả. Và khán giả xem sản phẩm thì phải biết ơn nghệ sĩ. mình. Trấn Thành như khẳng định anh chịu đựng nhiều đắng cay, cực khổ khi sống trong hào quang.
"Khi Trấn Thành ấm ức nói 'đời nghệ sĩ khó nuốt', nam MC lại quên rằng người nghệ sĩ chân chính không bao giờ than thở chuyện phải lao động nghệ thuật một cách khổ cực, thậm chí đổ máu. Nghệ sĩ chân chính thường dùng từ 'con tằm rút ruột nhả tơ' khi nói về cống hiến của mình với nghề.
Đã làm người của công chúng, Trấn Thành nên biết điều chỉnh, kiểm soát cảm xúc, học hỏi và trui rèn kiến thức văn hóa để từ đó có phát ngôn, cư xử đúng mực với khán giả, đồng nghiệp", nhà văn Hoài Hương nhắn nhủ.
Gần đây, Lệ Quyên liên tục đáp trả antifan gay gắt khi bị công kích. Nữ ca sĩ đã không ngại dùng những từ khiếm nhã, mang tính chất miệt thị, coi thường với người bình luận tiêu cực về mình. Cụ thể với người chê Lâm Bảo Châu ăn bám phụ nữ, nữ ca sĩ đáp lại, cho rằng người khán giả này là "dưới đáy của xã hội", "không thở được nên ngoi lên cắn trộm".
Phản ứng lại antifan nhận xét Lệ Quyên ghen tức, học theo Hồ Ngọc Hà, "nhân quả không chừa ai", Lệ Quyên gọi người này là "bại não", "thần kinh", và nhắn nhủ: "Nếu được ăn cơm thì đừng phí cơm nhé".
Chúng ta hiểu bức xúc của Lệ Quyên khi cô bị những người xa lạ đánh giá và bình luận tiêu cực. Và được lên tiếng và bảo vệ mình là quyền của mỗi người. Nhưng câu hỏi đặt ra cách đáp trả kiểu "ăn miếng trả miếng" như Lệ Quyên liệu đã đúng mực với người nổi tiếng?
Nhà văn Hoài Hương cho rằng nghệ sĩ là người của công chúng, hưởng đặc quyền của người nổi tiếng thì phải cẩn trọng từng lời ăn tiếng nói, giữ hình ảnh. Nếu lấy tính cách thẳng thắn, không kiểm soát được cảm xúc để có thể nói bất cứ điều gì mình muốn là ích kỷ. Theo bà, càng nghệ sĩ nổi tiếng càng phải biết giữ hình ảnh, cư xử, phát ngôn văn minh.
Thực tế, nghệ sĩ nổi tiếng sở hữu lượng fan đông đảo nhưng cũng sẽ luôn có antifan. Việc có fan và antifan là điều bình thường với giới nghệ sĩ. Điều tạo nên cốt cách, thể hiện tâm và tầm của người nghệ sĩ không chỉ qua tài năng mà cả cách hành xử, phát ngôn của họ.
Nhận định về văn hóa ứng xử của người nổi tiếng trên mạng xã hội, NSND Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội - cho rằng chưa bao giờ đáng báo động như hiện nay. Theo ông, khi nghệ sĩ sử dụng những phát ngôn thiếu chuẩn mực trên không gian mạng tưởng rằng thể hiện cá tính, bản sắc riêng nhưng thực ra đã bị mất điểm với công chúng.
"Lời nói, ngôn ngữ vốn là 'cái vỏ vật chất của tư duy' nên hiện tượng 'lệch chuẩn' trong văn hóa ứng xử của một số văn nghệ sĩ trên mạng thời gian qua cho thấy nhận thức, đạo đức và lối sống, văn hóa của họ đang đáng báo động", ông nhấn mạnh.
NSND Quốc Chiêm cho hay hiện tượng lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử của nghệ sĩ trên mạng xã hội được biểu hiện qua cách sử dụng những lời lẽ thô tục, khiếm nhã.
Theo chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, đã theo con đường nghệ thuật, mỗi nghệ sĩ cần nâng cao ý thức trách nhiệm với nghề, xã hội. Nghệ sĩ cần thực hiện tốt nghĩa vụ, quyền hạn của người công dân, tăng cường ý thức tuân thủ pháp luật, có lối sống lành mạnh, ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức của cộng đồng, xã hội.
PGS. TS Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm văn nghệ sĩ có ảnh hưởng rất lớn đối với công chúng, vị trí vai trò đặc biệt trong xã hội. Vì vậy họ nên là tấm gương tốt, truyền cảm hứng cho người dân. Đó là lý do vì sao khán giả luôn đặt khá nhiều trách nhiệm, đạo đức lên đôi vai của nghệ sĩ. Đó là vinh dự đồng thời là trách nhiệm của họ.
Tuy nhiên ông cho rằng thời gian qua, kỳ vọng của khán giả với văn nghệ sĩ không được đáp ứng. Một số nghệ sĩ để lại tiếng xấu, hình ảnh không phù hợp cả trong lời nói hay chia sẻ trên mạng xã hội. Những lệch chuẩn không phù hợp này có thể ảnh hưởng tới công chúng, môi trường văn hóa, đặc biệt trong giới trẻ.
Do đó, PGS. TS Bùi Hoài Sơn cho hay cần có quy định về luật pháp, chế tài nghiêm khắc để răn đe, xử lý mang tính làm gương để nghệ sĩ không có những chia sẻ hoặc có hành động lệch chuẩn.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất