26/09/2019 11:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Bộ tiểu thuyết Từ Dụ thái hậu (NXB Phụ nữ, 2019) của Trần Thùy Mai vừa tái bản sau mấy tháng phát hành và có buổi ra mắt thu hút đông đảo người quan tâm tại Đường sách TP.HCM. Lâu rồi văn học Việt Nam mới xuất hiện một tiểu thuyết lịch sử đặc biệt như vậy.
Thể thao và Văn hóa (TTXVN) trân trọng giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Hương Tâm về cuốn sách này.
Một nghịch lý lớn
Tôi không phải là người mê tiểu thuyết lịch sử... Thế mà tôi đã đọc hơn 900 trang Từ Dụ thái hậu một lèo, với bao hứng thú. Đọc và ghi bằng bút chì trên trang lót. Đọc rồi mở lại tài liệu lịch sử đối chiếu. Không biết ấy là do yêu mến Trần Thùy Mai hay yêu mến Từ Dụ thái hậu - mà lâu nay tôi thích cái tên Từ Dũ hơn, giờ yêu thêm Phạm Thị Hằng. Có lẽ không chỉ như vậy, tôi yêu văn bản nghệ thuật này. Cũng có nghĩa là tôi yêu chút ánh sáng từ ái trong lịch sử nước tôi. Cũng như tôi sung sướng nhận ra ký ức công bằng của nhân dân tôi luôn đồng điệu với những nhân vật khoan hòa.
Nếu ai thường đọc và am hiểu về tiểu thuyết lịch sử, họ sẽ nhận ra thể loại này dung chứa trong lòng nó một nghịch lý lớn. Được xây dựng bằng bút pháp phổ thông, tiểu thuyết lịch sử đi vào lòng đại chúng rất mạnh. Nhưng khác với các tiểu thuyết đại chúng khác, thường tựa vào cốt truyện ly kỳ, bí ẩn; tiểu thuyết lịch sử kể lại một câu chuyện mà người ta thường đã biết hết ngọn ngành, đã tỏ thông số phận nhân vật. Biết rồi mà vẫn muốn xem, vẫn hồi hộp, vậy sức hút của nó là cái gì? Câu hỏi ấy chắc xuất hiện thường xuyên với các tiểu thuyết gia và người đọc, là một thách thức trong sáng tác và trong tiếp nhận.
Nhân vật của cái thuận
Khắc họa chân dung nhân vật lịch sử Phạm Thị Hằng - Từ Dụ thái hậu, Trần Thùy Mai đã trung thành với ký ức cộng đồng, với những đường nét nghệ thuật về người phụ nữ mà lâu nay chị yêu mến. Vì vậy, chị viết tự nhiên, dễ dàng, dù nhân vật đã kinh qua những tình huống khác nhau: Trữ tình, gay cấn, kịch tính, bi thảm…
Có thể gọi đây là nhân vật của cái thuận: Sinh ra ở một vùng đất thuận (Gò Công, Tiền Giang, Nam bộ), trong một gia đình thuận (gia đình Phạm Đăng Hưng), có căn tính thuận (luôn mềm mại và yêu thương, thông cảm), gặp duyên tình thuận (một tình yêu đẹp với Miên Tông - vua Thiệu Trị), có con cái thuận (các con ngoan, đặc biệt là Hồng Nhậm - vua Tự Đức). Dù vậy, nhìn suốt cuộc đời dài, nhân vật ấy có gặp nghịch cảnh không?
Có, cung đình là nơi cha nàng không hề mong muốn cho nàng vào, vì ông biết rằng đó là chốn nghịch. Không mong mà vẫn phải chịu, cứ như là định mệnh. Nhân vật thuận bước vào chốn nghịch từ 13 tuổi và nơi ấy đã mang lại cho bà nhiều hạnh phúc, cũng như lắm khổ đau. Chốn nghịch ấy được Trần Thùy Mai miêu tả thật kỳ tài, có lẽ đây là cái mới, khá bất ngờ.
Ở chốn nghịch ấy, trong một thời khắc nhất định, tất cả những xung lực và nghiệp lực tụ lại, cuộn xoáy theo một nhịp điệu mạnh mẽ, bạo tàn, vừa rộn ràng, vừa bi thảm. Giành được cơ đồ, bước vào thời kỳ dựng xây, mà cái quá khứ chiến tranh (nồi da xáo thịt) vẫn ngùn ngụt; với kẻ ngoại lai thì chập chờn khép mở; trong nội triều thì đi theo quán tính, cũ kỹ, độc đoán, sa đọa.
Quyền lực và lòng ham quyền lực đã làm nhiều người biến dạng, nhưng biến dạng đến mức không còn nhân tính, thì nhân vật ấy không chỉ là đối tượng của đạo đức và pháp luật, mà còn là một trường hợp của thần kinh bệnh học.
Trong Từ Dụ Thái hậu, có những nhân vật mà ta thấy hành vi và cảm xúc của họ như bị thôi thúc bởi một cái gì âm u như là sadism. Một Gia Long quyền uy, trong đam mê thân xác khác thường với tam phi Ngọc Bình, đã thấy cái khoái cảm khi nàng đau đớn khóc lóc giữa cơn ân ái: Họ tộc của nhà Tây Sơn đã tiêu vong, nhưng còn đây chứng tích của chiến thắng, mỗi đêm nhắc lại. Một nhị phi Trần Thị Đang xuất hiện từ đầu đến cuối như người đàn bà hận, sấn sổ, bất chấp, tàn nhẫn, luôn nhân danh cho những lề thói xơ cứng, muốn chứng tỏ quyền lực mà trừng trị và hành hạ, triệt tiêu người khác.
Cả hai nhân vật này từng sát cánh với nhau trong những nẻo đường chiến chinh chống Tây Sơn. Phải chăng cuộc chiến gian khổ và đẫm máu ấy cũng đã làm họ biến dạng? Trong tham chiến và tham chính, họ biết bao lần là kẻ trực tiếp/gián tiếp sát nhân? Cái chết và nỗi oan khuất của người khác chẳng lẽ không để lại dấu vết gì trên người họ? Có thể họ là nhân vật chấn thương, là nạn nhân của hoàn cảnh và của chính mình, họ cứ lăn hoài trong chốn u minh.
cái chốn nghịch ấy, giữa những nhân vật chấn thương ấy, Phạm Thị Hằng - Từ Dụ thái hậu là một nhân vật thuận, lành lặn, miễn nhiễm. Bà sống theo cái thiên lương tự nhiên và cái cốt cách nếp nhà thuần hậu, ngay thẳng của mình. Bà dấn mình trong những tình huống nguy cấp để cứu người, hòa ái trong đối đãi, nghiêm cẩn trong xét đoán, khiêm cung khi hành xử. Bà mang tinh thần nhà Phật, làm mềm đi cái lý tính Khổng giáo; là ánh sáng, thứ ánh sáng lặng lẽ, an hòa, sáng suốt mà thời nào chúng ta cũng có thể nhìn thấy nơi những lương dân trên đất nước này.
Nguyễn Hương Tâm
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất