04/10/2022 10:38 GMT+7 | Tin tức 24h
Ngay sau khi thông tin Việt Nam có ca bệnh đậu mùa khỉ tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều người dân bày tỏ sự hoang mang, lo lắng trước sự xâm nhập của dịch bệnh này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia bệnh truyền nhiễm, bệnh đậu mùa khỉ không dễ lây lan và hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu tuân thủ theo khuyến cáo.
Khả năng lây lan thấp
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam là điều tất yếu bởi lẽ trong bối cảnh đi lại như hiện nay dịch bệnh có thể dịch chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác. Song, chuyên gia này cho rằng, với một ca bệnh xuất hiện tại Việt Nam từ nguồn nhập cảnh, khả năng lây lan ra cộng đồng rất thấp.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng nhưng cần cẩn trọng phòng ngừa, nhất là người thuộc cộng đồng nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) bởi đây là đối tượng nguy cơ bị nhiễm bệnh cao nhất. Thực tế, dựa trên kinh nghiệm của các quốc gia đã ghi nhận bệnh đậu mùa, biện pháp phòng ngừa lây nhiễm với đối tượng MSM rất hiệu quả.
Đồng quan điểm, Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Cao Vân Anh, Phó trưởng Khoa Nhiễm, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, việc phát hiện một ca đậu mùa khỉ từ người nhập cảnh là không nghiêm trọng. Do đó, người dân nên bình tĩnh vì bệnh đậu mùa khỉ không dễ lây lan như COVID-19. Chuyên gia này cho rằng, với đậu mùa khỉ, người bệnh phải tiếp xúc gần, cọ xát, vùng da tiếp xúc có xây xước, dịch của nốt đậu mùa mới truyền qua người lành và gây bệnh.
Theo các chuyên gia, đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh lây từ người sang người, qua tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch cơ thể, qua quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con. Các triệu chứng chính của đậu mùa khỉ là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi. Bệnh có biểu hiện đặc trưng là phát ban trên da, có thể tự khỏi sau 2-4 tuần nếu hệ miễn dịch tốt và triệu chứng nhẹ.
Đến nay, thế giới đã ghi nhận 68.265 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 106 nước trên thế giới, trong đó, có 25 trường hợp tử vong. Các nghiên cứu thống kê cho thấy, khoảng 99% trường hợp mắc đậu mùa khỉ trên thế giới là nam giới và 98% trong số đó liên quan đến nam quan hệ tình dục đồng giới.
Phòng bệnh đậu mùa khỉ như thế nào?
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), bệnh đậu mùa khỉ ủ bệnh từ 6-13 ngày, không phát hiện triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm. Đến giai đoạn khởi phát kéo dài từ 1 - 5 ngày với các triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân, kèm đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Ở giai đoạn này, virus có thể lây sang người khác. Giai đoạn toàn phát thường gặp sau sốt từ 1 - 3 ngày với sự xuất hiện của các ban, mụn nước trên da. Ở thể nhẹ, bệnh đậu mùa khỉ sẽ tự khỏi trong vòng từ 2 - 4 tuần. Tuy nhiên, với những nhóm đối tượng nguy cơ cao như phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch…, bệnh có thể diễn tiến nặng, tử vong, thường từ tuần thứ 2 của bệnh.
Để phát hiện sớm bệnh, người dân cần chú ý đến các dấu hiệu như sốt trên 38,5°C, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau cơ, đau lưng, đau nhức cơ thể, mệt mỏi. Cơ thể xuất hiện các nốt mụn nước hoặc mụn mủ. Đặc biệt có lịch sử tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi ngờ nhiễm bệnh thông qua tiếp xúc trực tiếp với da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục), tiếp xúc với vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ dùng cá nhân của người bệnh.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh cần báo cho cơ quan y tế gần nhất để được lấy mẫu xét nghiệm và cách ly đúng quy định. Người có dấu hiệu nghi ngờ sẽ được lấy mẫu xét nghiệm tại các tổn thương trên da. Trường hợp bệnh xác định khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus đậu mùa khỉ bằng kỹ thuật Real-time PCR và/hoặc giải trình tự gen. Nếu được chẩn đoán xác định mắc bệnh sẽ thực hiện cách ly tối thiểu 14 ngày và phải hết các triệu chứng bệnh (không xuất hiện tổn thương trên da mới tối thiểu 48 giờ và các sang thương đã đóng vảy khô).
Những người tiếp xúc gần với ca bệnh đậu mùa khỉ cần tự theo dõi tình trạng sức khỏe trong 21 ngày kể từ lần tiếp xúc cuối cùng. Trong thời gian này hạn chế tiếp xúc với người khác, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ mang thai, người suy giảm miễn dịch, đồng thời, không được hiến máu, hiến tế bào, tinh trùng, sữa mẹ… Những người chăm sóc người bệnh đậu mùa khỉ lưu ý cần thực hiện biện pháp phòng hộ cá nhân như đeo khẩu trang, găng tay y tế, mũ áo, kính mắt…; rửa tay sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn sau mỗi lần tiếp xúc với người bệnh.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo, để phòng bệnh đậu mùa khỉ, người dân hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người khác, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách từ 2 mét trở lên khi tiếp xúc nếu cần thiết; sử dụng riêng các vật dụng, đồ dùng sinh hoạt cá nhân; thông báo cho những người tiếp xúc gần biết để tự theo dõi sức khỏe và liên hệ cơ sở y tế ngay khi có triệu chứng nghi ngờ.
Đinh Hằng/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất