30/12/2022 11:52 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Nếu như năm 2021 toàn hệ thống y tế được huy động tổng lực cho "cuộc chiến" với đại dịch Covid-19 chưa từng có trong lịch sử, thì bước sang năm 2022 lại phải tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn do đại dịch đã để lại.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.524.436 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.463 ca nhiễm).
Hơn 2 năm qua, khi đại dịch COVID-19 càn quét không chỉ riêng Việt Nam mà cả thế giới, y tế là lĩnh vực được nhắc đến nhiều nhất, được quan tâm nhất, gian khổ nhất và cũng được tôn vinh nhất. Ngành y được gọi là lực lượng tuyến đầu trong cuộc chiến khốc liệt giữa con người với virus SARS-CoV-2. Và trong trận chiến đó, những "chiến sĩ áo trắng" của Việt Nam đã làm nên không ít kỳ tích trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, khiến cộng đồng quốc tế cảm phục, trân trọng.
Năm 2021, đại dịch COVID-19 hoành hành cao điểm, nhất là đợt dịch lần thứ tư bùng phát từ cuối tháng 4/2021 với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm. Trong lúc chưa có đủ vaccine, thuốc chữa bệnh, chưa hiểu hết về biến chủng mới, chưa có nhiều kinh nghiệm ứng phó, năng lực y tế còn hạn chế, Việt Nam bắt buộc phải áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch để bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân.
Với quan điểm nhất quán: Đặt sức khỏe và tính mạng của nhân dân lên trên hết, Chính phủ đã ban hành một loạt quyết sách chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch như Chiến lược vaccine; tiếp cận toàn dân, lấy xã, phường làm pháo đài; điều động lực lượng quân đội, công an vào hỗ trợ các tỉnh phía Nam; từ chính sách "không COVID-19" chuyển sang "thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" để vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế xã hội. Tiếp tục vai trò "tuyến đầu" ngành y tế lại tiếp tục gánh vác trọng trách bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong thực hiện mục tiêu mới.
Chiến đấu với COVID-19, giành lại sự sống cho người bệnh là một cuộc chiến chưa từng có tiền lệ đối với nhân dân nói chung và cả ngành y tế nói riêng. Nhưng không dừng ở các biện pháp đối phó, Đảng và Chính phủ đã xây dựng và quyết liệt triển khai chiến lược vaccine, thành lập Quỹ vaccine, thúc đẩy ngoại giao vaccine, bằng mọi biện pháp có thể để đưa vaccine về nước, phát động chiến dịch tiêm chủng miễn phí toàn dân lớn nhất từ trước tới nay, như một biện pháp căn cơ, bền vững để ứng phó với dịch bệnh.
Thời điểm triển khai chiến dịch tiêm chủng với quy mô chưa từng có hồi tháng 9/2021. Có những ngày lực lượng y tế tại Hà Nội đã dốc toàn lực ra quân phục vụ tiêm chủng, thực hiện tiêm hơn 600.000 mũi vaccine phòng COVID-19, có những điểm tiêm chủng diễn ra tới 2-3 giờ sáng với mục tiêu phủ rộng vaccine nhanh nhất, an toàn nhất đến mọi người dân.
Đến tháng 12/2022, tổng số mũi tiêm vắc-xin COVID-19 ở nước ta là 264.709.839 mũi.
Hiện thế giới vẫn đang căng mình chống dịch, những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp, nguy cơ gia tăng trở lại, do đó việc tiêm chủng vaccine vẫn là biện pháp quan trọng nhất trong phòng, chống dịch hiện nay.
Thời gian tới là dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, nhu cầu giao thương du lịch tăng cao, cùng thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, có thể gia tăng số mắc, nhất là với nhóm trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền.
Dịch Covid-19 chưa hết, thế giới đã và đang xuất hiện các dịch bệnh truyền nhiễm mới, diễn biến phức tạp; nguy cơ xuất hiện các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi luôn hiện hữu. Việt Nam đã phát hiện 2 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ (nguồn lây từ nước ngoài), dịch sốt xuất huyết vẫn đang diễn biến phức tạp, dịch adenovirus vẫn đang lưu hành.
Cụ thể, PGS, TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, từ đầu năm đến nay, bệnh viện này ghi nhận hơn 3.130 ca mắc virus Adeno, 9 ca tử vong.
Ca bệnh có xu hướng tăng nhanh, chỉ tính từ giữa tháng 9 cho đến tháng 10/2022, bệnh viện đã ghi nhận gần 2.900 trẻ mắc virus Adeno, chủ yếu từ 1 đến 3 tuổi.
Đáng chú ý, các bệnh nhân tại Hà Nội 2.344 ca, tương đương 75% tổng số bệnh nhân. Ngoài ra, Bắc Ninh, Hưng Yên mỗi địa phương cũng ghi nhận 103 ca. Tính đến sáng 3-10, Bệnh viện Nhi Trung ương còn khoảng 300 ca mắc virus Adeno đang điều trị. Hiện có hơn 40 ca nặng, nguy kịch; trong đó có 6 bệnh nhân thở máy, 2 ca ECMO (tim, phổi nhân tạo); 2 ca lọc máu, 35 ca thở ô xy.
Đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính đến ngày 3/10, Hà Nội ghi nhận hơn 2.300 bệnh nhân nhiễm virus Adeno, trong đó có 16% bệnh nhân đang điều trị. Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, ghi nhận 84 ca; Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, tổng tiếp nhận gần 40 bệnh nhi nhiễm virus này từ Bệnh viện Nhi Trung ương chuyển về hoặc từ các bệnh viện tư nhân. Tại Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai), từ ngày 24 đến 30-9, ghi nhận 13 ca mắc virus Adeno. Trong 9 ca đang điều trị, có 2 ca thở máy hỗ trợ.
Đối với dịch sốt xuất huyết, theo thống kê từ các địa phương, tính đến đầu tháng 12/2022, cả nước ghi nhận 335.333 trường hợp mắc sốt xuất huyết; 123 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 4,9 lần, tử vong tăng 98 trường hợp.
Dự báo trong thời gian tới, tình hình sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Để tăng cường công tác phòng chống dịch, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, Bộ Y tế đề nghị các địa phương giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết, tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch.
Hơn 3 tháng trước, chị T.T.H (bác sĩ tại một trạm Y tế phường thuộc quận Đống Đa, TP Hà Nội) viết đơn nghỉ việc sau gần chục năm gắn bó với nghề. Đây là quyết định không dễ dàng gì với cả chị H và gia đình. Phải mất thời gian suy nghĩ rất lâu, chị H mới quyết tâm 'dứt áo ra đi'.
Chị H. cho biết, lương của chị dao động từ 8 – 8,5 triệu đồng/tháng, tháng nào tăng ca ở trạm nhiều thì mới được thêm 500 nghìn đồng tiền trách nhiệm. Để đảm bảo cuộc sống gia đình, hết giờ tăng ca chị lại tìm thêm các công việc khác để kiếm thêm thu nhập.
Tương tự, một bác sĩ nam thuộc một bệnh viện công ở Hà Nội cũng đã viết đơn xin nghỉ việc cũng vì lý do thu nhập. Anh quyết định nộp đơn xin vào bệnh viện tư để đảm bảo đời sống gia đình.
"Bình thường tôi chỉ làm việc 8 tiếng, nhưng giai đoạn có dịch, tôi phải làm thêm nhiều giờ nhưng thu nhập không tăng. Vả lại, tôi nghỉ cơ quan này sang cơ quan khác, chứ không phải bỏ nghề, tôi vẫn cống hiến", nam bác sĩ cho hay.
Theo Bộ Y tế, hiện nay nhân lực y tế đang có xu hướng nghỉ việc và đang có một làn sóng mạnh mẽ chuyển dịch nhân lực y tế từ các cơ sở y tế công lập sang các cơ sở y tế tư nhân, đặc biệt là sau hơn 2 năm phòng, chống dịch COVID-19.
Chỉ trong 18 tháng, từ ngày 01/01/2021 - 30/6/2022 trên cả nước cho thấy có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc (gồm 3.094 bác sĩ, 2.874 điều dưỡng, 551 kỹ thuật y, 276 hộ sinh, 593 dược, 2.280 viên chức khác).
Trong số này có 8.810 nhân viên y tế thuộc quyền quản lý của các Sở Y tế các tỉnh, thành phố và 870 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế.
Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao như: TP Hồ Chí Minh (2.035), Thành phố Hà Nội (1.032), Đồng Nai (496), Bình Dương (368), An Giang (297), Long An (266), TP Đà Nẵng (248), TP Cần Thơ (238), Đồng Tháp (204).
Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Bộ Y tế cho biết, từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, cán bộ, viên chức y tế là lực lượng đi đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Cường độ làm việc của nhân viên y tế rất lớn khi hầu như không có ngày nghỉ, làm việc với cường độ cao trong thời gian kéo dài, đặc biệt là đối với nhân viên y tế ở những địa phương có dân số lớn như TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam.
"Mặt khác, do phải làm việc trong môi trường làm việc nguy hiểm, có nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí có thể ảnh hưởng tính mạng đã ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, động lực làm việc của viên chức ngành y tế" - Bộ Y tế cho hay.
Thứ hai, do thu nhập thấp, theo Bộ Y tế lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở.
Bộ Y tế dẫn chứng, theo quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay, (với mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng) thì bác sĩ sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương là 2,34 x 1.490.000 đồng = 3.486.000 đồng. Với phụ cấp ưu đãi nghề là 40% thì mức thu nhập 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp BHXH, BHYT).
Mức lương này chỉ đảm bảo một phần nhu cầu của cuộc sống, vì vậy khó giữ chân cán bộ, viên chức y tế làm việc trong cơ sở y tế công lập vì mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3 đến 4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5 đến 6 lần thu nhập của nhân viên y tế tại cơ sở y tế công lập.
Bộ Y tế cũng cho rằng, do giá dịch vụ y tế cho người có thẻ Bảo hiểm y tế thấp vì chưa tính đủ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế, nên nguồn thu sự nghiệp của các đơn vị thấp. Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và giãn cách xã hội nên số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh giảm, dẫn đến nguồn thu của đơn vị sự nghiệp y tế cũng bị giảm đi, dẫn đến thu nhập nhân viên y tế giảm mạnh, thâm chí nhiều đơn vị được giao tự chủ kinh phí chi thường xuyên không có kinh phí để chi trả lương nên đã chậm chi trả lương cho nhân viên y tế.
"Đây cũng là nguyên nhân lớn dẫn đến việc nhân viên y tế xin nghỉ việc hoặc bỏ việc tìm cơ hội việc làm với mức thu nhập cao hơn"- Bộ Y tế nhận định.
Thứ ba, do áp lực về việc thiếu điều kiện, cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Do ảnh hưởng của các vụ việc vi phạm quy định của pháp luật trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế trong thời gian qua, dẫn đến điều kiện môi trường làm việc của viên chức y tế bị ảnh hưởng.
"Thiếu thiết bị hiện đại để triển khai các kỹ thuật cao, thiếu thuốc, thậm chí thiếu cả các vật tư tiêu hao, các dụng cụ, trang thiết bị thông thường kể cả thiếu thiết bị bảo hộ cần thiết đã làm hạn chế việc phát huy trình độ, năng lực chuyên môn của cán bộ, viên chức y tế nên viên chức y tế có xu hướng dịch chuyển sang các cơ sở y tế tư nhân có điều kiện, môi trường làm việc tốt hơn" - Bộ Y tế thông tin.
Nguyên nhân thứ tư, là do áp lực của xã hội, gia đình và người thân. Theo Bộ Y tế, các cán bộ viên chức y tế, cũng như những người lao động khác đều có nỗi lo về bảo đảm cuộc sống gia đình, bảo đảm điều kiện sống tối thiểu về ăn mặc ở, lo lắng các chi phí về điện nước, học hành ngày càng cao do sự gia tăng giá cả nên khi mức thu nhập đối với nhân viên y tế công lập thấp trong khi công việc lại quả tải, cường độ và thời gian lao động tăng; chế độ thu hút, đãi ngộ hạn chế hoặc không có nên dẫn đến tình trạng cán bộ y tế xin thôi việc, nghỉ việc tăng...
Nhắc đến khủng hoảng y tế công trong năm 2022 không thể không nhắc đến tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế trầm trọng.
Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế, thống kê từ 34/63 Sở Y tế, 21/39 bệnh viện tuyến Trung ương và 2 bệnh viện trực thuộc trường Đại học cho thấy: 28/34 Sở Y tế báo cáo hiện có tình trạng thiếu thuốc tại địa phương, 12/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc tại đơn vị.
Trong đó, các thuốc thiếu tại cơ sở khám chữa bệnh bao gồm một số thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền.
Bên cạnh đó, có 26/34 Sở Y tế và 15/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo hiện có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất, chủ yếu là hóa chất dùng xét nghiệm.
Có 14/34 Sở Y tế và 8/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu trang thiết bị y tế như các trang thiết bị y tế chuyên sâu: Thiết bị phòng mổ, thiết bị chuyên ngành thần kinh, tim mạch, nội soi tai mũi họng, mắt, tiêu hóa, hô hấp, hồi sức tích cực, thiết bị chẩn đoán hình ảnh, thiết bị xét nghiệm chuyên sâu.
Đi lên từ trong khó khăn, đó chính là những từ ngữ chính xác nhất khi nhắc đến ngành y tế Việt Nam. Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học đã tiến hành hàng loạt công trình nghiên cứu có giá trị góp phần vào phòng chống dịch bệnh, nâng cao công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân; tiếp cận trình độ khoa học công nghệ của thế giới...
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo tăng cường công tác quản lý khoa học công nghệ ngành y tế năm 2022 do Bộ Y tế tổ chức ngày 2/12 tại Hà Nội.
Báo cáo cụ thể về thành quả nghiên cứu khoa học y tế, ông Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế nêu rõ: Từ 2015 đến nay, trong nước đã thực hiện 460 nhiệm vụ nghiên cứu phát triển thuốc mới, nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc và vaccine, đặc biệt thuốc mới chiếm tỷ lệ cao nhất. Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam góp phần tạo cơ hội cho người bệnh tiếp cận thuốc, phương pháp điều trị mới.
Bên cạnh đó, một số thành tựu nổi bật về khoa học công nghệ ngành y tế đã đóng góp cho sự phát triển của ngành, xã hội và kinh tế trong thời gian gần đây. Cụ thể:
Đối với lĩnh vực y tế dự phòng gồm nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học điều chế một số sinh phẩm y học để phát hiện các yếu tố nguy cơ gây bệnh, nổi bật nhất là các nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm vaccine, đưa Việt Nam là một nước có thế mạnh về sản xuất vaccine trên thế giới.
Trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị nổi bật là các công trình, cụm công trình đạt giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về Khoa học Công nghệ và nhiều giải thưởng khác trong các lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, huyết học và truyền máu, ung bướu, hô hấp, hồi sức cấp cứu… của các Nhà khoa học của Bệnh viện Bạch Mai, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện K Trung ương và nhiều đơn vị khác.
Về lĩnh vực nghiên cứu sản xuất thuốc, Phó Cục trưởng Nguyễn Ngô Quang cho biết, các nhà nghiên cứu khoa học y tế tiếp thu làm chủ công nghệ nghiên cứu sản xuất các loại thuốc chữa bệnh có bản chất là protein và enzyme; phát hiện và ứng dụng các chỉ thị sinh học liên quan đến các bệnh ung thư và bệnh di truyền, nghiên cứu về biệt hóa tế bào gốc, kháng thể đơn dòng;
Nghiên cứu, khai thác nguồn dược liệu trong nước, bài thuốc cổ truyền tạo sản phẩm tốt có giá thành thấp; bảo tồn và phát triển các nguồn dược liệu quý hiếm làm thuốc.
Trong lĩnh vực nghiên cứu trang thiết bị y tế, Việt Nam đã nghiên cứu làm chủ một số công nghệ chế tạo sản phẩm công nghệ cao như máy siêu âm, X-quang, laze, sản xuất stent sử dụng trong tim mạch, thủy tinh thể trong nhãn khoa.
"Việc chuyển giao và ứng dụng thành công trong sản xuất máy thở phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 khẳng định Việt Nam hoàn toàn làm chủ công nghệ tiên tiến trong nghiên cứu sản xuất một số trang thiết bị y tế công nghệ cao"- ông Nguyễn Ngô Quang nói.
Những dấu ấn đột phá trong nền y học thế giới 2022: Ca ghép tim đầu tiên từ lợn sang người, tiếp thêm niềm hy vọng trong điều trị ung thưĐăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất