17/11/2023 18:52 GMT+7 | Văn hoá
Hội thảo Phát triển điện ảnh thành ngành công nghiệp văn hóa và bài học từ Hàn Quốc và Pháp vừa diễn ra tại TP.HCM. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế TP.HCM (HIFF) sẽ được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 4/2024.
Sự kiện quy tụ các chuyên gia trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực điện ảnh. Gần 200 khách mời đến tham dự, họ là những nhà làm phim trẻ, sinh viên đến từ các trường đại học có niềm đam mê với điện ảnh.
Cơ hội và thách thức
Đến với buổi hội thảo, ông Jeremy Segay - tùy viên nghe nhìn khu vực Đông Nam Á của Đại sứ quán Pháp đã chia sẻ về những tác động đến từ văn hóa xem phim của giới trẻ đối với sự phát triển của điện ảnh Việt Nam.
"Ngày nay, rất nhiều bạn trẻ không đến rạp chiếu phim vì họ đã có thể xem phim ở nhà qua các thiết bị. Do đó, một điều rất quan trọng mà chúng ta cần phải làm chính là vận động giới trẻ xem phim tại rạp. Ở Pháp, chúng tôi khuyến khích học sinh đến rạp xem phim 2 lần/năm", ông Jeremy Segay phát biểu.
Nhìn lại tình hình chung của điện ảnh Việt Nam trong những năm gần đây, thực tế cho thấy tỷ lệ người trẻ đến rạp xem phim còn khá thấp. Bên cạnh nguyên nhân đến từ sự phát triển của các nền tảng phát hành phim trực tuyến, điều này còn là vì Việt Nam hiện nay có đến 70% đất thuộc vùng nông thôn. Do đó mà những thiết chế văn hóa, bao gồm dịch vụ giải trí như rạp chiếu phim vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu người dân trong khu vực.
Điều này đã phần nào ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của nền kinh tế cả nước nói chung và doanh thu của các tác phẩm điện ảnh ra rạp nói riêng. Đây được xem là thách thức lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt.
Qua đó, ông Jeremy Segay cũng có những đề xuất như sau: "Tôi nhận thấy tại Việt Nam không có nhiều cơ hội để xem các tác phẩm phim cũ. Tôi cho rằng cần có những chương trình tôn vinh di sản điện ảnh, chiếu lại các bộ phim thời xưa. Nhờ vậy mà giới trẻ được tiếp xúc với văn hóa phim ảnh của Việt Nam và thế giới".
Đến với buổi hội thảo còn có sự góp mặt của ông Kim Dong Ho - nhà sáng lập Liên hoan phim quốc tế Busan và cũng là chủ tịch danh dự của HIFF 2024. Tại đây, ông đã có những chia sẻ về kinh nghiệm tổ chức các liên hoan phim, sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc trong 50 năm qua với minh chứng là bộ phim đình đám như Ký sinh trùng, Trò chơi con mực…
Bên cạnh đó, ông còn dành lời khuyên cho các bạn trẻ đang có đam mê làm phim về sự quan trọng của việc chọn đúng thể loại, bởi đây dù là bước đi đầu tiên, nhưng lại là giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình khai sinh ra một tác phẩm.
Theo dữ liệu từ tạp chí Screen International, trong 2019, ở Đông Nam Á, Việt Nam là một trong bốn nước có thị phần phim nội địa cao nhất, chiếm 29% tổng số tác phẩm phát hành trong nước.
"TP.HCM sẽ có những nghiên cứu để tham mưu cho các cấp chính quyền thành phố về các cơ chế chính sách như hình thành nên quỹ hỗ trợ điện ảnh, bảo trợ cho tài nguyên trẻ, những dự án phim trẻ có được những điều kiện về pháp lý cụ thể và rõ ràng. Từ những dự án phim trẻ đó chúng ta sẽ phát triển để nó trở thành những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao cho công chúng và tiếp cận với xu thế điện ảnh thế giới." - bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, chia sẻ.
Trong vài năm trở lại đây, thường xuyên xuất hiện những cái tên Việt trong khâu thực hiện kỹ xảo, hiệu ứng hình ảnh cho các bộ phim lớn như Transformer, Fast And Furious, Thế giới khủng long… Điều này đã góp phần mở đường cho sự phát triển của phim Việt ra thế giới với mong muốn đem lại những trải nghiệm điện ảnh chất lượng cho khán giả.
Đặc biệt, năm 2023, điện ảnh Việt Nam đã đánh dấu một bước tiến lớn khi tác phẩm Bên trong vỏ kén vàng của đạo diễn trẻ Phạm Thiên Ân đạt được giải thưởng Camera D'or danh giá tại Liên hoan phim Cannes 2023. Với đà này, Việt Nam được đánh giá là thị trường có tiềm năng phát triển cao.
Những định hướng mới
Do đó mà Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cũng đã họp bàn về những kế hoạch đầu tư cho thiết chế văn hóa cũng như tạo điều kiện cho các nhà làm phim trẻ phát huy tài năng của mình.
Gần nhất, phải kể đến việc ban hành Luật Điện ảnh 2023, đây là bước tiến rõ rệt cho những đổi mới về hành lang pháp lý. Và sắp tới đây, Liên hoan phim quốc tế TP.HCM (HIFF) được tổ chức vào tháng 4/2024 chính là nơi để các nghệ sĩ thể hiện được tự do thể hiện sự sáng tạo của mình. Đây đồng thời là cầu nối cho các nhà làm phim trẻ người Việt Nam với bạn bè quốc tế, là cơ hội để giới thiệu phim với công chúng trên thế giới.
Chia sẻ về những định hướng trong tương lai dành cho các thế hệ đạo diễn, biên kịch trẻ, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, cho biết: "Một trong những cơ chế mà chúng tôi cho rằng hết sức cần thiết đó chính là quỹ hỗ trợ điện ảnh. Luật điện ảnh của chúng ta đã có những điều khoản rất cụ thể để xây dựng quỹ hỗ trợ điện ảnh, nhưng làm thế nào để quỹ ra đời và có thể vận hành một cách bài bản, đặc biệt là hỗ trợ một cách thiết thực cho những dự án trẻ là điều mà chúng tôi rất quan tâm".
HIFF là liên hoan phim quốc tế đầu tiên được tổ chức lần đầu tại TP.HCM. Sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 13/4/2024 tại nhiều địa đểm. Dự kiến, HIFF 2024 sẽ thu hút hàng trăm ngàn người tham dự với khoảng 200 nhà làm phim, đạo diễn, diễn viên đến từ nhiều quốc gia. Ngoài ra, Ban giám khảo HIF 2024 còn là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực điện ảnh trên thế giới và Việt Nam.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất