14/07/2022 16:31 GMT+7 | Tin tức 24h
0h ngày 11/7, giá xăng trong nước đã giảm xuống dưới 30.000 đồng/lít kết thúc chuỗi tăng, giảm giá, với mức tăng có lúc đạt đỉnh gần 33.000 đồng/lít từ 21/6 đến nay. Dư luận xã hội đã rất phấn khởi trước thông tin này.
Để có được mức giảm hơn 3.000 đồng/lít là sự nỗ lực của Chính phủ và các Bộ Tài chính, Công Thương trong việc điều hành, đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh các công cụ thuế nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp góp phần đảm bảo an sinh xã hội và phục hồi nền kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Kể từ đầu năm đến nay, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, các bất ổn, xung đột chính trị trên thế giới, giá xăng, dầu trong nước trải qua 18 lần điều chỉnh; trong đó có tới 13 lần tăng giá và chỉ có 5 lần giảm giá; trong đó lần tăng giá và giảm giá mạnh nhất đều khoảng 3.000 đồng/lít.
Tính tổng số lần tăng, giá xăng, dầu đã tăng khoảng 12.000 đồng/lít; trong khi tổng số lần giảm chỉ khoảng 6.000 đồng/lít. Tính đến ngày 11/7, giá xăng trong nước vẫn cao hơn 6.000 đồng/lít so với thời điểm đầu năm 2022.
Nhìn vào giá trị giảm giá xăng sau 5 lần điều chỉnh có thể thấy mức giảm chỉ bằng ½ so với tổng giá trị tăng nhưng để đạt được điều này là sự cố gắng rất lớn của Chính phủ và “tay hòm chìa khóa” Bộ Tài chính đảm bảo cân đối ngân sách.
Bởi chỉ riêng chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu đã làm giảm thu ngân sách 32.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cần phải nhìn tính 2 mặt của việc điều chỉnh giảm giá xăng, dầu. Một mặt việc này có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước nhưng mặt thứ 2, việc giảm giá xăng, dầu từ 2 lần giảm thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn (1/4 và 11/7) đến 31/12/2022 sẽ kéo theo những yếu tố tích cực.
Theo nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, xăng, dầu là mặt hàng chiến lược, nhiên liệu quan trọng, là chi phí đầu vào của hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chính việc liên tục tăng giá xăng, dầu suốt nhiều tháng qua khiến chi phí sản xuất, vận hành của doanh nghiệp tăng mạnh, nhiều doanh nghiệp vận tải phải ngừng hoạt động, gần 50% tàu cá khai thác thủy sản tại các địa phương trên cả nước ngừng hoạt động khiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải gửi văn bản tới 2 Bộ Công Thương, Lao động - Thương binh & Xã hội đề nghị kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cho thuyền viên tàu cá. Giá xăng dầu tăng còn hiển hiện trong ly cà phê, hộp sữa, trong từng bữa ăn của người dân...
Vì vậy, việc giảm mạnh giá xăng, dầu lần này sẽ trực tiếp làm giảm giá nguyên vật liệu đầu vào do giảm chi phí trong khâu vận chuyển, từ đó giảm chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận. Điều này đồng nghĩa với việc mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm và tăng thêm thu nhập cho người lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Giảm giá xăng, dầu trực tiếp sẽ làm giảm mức lạm phát của nền kinh tế, giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho xăng dầu của người dân. Giảm giá xăng dầu cũng đồng nghĩa với làm giảm kỳ vọng lạm phát, giữ ổn định vĩ mô; góp phần đảm bảo hiệu quả thực hiện các chính sách, giải pháp và Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững.
Để tránh tác động tới lạm phát từ nay đến cuối năm, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã đề nghị Bộ Tài chính xử lý nhanh giải pháp giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng nếu còn dư địa.
Nhưng phải nhìn nhận, giá xăng dầu của Việt Nam có tính biến động cao do vẫn phụ thuộc chủ yếu vào giá xăng dầu thế giới và sự chi phối từ yếu tố cung - cầu trên thị trường. Khi dư địa cho chính sách thuế không còn, các cơ quan quản lý liên quan phải tính đến giải pháp căn cơ ngay từ lúc này như đảm bảo nguồn cung và dự phòng phương án nhập khẩu khi cần thiết không để bị động, kiểm soát ngăn chặn xử lý nghiêm buôn lậu xăng dầu qua biên giới hay tính toán phương án xây dựng kho dự trữ xăng dầu…
Chỉ khi nguồn cung xăng dầu cơ bản được đảm bảo cùng việc chủ động các phương án đáp ứng nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nước thì sẽ hạn chế được các tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, góp phần giảm áp lực lên lạm phát góp phần giữ vững ổn định nền kinh tế.
Hơn nữa, để có tiếng nói chung và sự đồng thuận trong việc tính toán các cân đối vĩ mô, cần sự nỗ lực và chia sẻ từ phía doanh nghiệp, người tiêu dùng, các nhà quản lý. Chỉ có sự thấu hiểu, cảm thông và đặt lợi ích toàn cục lên cao nhất thì mới có thể tạo ra sự đồng thuận!
Thu Hạnh/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất