Khi voi rừng sống “lậu” ở Củ Chi

27/12/2008 23:33 GMT+7 | Pháp luật

(TT&VH) - Năm 2004, hai con voi rừng từ Bình Phước đã được chuyển về sống trong khuôn viên Cty TNHH Đặng Vinh, thuộc địa bàn xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, TP.HCM. Dù là động vật thuộc nhóm IB, nhưng hai con voi này vẫn được người ta vô tư “nuôi làm cảnh” dù không có đầy đủ giấy phép theo quy định.

Qua lời khai của một chủ trại nuôi động vật hoang dã, Cảnh sát môi trường (PC36) Công an TP.HCM đã vào cuộc và phát hiện vụ nuôi voi lậu này.


Chủ trại rắn chỉ chỗ nuôi voi

Đêm 27/11/2008, Đội 2-PC36, đã kiểm tra phát hiện tại địa chỉ 12/4 ấp 3, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, một số lượng lớn động vật hoang dã, do bà Trần Thị Kim Nhanh (1984) chủ sở hữu. Kiểm tra nơi ở của bà Nhanh,  PC36 tiếp tục phát hiện hàng ngàn con rắn các loại, rùa, kỳ đà, le le… được tập kết tại ngôi nhà trống kế bên, chuẩn bị đưa qua cửa khẩu Móng Cái. Trong số các loại động vật phát hiện tại nhà bà Trần Thị Kim Nhanh có 435 con khỉ đuôi dài nuôi trái phép. Đây là động vật thuộc nhóm 2B, theo quy định khi nuôi nhốt, vận chuyển phải có giấy phép của Chi cục kiểm lâm địa phương

Chú thích ảnh: Hai con voi đang được nuôi “lậu” tại khuôn viên Công ty TNHH Đặng Vinh

Qua làm việc, bà Nhanh đã khai còn nhiều cơ sở khác cũng nuôi động vật hoang dã không có giấy phép như mình. Để minh chứng, bà Nhanh đã “xì” ra việc trên địa bàn huyện Củ Chi, có người còn nuôi voi thuộc nhóm 1B, dù không đủ giấy tờ theo quy định của pháp luật.

Lần theo lời khai của chủ trại rắn, các trinh sát Đội 2-PC36, đã mở rộng điều tra. Sau gần 1 tháng xác minh, đã phát hiện từ 2004 đến nay, có 2 con voi được nuôi lậu tại Công ty TNHH Đặng Vinh, thuộc địa bàn xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi.

Theo Trung tá Lâm Hiếu Nghĩa, Đội trưởng Đội 2-PC36, hai con voi này được bà con dân tộc H’Mông ở tỉnh Bình Phước bắt về từ rừng và thuần hóa vào những năm 1971-1972. Sau đó, ông Điểu Cước, sinh năm 1957, ngụ xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước là người tiếp tục nuôi hai con voi này. Năm 2004, Công ty TNHH Đặng Vinh đã mua lại hai con voi với giá 160 triệu đồng, rồi dùng ô tô tải chở về Củ Chi vào ban đêm. Việc mua bán này được thể hiện trên hợp đồng, nhưng để qua mặt cơ quan chức năng, ông Điểu Cước đã làm “Giấy ủy quyền nuôi voi” để Ban Giám đốc Công ty TNHH Đặng Vinh hợp thức hóa việc nuôi voi tại khuôn viên công ty.


Nuôi voi có khác nuôi trâu?

Hai con voi to lừng lững bất ngờ xuất hiện tại huyện Củ Chi đã gây bất ngờ cho cơ quan quản lý. Ngay từ 2004, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, Hạt Kiểm lâm huyện Củ Chi đã nhiều lần đến kiểm tra, làm việc với Công ty TNHH Đặng Vinh, nhưng cho đến nay vẫn chưa đưa ra được biện pháp xử lý dứt điểm.

Chiều 26/12/2008, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đình Cương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM cho biết: “Công ty TNHH Đặng Vinh là đơn vị thứ 3 đang nuôi voi trên địa bàn thành phố ngoài Thảo Cầm viên, Công viên Đầm Sen có phép. Tuy là voi rừng thuộc nhóm 1B, nhưng hai con voi này hiền lắm? Khách du lịch có thể cưỡi lên voi như cưỡi trâu cưỡi bò. Hai con voi này được thuần hóa rồi nên nuôi như nuôi trâu thôi”.

Tuy nhiên, ông Cương cũng khẳng định, hai con voi đang được nuôi tại Công ty TNHH Đặng Vinh chưa đủ thủ tục theo quy định. Cụ thể, ông Cương cho biết: Vì là động vật nhóm 1B nên việc mua, bán, tặng, cho nuôi đều phải có giấy phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sau khi có giấy phép này, Công ty TNHH Đặng Vinh, phải nộp cho Chi cục Kiểm lâm Bình Phước để nơi này xem xét cấp giấy phép vận chuyển đặc biệt để chuyên chở 2 con voi này. Những sai phạm này, chúng tôi đã phát hiện từ năm 2004, nhưng thiếu nhắc nhở thường xuyên nên đến giờ này, Công ty TNHH Đặng Vinh chưa bổ sung các giấy phép này.

Khi được hỏi, với mức vi phạm đã rõ ràng khi nuôi đến 2 con voi to vật vã mà thiếu giấy phép theo quy định, thì chế tài xử lý sẽ ra sao, ông Cương cho biết: “Nếu làm đúng chức trách, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM phải lập biên bản vi phạm và ra quyết định xử phạt hành chính 5 triệu đồng theo quy định của Nghị định 159/NĐ-CP. Tuy nhiên, do voi đã thuần hóa nên có xử phạt thì sau đó mình cũng cho họ nuôi tiếp thôi, vì công ty này đang nuôi nhốt 2 con voi ở khu vực riêng để phục vụ khách du lịch”.

Như vậy, sau gần 4 năm vụ nuôi lậu 2 con voi của Công ty TNHH Đặng Vinh vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Voi được xếp vào danh mục 1B-loại động vật đặc biệt quý hiếm, chỉ được khai thác trong trường hợp phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học hay quan hệ hợp tác quốc tế. Việc vận chuyển, nuôi giữ loại động vật này phải được sự phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở có ý kiến đề xuất của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. (Theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/6/2006 của Chính phủ).


Giáng Thăng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm