06/11/2020 23:03 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xác định: “Tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển, nâng cao uy tín, vị thế Thủ đô”.
Trên cơ sở kế thừa thành tựu của nhiệm kỳ 2015-2020, thành phố tiếp tục đổi mới sáng tạo trong công tác đối ngoại; phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô ngàn năm văn hiến, để bản sắc Hà Nội trở thành nguồn lực quý giá, tạo lợi thế cạnh tranh và thúc đẩy sự thịnh vượng.
Những "điểm sáng" đối ngoại của Hà Nội
Thực tế cho thấy, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của Thủ đô Hà Nội mang tính đặc thù, không chỉ là đối ngoại với tư cách một thành phố mà còn đóng góp tích cực cho việc thực hiện nhiệm vụ đối ngoại chung của cả nước. Với trọng trách đó, những năm qua, Hà Nội đã không ngừng nỗ lực để trở thành trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu.
Thành tựu đối ngoại nổi bật là đã có thêm nhiều thành công - "điểm sáng" trong hợp tác kinh tế, văn hóa, thương mại, đầu tư, du lịch. Đến nay, Hà Nội đã có quan hệ hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố, trong đó đã ký thỏa thuận hợp tác với 61 thủ đô, thành phố của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đối ngoại kinh tế cũng đã phát huy được hiệu quả tích cực. Từ năm 2016 đến nay, thành phố đã thu hút được 25 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp (FDI), đồng thời, liên tiếp dẫn đầu cả nước về thu hút FDI trong hai năm 2018-2019.
Hiện có 97 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Hà Nội. Công tác đối ngoại văn hóa và đối ngoại nhân dân được triển khai sôi nổi, phong phú về hình thức và đa dạng về đối tác. Thành phố tích cực phối hợp với các đại sứ quán, cơ quan ngoại giao tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội, góp phần quảng bá bản sắc văn hóa của Việt Nam ra thế giới và giới thiệu những nét tinh hoa của văn hóa các nước tới người dân Thủ đô.
Trong phát triển du lịch, Hà Nội đang dần trở thành một điểm đến hấp dẫn với hơn 3.000 cơ sở lưu trú và các tiện ích đạt tiêu chuẩn quốc tế có mức chi phí hợp lý. Nhờ làm tốt công tác quảng bá, năm 2019, thành phố đón gần 29 triệu lượt khách, trong đó số lượng khách quốc tế đạt 7,1 triệu lượt.
Hà Nội cũng chủ động tham gia và là thành viên có trách nhiệm tại nhiều diễn đàn quốc tế quan trọng như: Tổ chức thành phố thông minh bền vững thế giới (WeGO), Mạng lưới chính quyền địa phương về quản lý dân cư (CityNet), Nhóm các thành phố dẫn đầu về chống biến đổi khí hậu (C40), Hiệp hội các thành phố lớn thế giới (Metropolis)... Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh, Hà Nội là nơi diễn ra nhiều hoạt động đối ngoại lớn của cả nước. Các hoạt động này thành công nhờ có sự ủng hộ, giúp đỡ của lãnh đạo, chính quyền và nhân dân thành phố...
Để trở thành thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế
Nghị quyết Ðại hội lần thứ XVII Ðảng bộ thành phố Hà Nội đã đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045. Trong đó, phấn đấu đến năm 2045, Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế.
Để thực hiện mục tiêu này, đồng thời cũng là để hiện thực hóa tầm nhìn đưa Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực và thế giới, ngày 30/10 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ đã chủ trì buổi tiếp và làm việc giữa lãnh đạo thành phố Hà Nội với Đoàn Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2020-2023.
Tại buổi tiếp và làm việc, đồng chí Vương Đình Huệ đề nghị, các cơ quan ngoại giao, các đại sứ, tổng lãnh sự, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục tăng cường hỗ trợ, phối hợp với Hà Nội. Thành phố cũng mong muốn tiếp tục đón nhận ý tưởng và đóng góp ý kiến của các đại sứ, tổng lãnh sự, trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài; sẵn sàng tổ chức các hoạt động đối ngoại, đăng cai các sự kiện giao lưu văn hóa, thương mại tầm cỡ khu vực và quốc tế...
Giám đốc Sở Ngoại vụ thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Dũng cho biết, công tác đối ngoại của Thủ đô sẽ được triển khai thực hiện theo 5 nội dung chính. Theo đó, thành phố tiếp tục quán triệt quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về đường lối đối ngoại, các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố về triển khai công tác đối ngoại trong tình hình mới; đẩy mạnh khai thác hiệu quả các mối quan hệ song phương và đa phương đã được thiết lập với các thành phố, địa phương trên thế giới, các tổ chức quốc tế. Xây dựng, triển khai các chương trình, hoạt động đối ngoại theo hướng lấy hội nhập kinh tế làm trọng tâm, kết hợp tối đa đối ngoại chính trị, đối ngoại văn hóa với đối ngoại kinh tế.
Nâng cao tính chủ động, đổi mới trong tư duy và hình thức triển khai các hoạt động đối ngoại, sáng tạo; phát huy tinh thần đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp nhằm thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường, tận dụng tối đa các lợi thế mà các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đem lại. Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại văn hóa, nâng cao hiệu quả quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình với bạn bè quốc tế, cũng như hướng tới phát triển ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo trong tương lai. Tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm của Hà Nội trong các cơ chế hợp tác quốc tế liên khu vực, diễn đàn đa phương, nhằm tận dụng tri thức, kinh nghiệm và hỗ trợ trong giải quyết các thách thức.
Với tầm nhìn mới, quyết tâm mới, chắc chắn trong giai đoạn mới, công tác đối ngoại của Hà Nội sẽ đạt được những kết quả thực chất, sâu sắc trên mọi mặt, qua đó nâng cao hơn nữa uy tín, vị thế Thủ đô, góp phần vào sự nghiệp phát triển Thủ đô và đất nước.
Quỳnh Dương
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất