Lần đầu tiên sau 6 thập kỷ, Italy vắng mặt trong một kỳ World Cup. Đấy là một thảm họa, nhưng cũng là cơ hội bằng vàng để tái thiết.

(Thethaovanhoa.vn) - Khải huyền có màu xanh của nước biển Địa Trung Hải, màu xanh trên áo của đội tuyển Italy, màu xanh của thất bại. Khải huyền có vị mặn chát nước mắt của Gigi Buffon khi anh sẽ không có World Cup thứ 6 liên tiếp để đi vào ngôi đền thiêng của giải đấu. Lần đầu tiên sau 6 thập kỷ, Italy vắng mặt trong một kỳ World Cup. Đấy là một thảm họa, nhưng cũng là cơ hội bằng vàng để tái thiết.

Lần gần nhất Italy rơi vào bẽ bàng vì không đến được một vòng chung kết World Cup là 1958, sau thất bại cay đắng trước Bắc Ireland ở Belfast, với một đội hình mà so về mặt bằng chung với các đội khác trong châu lục thì chắc chắn là mạnh hơn bây giờ nhiều. Nhưng các chàng trai của HLV Alfredo Foni đã thất bại và trận thua ấy đã đẩy bóng đá Ý vào một cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, ngay sau đó, họ đã nhanh chóng thoát ra. Bằng nghị lực, bằng tài năng, nhưng trước hết, từ những thay đổi. Năm 1958 ấy có gì đặt biệt với Italy? Juventus khi ấy chưa được gắn sao để thể hiện đã đoạt ít nhất 10 Scudetto trên áo, một kilogram bánh mỳ có giá 140 lira, tức là rẻ hơn bây giờ rất nhiều, Quốc hội Italy thảo luận về việc có nên đóng các nhà thổ và bản ballad “Nel blu dipinto di blu”, bài hát được cho là có tính chất bước ngoặt, khiến âm nhạc Italy thay đổi mạnh mẽ và trở nên đại chúng như bây giờ, vẫn còn chưa được Modugno cất lên ở Liên hoan âm nhạc San Remo.

Thành tích của đội tuyển Italy tại các kỳ World Cup

 

Chưa phải là đáy của thất vọng

60 năm sau, một đội tuyển Italy già cỗi, với tuổi đời trung bình đội hình chính già nhất vòng loại World Cup 2018, đã bị đánh bại bởi một Thụy Điển thực ra không hơn họ về kỹ chiến thuật hay đẳng cấp. Họ thất bại bởi tự bắn vào chân mình, với sự bảo thủ và quá thận trọng của HLV Giampiero Ventura, bởi đã tiến hành một cuộc thay máu nửa vời với những toan tính thất bại về chiến thuật trong suốt một năm kể từ sau khi bị Đức đánh bại ở tứ kết EURO 2016, bởi những sai lầm nghiêm trọng trong việc lựa chọn đội hình xuất phát ở trận lượt về tại San Siro (đưa Jorginho, chưa lần nào khoác áo đội tuyển vào đá chính, bố trí Gabbiadini, mới chỉ 1 lần mang màu Thiên Thanh vào đội hình xuất phát) và bởi phản ứng của nhóm các cựu binh đối với chính Ventura. Nhiều người đặt ra câu hỏi về việc tại sao ông không tung vào sân Insigne, người có khả năng thay đổi cục diện thế trận bằng những pha đi bóng lắt léo của mình. Nhưng anh sẽ đá ở đâu, một khi vị HLV 69 tuổi buộc phải bám vào sơ đồ 3-5-2 đã được xây dựng thành công dưới tay Antonio Conte và không dám mạo hiểm làm điều gì khác để thay đổi số phận.

 

Chia tay với “thế hệ vàng”

Gigi Buffon đã nói lời chia tay với đội tuyển Italy sau thất bại. Trong 20 năm, anh đã chơi 175 trận cho ĐTQG, đã cùng với đội Thiên Thanh trải qua bao thành công và thất bại. Chia tay cùng với anh còn có Barzagli và De Rossi, người chiến binh nay đã sang tuổi 36. Trung vệ Chiellini, 33 tuổi, cũng đã nói đến khả năng chia tay đội tuyển. “Hãy để tôi suy nghĩ”, anh nói. Nhưng theo báo chí Italy, khả năng anh ra đi là 99%.

Nhưng khi mà người Italy đang gặm nhấm thất bại, đang cãi nhau để xem ai có lỗi, cay đắng nghĩ rằng điểm mà họ đã chọn để tập trung vào năm tới ở nước Nga nếu có mặt ở World Cup (trung tâm tập của đội Lokomotiv Moskva) sẽ là nơi ở của đội bóng khác, thì những người thuộc lịch sử có thể chỉ ra rằng, thực ra, thất bại vừa rồi trước Thụy Điển chưa phải là điều tệ nhất mà họ đã từng nếm trải. Và nếu bóng đá là một bài học về sự cay đắng, về việc phải trải qua biết bao nhiêu nỗi thất vọng lớn lao vì có lúc đã chìm xuống bùn lầy của thất bại, thì chính bóng đá Italy có thể dạy các tifosi rất nhiều điều về cuộc đời. Và những bài học đau đớn như thế, về cái cách mà người ta thất bại như thế nào, rất nhiều trong bóng đá Italy.

Họ đã ra về trong nhục nhã vì bàn thắng duy nhất của Pak Doo-ik, một nha sĩ CHDCND Triều Tiên ở World Cup 1966, chứng kiến không biết bao nhiêu là tivi bị ném vỡ ở vỉa hè. Họ đã cay đắng chứng kiến Roberto Baggio gục đầu trên chấm phạt đền sau quả penalty hỏng ăn ở trận chung kết World Cup 1994 dưới cái nóng như thiêu như đốt tại Pasadena. Họ đã rơi nước mắt vì tim vỡ khi Italy của những Maldini, Totti và Del Piero gục ngã ở những giây cuối trong trận chung kết EURO 2000. Những giọt nước mắt như của một đứa trẻ trên khuôn mặt Cassano khi Italy bị loại ở vòng bảng EURO 2004 đến giờ vẫn còn là một nỗi ám ảnh. Và sau đó, sau World Cup 2006, còn nhiều nỗi cay đắng khác nữa ập đến và tới giờ vẫn chưa qua. Xen kẽ giữa các thất bại của đội tuyển là các thất bại của Milan tại Champions League năm 2005 và Juve 2015, 2017.

Điều đó có nghĩa là thất bại 2018 chưa phải là khủng khiếp nhất, nhưng sẽ để lại một vết sẹo lớn trong lòng người Italy và sẽ là một động lực thúc đẩy họ đứng dậy, nếu như họ biết cách đứng dậy. Bóng đá Italy đúng là đang ở năm kinh khủng, “annus terribilis”, như những người Italy thỉnh thoảng lại dùng tiếng La Mã mỗi khi có điều gì khiến họ đau đớn. Đội tuyển của họ tụt lùi 60 năm. 60 năm trong bóng đá chẳng khác gì quay về thời Trung Cổ. Họ đã không còn lên đỉnh cao thế giới từ 2006, từ đó trải qua hai lần bị loại từ vòng bảng World Cup 2010 và 2014, xen kẽ giữa hai lần đó là những giải EURO thăng hoa. Họ cũng không còn chinh phục các danh hiệu lớn ở Champions League từ 2010, với hai lần tiệm cận vinh quang khi vào đến chung kết và đều thất bại đau đớn của Juve các năm 2015 và 2017. Nước mắt thất bại là hình ảnh quen thuộc đối với những người yêu bóng đá Ý trong một thập kỷ qua, kể từ những giọt nước mắt vì hạnh phúc với chiếc Cúp vàng 2006.

 

Vẫn có những điều để hy vọng. Nhưng...

 

Nhưng ở tận cùng của thất vọng, vẫn còn rất nhiều điều để hy vọng. Với điều kiện, người ta

 

tin rằng, mình có thể vượt qua tất cả. Chẳng hạn cơ sở để hy vọng là đội ngũ trẻ Italy khá dồi dào. Cơn bĩ cực trong đào tạo trẻ dường như đã đi qua, và kể từ sau thất bại ở World Cup 2014, Italy có một lứa trẻ khá tốt ở các lứa tuyển U, từ U16 đến U21 và có thể là nguồn nhân lực đáng kể cho người kế cận Ventura trong việc xây dựng đội hình Italy sau thảm họa 2018 này. Điều mà người ta chờ đợi chính là việc HLV ấy có thể gạt bỏ sự thận trọng quá mức theo chủ nghĩa kinh nghiệm để dùng các cầu thủ trẻ. Đương nhiên, có một sự thật là ở lứa trẻ ấy, chưa ai thực sự khiến người ta tin rằng, đấy sẽ là một cầu thủ siêu sao đẳng cấp trong tương lai, và rằng Italy đã đi sau rất nhiều nền bóng đá Châu Âu khác trong việc đào tạo lứa trẻ. Nhưng đã là hy vọng thì vẫn luôn là hy vọng. Và đấy là nền tảng cho một sự thay đổi, dù trên thực tế, thay đổi ấy cần có sự tác động mạnh bởi thay đổi từ thượng tầng bóng đá Italy, từ LĐBĐ Italy, từ cách đào tạo và đầu tư cho đội trẻ của các CLB.

Con đường hồi sinh còn dài lắm, với không ít chông gai. Đấy là một cuộc cải tổ toàn diện đã bị trì hoãn, vì lẽ ra đã phải được thực hiện từ sau World Cup 2010, trong khi lẽ ra họ phải làm được những cuộc cách mạng triệt để như người Đức sau thất bại ở EURO 2000. Và vì thế, ở Italy, người ta đã nói đến những điều lớn lao cần phải thay đổi. Chẳng hạn phải đầu tư nhiều hơn cho đào tạo trẻ, khi các CLB lớn của Italy chỉ chi chưa đầy 10 triệu euro mỗi năm cho công tác này, trong khi ở Tây Ban Nha, các CLB chi không dưới 10% lợi nhuận hàng năm. Ventura có lỗi trong thất bại 2018, nhưng ông chỉ là một trong số các thủ phạm ở một nền bóng đá mà cầu thủ ngoại quốc chiếm đến 56% tổng số cầu thủ trong biên chế các CLB Serie A. Có rất nhiều điều phải làm trong thời gian tới. Nhưng cũng có những điều dư luận Italy đòi hỏi LĐBĐ Italy phải làm ngay trước mắt, như việc buộc HLV Ventura ra đi và cả người đã bổ nhiệm ông lên chiếc ghế này nữa, Chủ tịch LĐBĐ Italy Tavecchio.

Năm 2018 sẽ đóng lại rất buồn với bóng đá Italy. Ngồi nhà xem World Cup qua tivi sẽ là một cuộc tra tấn đối với hàng triệu tifosi, nhưng bù lại, có thể họ sẽ có một mùa hè vui vẻ ở đâu đó với bạn bè và gia đình. Các cầu thủ cũng thế. Họ cần nghỉ ngơi và cần có những cái đầu xả hơi. Họ cũng chỉ phải chơi vài trận giao hữu cùng đội tuyển cho đến tháng 6/2018, khi World Cup diễn ra. Tóm lại, tất cả những ai có liên quan đến vận mệnh của đội tuyển Italy có không ít thời gian cho những ý tưởng, những thử nghiệm và thay đổi cần thiết để Thiên Thanh lại hồi sinh.

Tifosi đã chờ 24 năm để chứng kiến đội tuyển mà họ yêu mến lên đỉnh vinh quang trong một đêm Hè nước Đức 2006, đã trải qua biết bao thất vọng và đau đớn vì những thất bại khác trước khi được thấy những CLB của họ chiến thắng, đã học vô số những bài học về cuộc sống qua việc nếm trải những hương vị đắng ngắt từ thất bại. Giờ đây, họ sẽ lại chờ đội tuyển của mình hồi sinh. Chờ đợi đôi khi cũng không phải là một điều quá tệ. Không hy vọng mới chính là điều đáng sợ nhất...

Anh Ngọc

Các đội góp mặt tại World Cup 2018
Các đội tuyển góp mặt tại World Cup 2018

 

 

 

1 tỷ
Theo nhật báo kinh tế-tài chính Il Sole 24 Ore, thiệt hại kinh tế đối với Italy có thể sẽ lên tới 1 tỷ euro. Thiệt hại này là do số lượng người xem truyền hình các trận World Cup sẽ giảm sút; do các khoản tài trợ, khuyến mãi nhân dịp World Cup để kích thích tiêu dùng giảm
100
Việc bị loại, không được dự World Cup 2018 không chỉ là một thảm họa về thể thao, mà còn là một bi kịch về kinh tế đối với đội tuyển Italy. Theo tính toán sơ bộ, LĐBĐ Italy sẽ thiệt hại ít nhất 100 triệu euro vì bị loại.