13/05/2013 08:55 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Hôm qua 12/5, tranh thủ ngày Chủ nhật, bà Panpimon Suwannapongse - Tổng lãnh sự Hoàng gia Thái Lan tại TP.HCM có buổi gặp mặt báo chí để giới thiệu về cuộc triển lãm tranh sơn mài của bà vào đầu tháng 6/2013 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Buổi gặp có họa sĩ Hứa Thanh Bình, Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM - người sẽ cùng trưng bày tranh với bà Panpimon Suwannapongse và ông Tira - nhà sưu tập tranh người Thái Lan.
Từ phải qua: Nhà sưu tập tranh Tira, bà Panpimon Suwannapongse, họa sĩ Hứa Thanh Bình và Nguyễn Xuân Việt bên cạnh bức tranh Mùa vàng treo ở Tổng lãnh sự quán Hoàng gia Thái Lan tại TP.HCM |
Thể hiện tình yêu văn hóa Việt
Đây là lần thứ hai tại Việt Nam, bà Panpimon Suwannapongse tổ chức triển lãm cá nhân của mình. Năm 2007, bà đã có cuộc triển lãm tranh sơn mài tại Hà Nội. Tháng 4/2013, tranh sơn mài của bà đã triển lãm tại Gallery 333 của ông Tira tại Thái Lan.
Triển lãm có tên Mùa vàng với 21 tranh sơn mài của bà Panpimon Suwannapongse và 15 tranh sơn dầu của họa sĩ Hứa Thanh Bình. Mở cửa từ ngày 8 đến 16/6 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (97 Phó Đức Chính, Q.3, TP.HCM). |
Lý do khiến tranh sơn mài Việt Nam thu hút bà Panpimon Suwannapongse: “Tôi không có nhiều thời gian để vẽ, nhưng với chất liệu sơn mài, một bức tranh có thể làm trong nhiều ngày, làm chưa xong thì để đó từ từ hoàn thành. Tôi thích sơn mài Việt Nam vì để càng lâu thì màu càng đẹp. Sơn mài theo tôi biết, ở Thái Lan hay Myanmar cũng có, nhưng người ta chủ yếu làm đồ thờ cúng. Sơn mài ở Nhật phục vụ cho đồ mỹ nghệ mua bán. Còn sơn mài Việt Nam nhiều tính nghệ thuật hơn”.
Bà Panpimon Suwannapongse vẽ tranh sơn mài theo cảm quan văn hóa của người Thái. Trong tranh, bà dùng nhiều đồng xu tiền Thái có in hình Đức Vua để tạo nên tác phẩm. Bà nói: “Dùng tiền in hình Đức Vua đưa vào tranh để thể hiện sự tôn kính Ngài. Nhiều bức tranh của tôi cũng cùng mục đích tôn kính Phật giáo của mình. Tuy nhiên, khi tôi dùng sơn mài của Việt Nam để vẽ tranh cũng có nghĩa tôi thể hiện tình yêu với văn hóa ở đất nước mà tôi đang làm việc”.
Ông Tira - một nhà sưu tập tranh người Thái rất mê tranh Việt - cho biết, dự kiến cuối năm nay, ông sẽ ấn hành tập sách các ký họa của danh họa Tô Ngọc Vân mà ông sưu tầm được (khoảng 400 tác phẩm).
Sơn mài sẽ cứu thị trường tranh Việt?
Tại sao bà Panpimon Suwannapongse lại triển lãm chung với họa sĩ Hứa Thanh Bình trong cuộc bày tranh sắp tới? Nhà ngoại giao mê sơn mài Việt này cho biết: “Tôi rất thích xem tranh của họa sĩ Hứa Thanh Bình, nhất là các bức vẽ ngựa, rồng và chân dung nên mời họa sĩ Bình cùng triển lãm. Với lại, thời gian vẽ tranh của tôi rất ít, số lượng tranh không nhiều nên cần người cùng tham gia với mình”.
Còn họa sĩ Hứa Thanh Bình thì nói rằng: “Tôi quen bà Panpimon Suwannapongse trong thời gian không lâu, nhưng khi xem tranh của bà, tôi rất ngạc nhiên vì chất lượng và sự sáng tạo mỹ thuật rất nghiêm túc của nhà ngoại giao này”.
Họa sĩ Nguyễn Xuân Việt (học trò của danh họa Nguyễn Gia Trí) có mặt làm phiên dịch tại buổi gặp mặt, đánh giá: “Tôi cũng tham gia hướng dẫn ít nhiều cho bà Panpimon Suwannapongse vẽ tranh sơn mài. Tranh của bà mang không khí Thái mặc dù dùng chất liệu sơn mài Việt Nam. Điều này càng chứng tỏ chất liệu sơn mài Việt Nam có tính quốc tế để người nước ngoài cũng làm tranh được”.
Họa sĩ Nguyễn Xuân Việt còn cho biết thêm, tranh sơn mài Việt Nam một thời rất “hút hàng”, song do “hút hàng” nên nhiều người làm ẩu, dùng sơn không phải sơn ta nên mất giá. “Hiện nay, thị thường tranh gặp nhiều khó khăn, các họa sĩ không bán tranh được. Muốn vực dậy thị trường mỹ thuật hướng đến xuất tác phẩm ra bên ngoài, theo tôi các họa sĩ nên phát huy thế mạnh tranh sơn mài truyền thống Việt Nam. Bởi thiên hạ chỉ bỏ tiền ra mua những cái mà ở xứ họ hiếm có. Tranh sơn mài Việt Nam là cái “hiếm có” đó”.
Đặc biệt, cuộc triển lãm sắp tới được bảo trợ bởi ông Tira, một nhà sưu tập tranh người Thái Lan rất mê tranh Việt. Ông Tira đã sưu tập khoảng 2.000 tác phẩm (gồm cả phác thảo) của các họa sĩ Việt Nam, trong đó có nhiều danh họa thời “mỹ thuật Đông Dương”. Tất cả sưu tập này của ông Tira đều được triển lãm tại Hà Nội, TP.HCM và tại gallery 333 của ông tại Thái cũng như được in thành sách. Ông Tira cho biết, dự kiến cuối năm nay, ông sẽ ấn hành tập sách các ký họa của danh họa Tô Ngọc Vân mà ông sưu tầm được (khoảng 400 tác phẩm).
TRẠC TUYỀN
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất