Lở tuyết trên dãy núi Alps ở Italy, 6 người thiệt mạng

04/07/2022 09:03 GMT+7 | Tin tức 24h

Ngày 3/7, một trận lở tuyết đã xảy ra trên dãy Alps tại Italy, khiến ít nhất 6 người thiệt mạng và 8 người bị thương.   

Lở tuyết tại Áo làm 9 người thiệt mạng

Lở tuyết tại Áo làm 9 người thiệt mạng

Nhà chức trách Áo ngày 6/2 cho biết trong 3 ngày qua tại nước này đã xảy ra hơn 100 vụ lở tuyết làm 9 người thiệt mạng. Hầu hết các vụ lở tuyết xảy ra tại bang Tyrol phía Tây nước Áo và chỉ tính riêng trong ngày 4/2 đã có 5 người thiệt mạng.

Theo người phát ngôn cơ quan dịch vụ khẩn cấp Italy, vụ lở tuyết xảy ra trên núi Marmolada, cao nhất trong dãy Dolomites của Italy, gần làng Punta Rocca, trên tuyến đường leo núi thông thường. Dãy Dolomites là một phần của dãy Alps ở Italy.    

Vụ việc xảy ra một ngày sau khi nhiệt độ cao kỷ lục 10 độ C được ghi nhận trên đỉnh núi băng. Công tác cứu hộ đã bị dừng lại và dự kiến sẽ được nối lại trong ngày 4/7. Hiện chưa rõ có bao nhiêu người leo núi khi vụ lở tuyết xảy ra, cũng như quốc tịch của các nạn nhân. Truyền thông Italy đưa tin có người nước ngoài trong số các nạn nhân.   

Chú thích ảnh
Hiện trường vụ lở tuyết trên núi Marmolada, gần Punta Rocca, Italy, ngày 3/7/2022. Ảnh: AFP/ TTXVN

Thủ tướng Italy Mario Draghi gửi "lời chia buồn chân thành nhất" tới gia đình các nạn nhân. Trong khi đó, giới chuyên gia lo ngại thảm họa lở tuyết có thể lặp lại. Theo ông Renato Colucci, chuyên gia về sông băng, nhiệt độ ấm áp gần đây đã tạo ra một lượng lớn nước từ băng tan chảy tích tụ dưới đáy khối băng, khiến nó sụp đổ.

Ông Massimo Frezzotti, Giáo sư khoa học tại Đại học Roma Tre, cũng cho rằng nguyên nhân gây ra vụ lở tuyết là do thời tiết ấm bất thường, liên quan đến sự nóng lên của Trái Đất, với lượng mưa giảm 40-50% trong mùa Đông khô hạn.   

Theo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi Khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc hồi tháng 3, băng và tuyết tan là một trong 10 mối đe dọa lớn gây ra bởi sự ấm lên của Trái Đất, phá vỡ hệ sinh thái và cơ sở hạ tầng. IPCC cho biết các sông băng ở Scandinavia, miền Trung châu Âu và Caucasus có thể mất từ 60 đến 80% khối lượng của chúng vào cuối thế kỷ này. Lớp băng vĩnh cửu tan chảy cũng đang cản trở hoạt động kinh tế ở Canada và Nga.

Ngọc Hà/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm