10/10/2014 05:55 GMT+7 | Thể thao
(Thethavanhoa.vn) - Ông Mai Bá Hùng đã thẳng thắn nhìn nhận thể thao TP.HCM đã có một kỳ ASIAD không thành công và bày tỏ những chia sẻ của người làm công tác chuyên môn với thể thao Việt Nam. Ông Hùng cũng khẳng định: “Chúng tôi cần phải nỗ lực thúc đẩy hơn nữa các mục tiêu đã định để thể thao Việt Nam nói chung và thể thao TP.HCM phát triển nhanh và bền vững hơn.
* Xin ông đánh giá về kỳ ASIAD vừa qua. Đây có phải là kỳ Đại hội thành công của thể thao Việt Nam nói chung và thể thao TP.HCM nói riêng?
- Về mặt chỉ tiêu huy chương chắc chắn là không thành công. Việc không đạt được hơn 1 HCV ở kỳ Đại hội lần này cũng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của nhân dân, người hâm mộ về vị thế của thể thao Việt Nam (TTVN) ở đấu trường châu lục và quốc tế. Trong đó các môn thi đấu không thành công so với chỉ tiêu đề ra là taekwondo, bắn súng, judo, bắn cung.
Tuy nhiên, nhìn vào bình diện chung với việc thực hiện theo định hướng chiến lược phát triển thể thao Việt Nam, đặc biệt là sau ASIAD 16 tại Quảng Châu năm 2010 về mục tiêu đầu tư trọng điểm các môn thể thao Olympic, bước đầu chúng ta đã đi đúng hướng với việc đạt được 36 huy chương ở hầu hết các môn tham dự ASIAD, mặc dù rất chông gai.
Một thành công cần ghi nhận là chúng ta có 6 môn trong lịch sử lần đầu có huy chương ASIAD như cử tạ, kiếm, bơi, TDDC, quyền Anh, rowing và đây đều là những môn quan trọng của Olympic.
TP.HCM cũng vinh dự góp phần vào đó với Thạch Kim Tuấn với HCB môn cử tạ, Nguyễn Tiến Nhật với HCĐ đấu kiếm và HCĐ đồng đội nam đấu kiếm ba cạnh. Ngoài ra, các VĐV môn bóng đá, cầu lông đã thi đấu rất tốt.
Đoàn thể thao Việt Nam nói chung và các VĐV TP.HCM đã thể hiện hình ảnh đẹp của đất nước và con người Việt Nam, góp phần vào thành công của Đại hội.
Tóm lại, những mặt đạt được tại ASIAD lần này chưa đáp ứng kỳ vọng của người hâm mộ thể thao đối với thành tích chung của đoàn TTVN. Tôi nhìn nhận sâu sắc, chúng tôi cần phải nỗ lực thúc đẩy hơn nữa các mục tiêu đã định để thể thao Việt Nam nói chung và thể thao TP.HCM phát triển nhanh và bền vững hơn.
“Tiếp tục đầu tư đặc thù cho các VĐV”
* Theo ông, những VĐV TP.HCM nào để lại dấu ấn trong kỳ ASIAD vừa qua?
- Trước tiên phải kể đến Thạch Kim Tuấn đã có một giải đấu thành công dù chỉ đạt HCB cử tạ hạng 56kg. Em đã có một bước tiến dài trong sự nghiệp và đã vươn đến một đẳng cấp cao. Hiện nay, em được đánh giá là một trong 3 VĐV hàng đầu của thế giới ở nội dung của mình. Kế đến là các VĐV kiếm ba cạnh: Nguyễn Tiến Nhật, Trương Trần Nhật Minh, Nguyễn Phước Đến. Các em đã đưa môn đấu kiếm vào lịch sử thể thao Việt Nam khi lần đầu tiên đạt huy chương tại ASIAD.
Dấu ấn đậm nét là sự nỗ lực thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo của các em VĐV môn bóng đá nữ, Nguyễn Tiến Minh và kể cả Phạm Cao Cường môn cầu lông. Nếu CĐV có dịp theo dõi trực tiếp từ địa điểm thi đấu hoặc xem qua sóng truyền hình có thể thấy các VĐV Việt Nam nói chung và các VĐV TPHCM nói riêng đã ghi dấu ấn sâu đậm về sự thi đấu lăn xả, nỗ lực hết mình, sòng phẳng.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần nhắc đến các VĐV golf, bowling, soft tennis. Mặc dù các em lần đầu tham dự ASIAD bằng nguồn lực xã hội hóa với chỉ tiêu là học hỏi, nhưng các em cũng đã hết sức cố gắng thi đấu và đạt được kết quả nhất định, mở ra cho chúng ta một hướng đi mới, trước mắt sẽ nhắm đến các đấu trường trong khu vực.
* Trong tương lai, lực lượng VĐV TP.HCM sẽ chuẩn bị như thế nào (những cái tên cụ thể có thể cạnh tranh huy chương ở đấu trường châu lục chứ không chỉ dừng ở khi vực Đông Nam Á) sắp tới?
- Không phải sau kỳ ASIAD chúng tôi mới lại chuẩn bị cho tương lai, nhưng rõ ràng nó là thước đo để chúng tôi đánh giá những hạn chế và cải thiện những bước đi hiệu quả tiếp theo theo mục tiêu dài hạn.
Tất nhiên, TP.HCM sẽ có những bước đi năng động và sáng tạo để phù hợp với điều kiện của mình. Nhìn lại những huy chương tại ASIAD 17 mà TP.HCM có được đều phải đầu tư đặc thù như Kim Tuấn tập huấn dài hạn tại Bungary. Hay Tiến Nhật, Phước Đến, Nhật Minh tại Hàn Quốc. Việc được tập luyện và cọ xát ở các nước có nền thể thao mạnh và áp dụng khoa học thể thao hiện đại sẽ giúp các VĐV phát triển thành tích tốt nhất, nhưng quan trọng nhất là tâm lý tự tin khi tranh tài ở các giải mang tầm vóc châu lục.
Sắp tới, chúng tôi không chỉ tìm ra các biện pháp phù hợp để tiếp tục đầu tư đặc thù cho các VĐV như Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Nguyễn Tiến Nhật (đấu kiếm), Lê Quang Liêm, Nguyễn Anh Khôi (cờ vua)… mà còn các VĐV có tiềm năng trước mắt vươn đến tầm ĐNÁ như Trần Huệ Hoa, Lê Tú Trinh (điền kinh), Trần Duy Khôi, Lâm Quang Nhật, Phan Gia Mẫn, Phan Gia Hân, Huỳnh Thế Vĩ (bơi lội), Nguyễn Văn Duy (taekwondo), Phạm Cao Cường (cầu lông), Nguyễn Mậu Vinh Quang (quần vợt)… Song song đó là tham mưu đề xuất các chế độ chính sách đặc biệt và các điều kiện cơ sở vật chất, tài chính hợp lý cho các lực lượng thể thao thành phố yên tâm cống hiến.
Điểm nhấn ở những môn Olympic
* Là người làm chuyên môn, ông đánh giá thế nào về đấu trường châu lục. Các quốc gia khác đầu tư cho thể thao ra sao và ông nhìn lại thể thao Việt Nam còn thiếu gì để cạnh tranh mạnh hơn với các nước khác?
- ASIAD là đấu trường quan trọng mà tất cả các nước đều tập trung những VĐV ưu tú của mình tham gia thi đấu, thậm chí cao hơn cả một số giải vô địch châu lục ở một số môn thể thao. Một số nước đã nhập tịch VĐV có trình độ thế giới để tham gia tranh tài và các VĐV từng vô địch Olympic, thế giới phần lớn đã hiện diện trong kỳ Đại hội lần này.
Trình độ thể thao tỷ lệ thuận với mức độ phát triển kinh tế. Các quốc gia có nền kinh tế mạnh đều là những nước rất mạnh về thể thao. Cùng một cách huấn luyện lên cùng một VĐV, nhưng nếu có tác động của các yếu tố khác như áp dụng khoa học kỹ thuật, chế độ dinh dưỡng, thuốc men, điều kiện hồi phục, trang thiết bị tập luyện, thi đấu hiện đại, cơ hội cọ xát đối thủ mạnh, chế độ phù hợp, đời sống xã hội, trình độ giáo dục… thì thành tích phát triển chắc chắn cao và hiệu quả hơn. Một yếu tố nữa là huy động nhiều nguồn lực xã hội để giúp sức cho thể thao ngoài nguồn ngân sách nhà nước, mà điều này thì các nước đã làm rất tốt.
TP.HCM đã rất chú trọng đến điều này, như kỳ ASIAD vừa qua chúng tôi đã vận động để các VĐV bowling, golf và soft tennis tham gia thi đấu với nguồn kinh phí từ các doanh nghiệp và nhà tài trợ. Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ ở giai đoạn sơ khai, tham gia để học hỏi và phát triển phong trào trong nước.
Việt Nam chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn, kinh phí vẫn còn phải ưu tiên nhiều lĩnh vực cấp thiết khác. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là không có hướng để phát triển thể thao theo mục tiêu riêng. Chúng ta vẫn tiếp tục đầu tư trọng điểm cho các VĐV tài năng đặc thù bằng nhiều hình thức bên cạnh việc phát triển phong trào thể thao sâu rộng. Điều cần thiết là chúng ta phải kiên nhẫn và từng bước tiến lên.
* So với những quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Myanmar... thì thể thao Việt Nam đang có dấu hiệu thua kém họ, ông có thể giải thích tại sao lại như thế?
- Về thứ hạng tổng sắp huy chương, chúng ta thua họ. Họ có bề dày phát triển các môn thể thao truyền thống như Thái Lan ở môn boxing, xe đạp hay cầu mây; Singapore ở môn bơi lội, bowling; Malaysia ở môn karatedo hay squash; đặc biệt như Myanmar cũng đạt được 2 HCV ở môn cầu mây.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan để tiếp tục phát triển các môn trọng điểm chính thống Olympic mặc dù rất khó khăn. Thực tế, có thể lấy ví dụ ở 3 môn cơ bản nhất của Olympic là điền kinh, bơi lội và thể dục dụng cụ ở ASIAD 17 để tham khảo như Thái Lan chỉ đạt duy nhất 1 HCĐ ở điền kinh, hoàn toàn trắng tay ở bơi lội và thể dục dụng cụ, hay như Malaysia hoàn toàn không có huy chương ở 3 môn này…
Trong khi đó, Việt Nam đã trình làng những tài năng còn trẻ có thể tiến xa như Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Ánh Viên, Phan Thị Hà Thanh…
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Việt Hà (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất