10/09/2022 08:25 GMT+7 | Tin tức 24h
Tết Trung Thu là một ngày Tết riêng dành cho trẻ em, còn được gọi là Tết Trông Trăng. Trẻ em rất mong đợi được đón Tết này và đây cũng là dịp để người lớn thể hiện tình yêu thương với con trẻ.
Tết Trung Thu không chỉ là ngày hội của riêng Việt Nam, ở các nước láng giềng, đây cũng là ngày lễ lớn. Tuy nhiên mỗi nước lại có cách thưởng trăng khác nhau, đồng thời cũng có thêm các phong tục rất đặc biệt.
Tết Trung thu – nét đẹp truyền thống trong văn hóa của người Việt
Theo một số tài liệu, Tết Trung Thu ở Việt Nam là phong tục đã có từ thời sơ sử của người Việt cổ, gắn liền với nền văn hóa Đông Sơn. Tuy nhiên, thời điểm ra đời chính xác của Tết Trung Thu, đến nay vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ cần các nhà khoa học tiếp tục giải đáp. Nhưng, một điều có thể khẳng định là phong tục đẹp đó đã được nhân dân ta lưu truyền qua các thế kỷ và được coi trọng như một ngày lễ lớn trong năm. Theo thời gian, Tết Trung thu đã đi vào trong đời sống tinh thần của nhân dân, in đậm dấu ấn tâm hồn người Việt.
Tết Trung thu ở Việt Nam được xếp loại vào “hội mùa”, nghĩa là một sinh hoạt văn hoá theo mùa, một lễ hội nông nghiệp, một nghi thức nông nghiệp. Lúc này, lúa mới vừa cấy xong, hoa màu phụ cũng đã trồng, mà mùa gặt chưa tới. Nhân dịp này, các làng xã tổ chức hội lễ cho dân chúng vui chơi, cho người người đoàn tụ, cho lứa đôi gặp gỡ... Và quan trọng hơn, lễ hội cũng là cách bày tỏ lòng thành kính và biết ơn đối với các thần linh che chở cho cuộc sống của dân làng.
Bên cạnh dấu ấn về một nền nông nghiệp lúa nước nói chung, Tết Trung Thu còn là một lễ hội lớn, đặc trưng và nhiều ý nghĩa. Các hoạt động nghi lễ như làm mâm cỗ quả, tỉa hoa, tết bưởi, múa lân, múa rồng, cho trẻ rước đèn hát đồng dao... nhằm khuấy động thời khắc linh thiêng này để đất trời hoà chung niềm hân hoan đó mà chiều lòng người mà ban cho những mùa tốt tươi, no đủ.
Nếu như Tết nguyên đán người dân làm bánh chưng, bánh giầy dâng cúng Tổ tiên thì Tết Trung thu, những chiếc bánh nướng, bánh dẻo ngọt ngào cùng nhiều loại hoa quả lại không thể thiếu trong các mâm cỗ truyền.
Trong sách "Việt Nam phong tục", Phan Kế Bính có viết: Trung thu xưa thường có hai cỗ là cỗ cúng gia tiên và cỗ thưởng trăng. Những mâm cỗ này lấy bánh nướng và bánh dẻo làm trung tâm biểu tượng trời đất vuông tròn; các loại hoa quả đủ màu ngũ hành (xanh, đỏ, vàng, trắng, đen – tương ứng với các nhân tố kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) như gửi vào đó thông điệp về sự vận hành tương sinh của vũ trụ.
Ngày nay, cỗ Trung thu còn được tạo hình đủ thể loại như rồng chầu, phượng múa với các hoa trái của mùa Thu đủ đầy hình sắc. Bánh Trung thu vẫn là bánh nướng, bánh dẻo nhưng đã có nhiều sự thay đổi từ hình thức tới hương vị, đáp ứng đa dạng nhu cầu của xã hội hiện đại, góp phần tạo nên những mâm cỗ thưởng trăng bắt mắt…
Trung thu còn là dịp để cha mẹ thể hiện tình thương yêu, chăm sóc con cái, người lớn chăm lo cho trẻ nhỏ. Tình cảm gia đình vì thế càng thêm gắn bó keo sơn.
Hình ảnh người cha ngồi vót tre làm lồng đèn cho con, người mẹ tỉ mỉ bày mâm bánh, trái cây, bên cạnh những đứa trẻ chơi trò nhảy dây, bịt mắt bắt dê chờ trăng lên… đã in sâu vào tâm hồn, là ký ức khó phai của mỗi con người Việt Nam.
Tết Trung thu các nước khác Việt Nam như thế nào?
Tết Trung thu không chỉ là ngày hội của riêng Việt Nam, ở các nước láng giềng, đây cũng là ngày lễ lớn. Tuy nhiên mỗi nước lại có cách thưởng trăng khác nhau, đồng thời cũng có thêm các phong tục rất đặc biệt.
- Trung Quốc: Theo truyền thống, người Trung Quốc tổ chức Tết Trung thu để tạ ơn Trời Đất, Thần Nông, ông bà tổ tiên, nên dùng các loại ngũ cốc làm ra các loại bánh cùng hoa quả để cúng tế. Trung thu ở Trung Quốc cũng là ngày lễ lớn thứ hai, chỉ sau Tết nguyên đán.
Vào ngày này người Trung Quốc thường treo đèn lồng trước cửa nhà và trên phố. Trong đêm Rằm sẽ thả đèn trên sông và thả đèn trời có chứa điều ước với hy vọng tâm nguyện sẽ được gửi tới trời xanh chứng giám.
Bánh Trung thu là loại bánh không thể thiếu trong mâm cỗ Trung thu ở Trung Quốc. Bánh thường mang hình tròn tượng trung cho sự đoàn viên, viên mãn. Trong ngày này, trẻ em Trung Quốc cũng được tham gia các đoàn múa lân, rước đèn và chú tễu nhảy múa trên phố vui nhộn.
- Nhật Bản: Tết Trung thu của Nhật Bản còn được gọi là Tsukimi - Lễ hội ngắm trăng.
Theo truyền thuyết Nhật Bản, trên Mặt trăng có một con thỏ sinh sống. Và nó giã bánh gạo mochi bằng vồ và cối. Người Nhật Bản ăn bánh gạo dango hình con thỏ trong ngày Trung thu để có sức khỏe tốt và hạnh phúc. Ngăn xếp bánh hình kim tự tháp thường đặt 15 chiếc dango để tượng trưng cho ngày 15 của tháng hoặc 12 chiếc bánh để đại diện cho số tháng trong một năm. Màu trắng và độ tròn của món bánh này nhằm mô phỏng vẻ đẹp của mặt trăng.
Vào dịp Trung Thu, trẻ em Nhật Bản, đặc biệt là các bé trai được cha mẹ sắm cho một chiếc đèn lồng cá chép để tham gia rước đèn, đèn lồng cá chép có ý nghĩa tượng trưng cho lòng can đảm.
- Hàn Quốc: Tết Trung thu ở Hàn Quốc có tên gọi là tết Chuseok (lễ tạ ơn), ngày những người đi xa đều quay trở về quê hương để đoàn tụ. Vào mỗi buổi sáng của dịp này, các gia đình sẽ tiến hành nghi lễ pha trà charye để tỏ lòng thành kính với tổ tiên. Đầu tiên, con trai lớn trong gia đình sẽ dọn bàn ăn. Sau đó, mọi người cúi đầu chào nhiều lần dựa trên giới tính và tuổi tác. Đây là hành động để cầu may mắn trong năm mới.
Nếu Trung thu ở Việt Nam có múa lân thì Trung thu Hàn Quốc có múa mặt nạ Talchum, nhảy vòng tròn Ganggangsullae. Ở Hàn Quốc người ta thường biểu diễn các điệu múa dân gian truyền thống, đấu vật và thăm viếng mộ của người thân vào dịp Tết Trung thu.
- Triều Tiên: Tết Trung thu ở Triều Tiên còn gọi là “Thu tịch tiết” (lễ hội đêm Thu). Lúc trời bắt đầu tối cũng là lúc người Triều Tiên cùng nhau ngắm trăng. Món bánh truyền thống của người Triều Tiên trong dịp này này bánh xốp (muffin). Bánh muffin xốp giống hình bán nguyệt - nửa vầng trăng. Bánh làm làm từ bột gạo, bên trong là nhân đậu, mứt, táo... Người Triều Tiên thường biếu tặng nhau loại bánh này vào Trung thu.
- Singapore: Tết Trung thu là dịp để gia đình quây quần bên nhau, thưởng thức món bánh trung thu ngọt ngào. Người Singapore tặng bánh trung thu cho nhau như một cử chỉ “gửi trao” yêu thương.
Bánh Trung thu ở Singapore có hình dáng khá giống với bánh trung thu ở Việt Nam nhưng hương vị thì hoàn toàn khác. Vào đêm Trung thu, chú sư tử biển Merlion bên vịnh Marina Bay - biểu tượng du lịch Singapore – sẽ trở nên lung linh hơn bao giờ hết liên tục đổi màu. Ánh sáng đèn màu được chiếu tạo thành một chú sư tư biển mang dáng dấp và màu sắc sặc sỡ. Các đường phố của Singapore cũng rực rỡ muôn mầu tạo nên một Trung thu vô cùng náo nhiệt.
- Thái Lan: Tết Trung thu ở Thái Lan được gọi là “lễ cầu trăng. Trong đêm Trung thu ở Thái, tất cả già trẻ gái trai đều phải tham gia lễ cúng trăng, mọi người sẽ ngồi quây quần bên bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát và Bát Tiên để cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất. Bàn thờ sẽ bày quả đào và bánh Trung thu. Người Thái tin làm vậy Bát Tiên sẽ giúp mang đào tới cung trăng để chúc thọ Quan Âm, và các vị thần tiên sẽ ban phước lành cho mọi người.
Trong ngày này, người Thái cũng thường ăn bưởi – loại quả tượng trưng cho sự viên mãn, xum vầy và ngọt ngào.
- Campuchia: Người Campuchia thường tổ chức "lễ hội trăng rằm" vào ngày 15/10 âm lịch chứ không phải vào 15/8 như các nước khác. Lễ hội này thường được gọi là lễ hội Ok-Om-Pok. Món ăn đặc trưng của người dân Campuchia trong ngày lễ hội này chủ yếu là cốm dẹt và một số lễ vật trong ngày này như mía, khoai, chuối...
Trong lễ hội, người Campuchia cũng thường tổ chức cuộc thi thả đèn gió. Đèn gió bay lên cao tượng trưng cho những ước vọng, niềm tin của người thả gửi tới thần mặt trăng, để cầu mong viên mãn.
- Lào: Tết Trung thu ở Lào được gọi là “nguyệt phúc tiết” (lễ hội trăng phước lành). Vào ngày này mọi người dân Lào, bất kể già trẻ, gái trai đều ngắm trăng, thưởng nguyệt. Lúc hoàng hôn buông xuống, các chàng trai cô gái nhảy múa hát ca các giai điệu truyền thống thâu đêm.
- Malaysia: Người Malaysia cũng thường làm bánh Trung thu trong ngày rằm tháng 8 và thắp đèn lồng để đón mừng Tết Trung thu. Trong suốt mùa Trung thu ở Malaysia, bánh Trung thu được bày bán ở khắp nơi. Bánh Trung thu ở Malaysia không chỉ là bánh dẻo và bánh nướng với dạng hình tròn hay hình vuông mà còn có khuôn bánh hình sò biển, bông hoa, ngôi sao… và đặc biệt là có rất nhiều màu. Ngoài ra còn có bánh trung thu lạnh hay còn gọi là bánh trung thu tuyết với nhân và vỏ lạnh mang đến một cảm giác hoàn toàn khác lạ cho người thưởng thức.
- Myanmar: Trung Thu tại Myanmar còn được biết đến với cái tên Lễ Trăng tròn hay Tiết Quang minh. Vào dịp này, khắp đất nước Myanmar đều lung linh, rực sáng khi nhà nhà đều thắp đèn lồng, vì thế ánh sáng lung linh, chiếu rọi khắp mọi nơi, mọi ngõ ngách. Bánh Trung Thu ở đất nước này là các loại bánh nướng, nhân đậu xanh, trứng muối...
- Philippines: Món bánh truyền thống được ăn vào dịp này là gọi là bánh Hopia. Bánh này có rất nhiều loại như: Hoping mungo (bánh nướng đậu xanh), Hoping baboy (bánh nướng thịt heo), Hoping ube (bánh nướng khoai lang tím)… Ngoài ra vào dịp Trung Thu, những người Philippines còn tham gia trò chơi xúc xắc làm cho ngày Trung thu thêm nhộn nhịp và náo nhiệt.
Ngọc Lan/TTXVN (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất