Trần Mạnh Tuấn 'kích' jazz bằng cổ điển

24/11/2014 14:44 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Vào hai đêm 26 và 27/11/2014 tới, tại Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ lần đầu tiên có sự kết hợp của nghệ sĩ jazz Việt Nam Trần Mạnh Tuấn cùng Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng người Nhật là Tetsuji Honna.

Có thể nói đây là một thay đổi về “cách chơi” nhạc cổ điển tại Việt Nam, nhằm đưa nó tiếp cận với những dòng nhạc khác. Trước đây đã có khá nhiều chương trình được kết hợp kiểu này, nhưng, hoặc mang tính nhỏ lẻ, hoặc thể nghiệm với những tác giả và tác phẩm đã rất nổi tiếng. Còn lần này, tất cả những tác phẩm được chơi trong chương trình đều là sáng tác của Trần Mạnh Tuấn. Đó là sự khác biệt?

“Kích” chiều không gian nào?

Khi đặt câu hỏi với Trần Mạnh Tuấn vậy chương trình này sẽ đặc “mùi jazz” của anh hay cổ điển mới là hương vị chính? Tay kèn jazz nổi tiếng này bảo rằng đó là sự giao thoa, nhưng chất jazz sẽ nổi cao hơn, nhưng sự thú vị chính là không gian cổ điển sẽ làm điểm tựa để jazz bám và bay lên. Đây là một sự khác biệt mà trước đây chưa bao giờ anh nghĩ tới.

Sự kết hợp giữa jazz và cổ điển không phải là mới. Nghệ sĩ piano người Pháp Jacques Loussier cùng tam tấu jazz của mình đã trở thành huyền thoại khi đưa không gian cổ điển của Bach vào jazz. Hoặc những dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng thế giới từng chơi nhạc của nghệ sĩ jazz huyền thoại, Duke Ellington. Nhưng ở Việt Nam, những sự kết hợp như thế không nhiều và nếu có cũng khá nhỏ lẻ. Bởi bản thân sự kết hợp này đã tạo ra một dòng âm nhạc rất khác và rất khó, vì thế ít ai dám làm.


Nghệ sĩ jazz/world music Trần Mạnh Tuấn kết hợp cùng không gian cổ điển của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam với sự chỉ huy của nhạc trưởng Tetsuji Honna

Ngay cái tên Trần Mạnh Tuấn & Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam khi đọc qua đã cho thấy một sự thử thách cho cả hai phía và tất nhiên, cả phía người nghe. Trần Mạnh Tuấn cho rằng chương trình này không có ý nghĩa lôi kéo số đông vì nếu làm về tác giả nổi tiếng khác thì sẽ hay hơn nhiều; chỉ chơi nhạc của chính Trần Mạnh Tuấn sáng tác vốn toàn những bài xa lạ. Phía bên kia, bản thân Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam trước đến nay cũng chỉ chơi những bài cổ điển quen thuộc, những tác phẩm kinh điển giờ đây họ sẽ phải vượt qua một thách thức mới, chơi một thứ âm nhạc hoàn toàn mới mà họ ít đụng đến.

Tuy vậy, từ nhiều năm nay, dàn nhạc này đã có xu hướng cởi mở trong sự kết hợp với nhiều nghệ sĩ thuộc các dòng nhạc khác nhau như nhạc nhẹ, nhạc dân tộc hay thể nghiệm. Và lần này, chính họ đã mời Trần Mạnh Tuấn tham gia dự án kết hợp giữa jazz và cổ điển, để làm nguyên một buổi hòa nhạc theo phong cách jazz fusion (pha trộn và giao thoa).

Tất cả những tác phẩm được chơi đều được chọn lọc trong những album của Trần Mạnh Tuấn sáng tác. Từ album Ru rừng gần 10 năm trước (Ru rừng, Bướm mơ…) đến những tác phẩm mới được anh hoàn thành gần đây. Trần Mạnh Tuấn đã soạn hòa âm mới cho tất cả các tác phẩm này để ban nhạc jazz của anh có thể biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng với hơn 70 nghệ sĩ.

Không là thể nghiệm

Trần Mạnh Tuấn cho rằng 2 đêm hòa nhạc này sẽ “mở” ra một chiều không gian nữa để khán giả có thể khám phá thêm vẻ đẹp trong những tác phẩm đã được anh dụng công viết ra trong suốt nhiều năm và cũng sẽ là một “thử thách” thú vị cho các nghệ sĩ cổ điển khi một lần nữa mở rộng ranh giới sáng tạo cho âm nhạc giao hưởng.

Bên cạnh đó, sự kết hợp lần này còn cho thấy sự thay đổi về mặt tư duy âm nhạc của cả hai. Ở Việt Nam từ trước đến nay nhiều người không nghĩ có thể kết hợp cổ điển với những dòng nhạc khác. Thậm chí nhiều chương trình cổ điển “pha” thêm một chút nhạc khác cũng đã từng khiến nhiều người mê cổ điển toàn tòng phản ứng. Họ không muốn cổ điển truyền thống “dính líu” hơi thở khác. Nhưng những suy nghĩ ấy đang dần bị thay đổi bởi nếu không “đính” thêm hương vị đương đại, công chúng mới sẽ khó gần lại với cổ điển.

Vậy chương trình này có mang tính thể nghiệm? “Tôi cho là không. Bởi từ trước đến nay tôi chưa bao giờ làm gì mang tính thể nghiệm, bởi tôi luôn nghiên cứu rất kỹ trước khi bắt tay vào làm bất kỳ dự án âm nhạc nào. Vả lại, tôi cũng chẳng phải là một người sợ sệt gì. Hãy cứ làm, không thành công thì thôi nhưng không được từ bỏ. Vả lại, ở độ tuổi này, tôi không phải là người thích thể nghiệm”, Trần Mạnh Tuấn giải thích.

Nhưng dù Trần Mạnh Tuấn tỏ ra khá tự tin trước một dự án âm nhạc phần nhiều vẫn còn gây tò mò này thì cũng cần nhớ rằng trước đó, những sự kết hợp kiểu này ở Việt Nam cũng ít khi chạm được thành công. Rõ nhất là trường hợp Quốc Trung từng định kết hợp với nghệ sĩ Hương Lan trong chương trình Cầm tay mùa Hè cách đây vài tháng, nhưng cuối cùng phải hủy show vì không bán được vé. Cái khó lúc đó là khán giả của ai sẽ đi xem họ? Khán giả Hương Lan không đi xem chương trình này vì họ không biết không gian âm nhạc Quốc Trung. Khán giả Quốc Trung vốn chỉ thích sáng tác của anh qua những giọng ca khác, chứ không phải Hương Lan. Vậy cho dù sự kết hợp ấy nghe rất dễ tò mò nhưng để bỏ tiền ra mua vé, sẽ là một thách thức lớn.

Lần này cũng vậy, ai sẽ đi xem chương trình của Trần Mạnh Tuấn và Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam? Nhưng có một điều khác biệt là nếu Quốc Trung được biết đến bởi các sáng tác của mình qua các giọng ca như Thanh Lam, Hồng Nhung… thì Trần Mạnh Tuấn vừa sáng tác vừa chơi tác phẩm của mình. Tuy nhiên, nói là sự kết hợp với cổ điển nhưng hoàn toàn không phải cổ điển bởi không gian của nó là jazz và vì thế, khán giả của Trần Mạnh Tuấn vẫn hoàn toàn có thể hào hứng. Bên cạnh đó, khán giả của cổ điển vẫn có thể sẽ đi xem một thứ khác lạ tại Việt Nam. Đây sẽ là hy vọng?

“Điều sâu xa tôi muốn hướng đến chính là âm nhạc không nên còn làn ranh giới nào nữa. Bạn bảo nó là cổ điển cũng được, là jazz cũng tốt… Âm nhạc thế giới đang ở kỷ nguyên của crossover, sự giao thoa là không tránh khỏi, nó đưa người nghe gần sự “xé rào” khuôn khổ loại hình. Cái đấy với những người nghe nguyên bản có thể sẽ không thích nhưng đối với tôi thì điều này rất hay. Nói gì thì nói, cổ điển pha jazz, pha rock hay bất cứ điều gì cũng được miễn làm cho âm nhạc có tính logic và phải quyện hồn”, Trần Mạnh Tuấn nói.

Nếu chương trình này thành công, cả Trần Mạnh Tuấn và Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam sẽ được ghi nhận. Còn nếu không thành công? “Nếu không thành công thì nó cũng là cuộc chơi để biết được âm nhạc của mình có khả năng thích nghi như thế nào với những không gian âm nhạc khác nhau. Nhưng như tôi đã nói, tôi sẽ không từ bỏ”, Trần Mạnh Tuấn giải thích.

Vì vấn đề kinh phí nên chương trình này không thể vào TP.HCM, nhưng Trần Mạnh Tuấn cho biết có thể anh sẽ làm cùng Dàn nhạc giao hưởng HBSO trong thời gian sắp tới. Và tháng 4/2015, có thể Trần Mạnh Tuấn làm điều tương tự cùng Dàn nhạc giao hưởng Bulgaria ngay tại Bulgaria.

Chương trình hòa nhạc Trần Mạnh Tuấn & Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, với Tetsuji Honna sẽ diễn ra vào 20h các ngày 26 và 27/11/2014 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Giá vé: 300.000 đến 700.000 đồng.

Cung Tuy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm