18/01/2022 08:30 GMT+7 | Tin tức 24h
(Thethaovanhoa.vn) - Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang đến rất gần. Trải qua một năm nhiều khó khăn, biến động do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, mỗi gia đình, đơn vị, địa phương trong cả nước đều đang thích ứng với nhịp sống “bình thường mới”, chuẩn bị đón mùa Xuân tới với tâm thế tin tưởng ở những điều tốt đẹp hơn trong năm mới.
Không chủ quan với Covid-19
Trong bối cảnh dịch COVID-19 tại một số nơi vẫn còn diễn biến khó lường với sự xuất hiện của biến chủng mới, để có một cái Tết an lành, hạnh phúc, đảm bảo sức khỏe, an toàn cho bản thân, gia đình và cả cộng đồng, mỗi người chúng ta sẽ không thể chủ quan “bỏ qua” các biện pháp phòng dịch cần thiết. Không hoảng hốt, lo âu thái quá, không dừng toàn bộ hoạt động mua sắm, về quê đón Tết, thăm hỏi người thân, nhưng khi tham gia các hoạt động này, mỗi người cần có ý thức tự giác thực hiện các biện pháp phòng dịch theo quy tắc 5K mà cơ quan chức năng đã khuyến cáo. Chúng ta cũng không thể vì đã được tiêm đủ vaccine phòng bệnh, có sức khỏe tốt hay thậm chí là đã từng bị COVID-19 mà cho phép mình “tạm quên” các biện pháp phòng dịch. Bởi lẽ, đã trải qua những tháng ngày giãn cách căng thẳng vì dịch COVID-19, chứng kiến, cảm nhận rõ những khó khăn và cả những nỗi đau mất mát do dịch bệnh, sẽ càng thấy sự cần thiết của việc tuân thủ các biện pháp phòng dịch, thích ứng an toàn để đón một cái Tết cổ truyền bình an, hạnh phúc.
Xác định những hoạt động vui chơi, thăm hỏi, liên hoan hay du xuân phù hợp với tình hình thực tế, phù hợp điều kiện sức khỏe và yếu tố dịch tễ của bản thân, các thành viên trong gia đình hay bạn bè, đồng nghiệp..., từ đó cân nhắc và có quyết định phù hợp là việc rất nên làm. Có như vậy, Tết với tất cả chúng ta mới thực sự là những ngày bình yên, vui vẻ trong điều kiện thích ứng an toàn, đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19.
Anh Lê Văn Chiến ở thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, anh và các thành viên trong gia đình đều đã được tiêm từ 2-3 mũi vaccine phòng COVID-19. Hằng ngày, trước khi đi làm, đi học, mọi người vẫn nhắc nhau mang khẩu trang, nước sát khuẩn đầy đủ. Dịp Tết Nguyên đán, gia đình anh dự định có chuyến du Xuân trong ngày, ngay tại thành phố đang sinh sống. Việc đến thăm, chúc Tết các gia đình bạn bè, họ hàng đang được anh cân nhắc. Nhưng chắc chắn gia đình anh sẽ không đến chúc Tết đầy đủ các gia đình bạn bè, họ hàng như thời điểm chưa có dịch COVID-19 xảy ra, nhất là những gia đình có người cao tuổi, có nhiều bệnh nền, trẻ nhỏ chưa được tiêm vaccine để đề phòng tình huống vô tình mình lại trở thành “nguồn lây”, gây bệnh cho gia chủ được đến thăm.
Còn chị Nguyễn Thị Hải ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, đã trải qua nhiều ngày giãn cách, phải ở lại nhà máy để sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, vợ chồng chị rất phấn khởi vì hiện nay, dịch COVID-19 ở địa phương đã được kiểm soát tốt. Mỗi ngày, sau giờ làm việc, anh chị có thể trở về nhà chăm lo cho các con. Quê ở ngoại thành Hà Nội, Tết năm nay, anh chị quyết định không về quê đón Tết mà ở lại Bà Rịa-Vũng Tàu, nơi có nhiều đồng nghiệp, xóm giềng nhiều năm gắn bó. Song theo chị Hải, Tết năm nay, những cuộc liên hoan tất niên, tiệc mừng năm mới của khu dân cư nơi gia đình chị sinh sống sẽ được các gia đình bàn bạc, thống nhất tổ thức gọn nhẹ hơn, thu hẹp số người tham gia hoặc là sẽ tổ chức chúc Tết, “liên hoan online” giữa các gia đình để phòng dịch.
Đã cầm ly đừng cầm lái
Trải qua một năm nỗ lực học tập, lao động, dịp Tết đến, bên ly rượu Xuân, ai cũng muốn chúc nhau thật nhiều sức khỏe, thành công, đem lại cho nhau nguồn động viên, năng lượng tích cực trong năm mới. Thế nhưng, đáng tiếc dịp lễ, Tết cũng là thời điểm rất dễ xảy ra những sự cố về sức khỏe, tai nạn giao thông liên quan đến bia, rượu. Năm nào cũng vậy, đại diện các cơ quan chức năng luôn có những khuyến cáo, triển khai các biện pháp tuyên truyền, kiểm tra và nêu những con số thống kê cụ thể về những vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng đồ uống có cồn.
Những vụ tai nạn, những sự cố liên quan đến bia, rượu, gây tổn hại về sức khỏe, thậm chí là nỗi đau mất mát luôn là điều không ai muốn xảy ra. Vì vậy, nâng ly rượu, ly bia mừng Xuân là muốn trao đến cho nhau những niềm vui, tình cảm chân thành. Nhưng muốn niềm vui ấy thực sự vẹn tròn, mỗi chúng ta cần tự giác chấp hành quy định không điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở đã có nồng độ cồn, cũng không vì quá vui mà “ép” người khác sử dụng rượu bia, để không ai sau đó sẽ phải thốt lên những câu “giá như, nếu mà...”.
Theo anh Trần Long, Giám đốc một doanh nghiệp ở quận Tân Phú (Thành phố Hồ Chí Minh): “Cuối năm trước khi chia tay các nhân viên về đón Tết cùng gia đình, công ty tổ chức bữa tiệc tất niên nhỏ. Tôi luôn tự giác thực hiện và không quên nhắc nhở anh em không “ép” nhau nâng ly. Mỗi người cũng có phương án sắp xếp, chủ động đi về bằng taxi hay xe buýt sau khi dự tiệc, tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc do điều khiển phương tiện giao thông sau buổi liên hoan”.
Tết cổ truyền Nhâm Dần đã cận kề. Đón Tết “bình thường mới” trong tâm thế tự tin thích ứng, tự giác thực hiện các biện pháp phòng dịch, đảm bảo an toàn cho mình và cộng đồng, tin rằng năm mới với mọi người, mọi nhà sẽ là những niềm vui trọn vẹn.
Thanh Trà/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất