(TT&VH) - Trao đổi với TT&VH, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch tổng hội Xây dựng Việt Nam đã bày tỏ nhiều suy nghĩ của mình về việc vinh danh Tiến sĩ thời nay. Ông nêu câu hỏi về phục dựng lại Y Miếu và Võ Miếu.
Ông cho biết:
Tiến sĩ xưa khác tiến sĩ nay
Thứ nhất bàn về cái tên Tiến sĩ, ngày xưa khác bây giờ nhiều lắm. Nghĩ tiến sĩ thời nay giống như tiến sĩ ngày xưa là một sai lầm. Tiến sĩ ngày xưa đi thi không những giỏi về văn chương, chữ nghĩa còn phải qua vòng sát hạch về phép trị nước, an dân. Tiến sĩ ngày nay chỉ giỏi về chuyên môn đơn thuần về lĩnh vực nào đấy thôi. Tiến sĩ chưa phải là một nhà chuyên nghiệp, mặc dù anh có chuyên môn nhưng chưa phải là chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp có nghĩa là anh phải kiếm sống bằng nghề đó, có đạo đức, kỹ năng về nghề đó. Tiến sĩ ngày nay được đánh giá là người có kiến thức, còn anh có làm được hay không thì phải có quá trình cống hiến, khối ông tiến sĩ hiện nay có bằng tiến sĩ nhưng không có cống hiến gì.
Ngày xưa, người ta vinh danh Tiến sĩ bởi thực chất thi tuyển tiến sĩ là lấy người tài giỏi, đức tốt để chọn làm quan cho nên Tiến sĩ phải có năng lực trị nước, an dân. Anh đỗ Tiến sĩ là nhà vua bổ nhiệm làm quan, chứ không phải thực tập. Tất nhiên mới đầu là quan nhỏ sau là quan to nếu có cống hiến cho dân, cho nước. Còn anh từ chối làm quan, đó là việc của anh. Ngày nay thì không phải, anh Tiến sĩ ngày nay chỉ chứng tỏ trong việc học tập của anh, anh đã có khả năng sơ bộ về nghiên cứu, ngoài kiến thức anh có sở trường về năng lực nghiên cứu về lĩnh vực nào đấy thôi.
Thời xưa, tiến sĩ chỉ được vinh danh khi có đóng góp với xã hội mới được lưu danh bảo tồn ở Văn Miếu. Bây giờ, nói thẳng ra là “sĩ” quá nhiều, hoạ sĩ, nhạc sĩ, thi sĩ…của các ngành nghệ thuật quá nhiều mà tiêu chí để “ đứng được” lưu danh cần phải xem xét cả một quá trình dài. Nên nhớ, cựu Chủ tịch Fidel Castro của Cu Ba đã từng nói một câu bất hủ: “Cái loại tiến sĩ như tôi thì chủ nghĩa tư bản sản xuất hàng loạt”. Ông là Tiến sĩ luật thực sự mà ông còn bảo thế. Theo tôi, chuyện vinh danh, bảo tồn các tiến sĩ cũng như danh nhân phải được công khai, để cho người dân bình bầu, qua đó các thế hệ nhân dân cũng được học về bài học lịch sử. Tôi nhớ báo trên Tuổi Trẻ có một cái tít rất hay “dân không thờ sai ai bao giờ”!
TS. Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam
Nếu tôi được lưu danh bia đá?
Tôi đã từng là phó tiến sĩ năm 1964, cho đến nay là 44 năm rồi, tôi tự nhận bây giờ là loại tiến sĩ quá đát, đấy là nói tự nhận. Bởi vì tôi cũng là một người qua một đêm được công nhận là tiến sĩ, viết báo cáo khoa học thì nêu danh là tiến sĩ cho nó đúng chừng mực. Chứ nói thẳng ra cái mà mình nghiên cứu để làm luận án cách đấy hơn 40 năm thì lúc ấy là sáng tạo chứ bây giờ thì là lỗi thời rồi. Người ta bây giờ dùng máy tính để tính chứ không dùng cách tính của tôi như ngày xưa.
Lưu danh thì có lúc mất danh, thực tế là ở Văn Miếu Quốc Tử Giám có không ít vị tiến sĩ bị đục tên do mắc sai phạm như hủ hoá, tham ô, chống lại triều đình…Tôi nói thật, nếu so với tình trạng tiến sĩ ngày nay thì không khéo đục mất một nửa! Vì thực tế, tiến sĩ bây giờ không ít các ông có bồ bịch, vợ hai, vợ ba, rồi thì bằng rởm…thì chắc chắn phải đục khá nhiều đấy! Có thể bây giờ người ta không phát hiện ra, nhưng sau này con cháu phát hiện thì cũng phải đục hết! Riêng tôi, tôi không thích lưu danh theo kiểu ấy, vì không phải tôi sợ đã mắc phải sai phạm gì mà tôi không thích lưu theo cách đó, tôi làm gì, cống hiến cho xã hội như thế nào nhân dân, dư luận xã hội đã công nhận cho tôi qua sách báo, dư luận của người đời.
Theo tôi, lưu danh Tiến sĩ thì thời nay không thiếu gì cách lưu, thậm chí cả tư liệu quý mà lại nghĩ cách đi xây rùa, dựng bia trên lưng rùa là chuyện khôi hài. Sao không lưu trên mạng cho mọi người dễ tra cứu, toàn cầu dễ tra cứu? Hiện nay tất cả các luận án của tiến sĩ đều lưu giữ ở thư viện quốc gia, nơi đó đủ điều kiện cả về bảo mật lẫn bảo quản rất tốt. Dư luận nhân dân đang có tiếu lâm rằng vét ở cánh đồng nào mà lấy được những hơn 16.000 con rùa để đội những ngần ấy ngài tiến sĩ! Nhà văn Nguyên Ngọc đã nói thẳng rằng nếu có Văn Miếu “mới” nữa thì đấy là cánh đồng bia mới đúng!
Nên xây dựng Y Miếu, khôi phục Võ Miếu
Vinh danh do một tổ chức đứng ra làm dự án thì cần phải xem xét là xã hội có cần thiết và thừa nhận hay không. Hãy lấy bài học ngay ở những Văn Miếu bị nhân dân và thế hệ sau đục tên. Tôi tự hỏi rằng, tại sao chúng ta không làm dự án khôi phục Y Miếu? Y Miếu ngày xưa có đấy, nhưng bé quá, rồi thì Võ Miếu ngày xưa cũng có, bây giờ vẫn chưa khôi phục? Ngành Y học của VN ngày xưa là Trung Hoa cũng phải nể, cho nên ngày xưa lệ nộp cống là phải có thầy lang, chứng tỏ ngành Y của chúng ta rất giỏi đến Trung Hoa cũng phải chú ý, sao bây giờ không vinh danh những chuyện đó và tìm hiểu các vị ấy? Võ Miếu cũng vậy, nước ta không thiếu gì tướng tài cần vinh danh mà vẫn chưa ai nhắc đến chuyện khôi phục Võ Miếu cả.
Vương Anh (Thực hiện)