09/12/2020 09:34 GMT+7 | Các ĐTQG
(Thethaovanhoa.vn) - Trong ngày hội quân, HLV Park Hang Seo đã có những trao đổi cùng truyền thông về những vấn đề xoay quanh ĐTQG. Một trong những nội dung đáng chú ý mà đã hơn một lần ông Park than thở là việc bóng đá Việt khan hiếm tiền đạo giỏi: “Sơ đồ hiện nay của ĐTQG là 3-4-3 nhưng nhiều đối thủ đã bị bắt bài. Số lượng tiền đạo trong nước bây giờ đang thiếu. Có tới khoảng 70-80% các CLB đều sử dụng tiền đạo ngoại. Chúng tôi đã kiểm tra nhiều nhưng ngoài Tiến Linh, Đức Chinh thì không có mấy ai tốt hơn”.
Những chia sẻ của ông Park thật ra không mới bởi đó cũng là vấn đề mà bóng đá nước nhà đã và đang đối mặt trong nhiều năm qua. Nhìn lại từ ngày ông Park gắn bó cùng các đội tuyển Việt Nam, quanh đi quẩn lại chỉ có vài ba chân sút theo mẫu trung phong đúng nghĩa được tin dùng như Anh Đức, Tiến Linh hay Đức Chinh.
Đúng là trên hàng công của các đội tuyển vẫn có nhiều quân số nhưng đa phần chỉ chơi trong vai trò hộ công hay đá bám biên, kiểu như Công Phương, Phan Văn Đức hay Văn Toàn chứ chưa có số 9 đích thực.
Nhớ lại từ ngày các giải đấu trong nước bước vào chuyên nghiệp, cũng đồng nghĩa với việc được sử dụng ngoại binh, thì câu chuyện đói tiền đạo giỏi đã bắt đầu được cảnh báo. Khi mà hầu hết các CLB đều ưu tiên mua chân sút ngoại để chơi cao nhất trên hàng công thì làm gì còn chỗ cho các tiền đạo nội.
Việc trọng dụng tiền đạo ngoại binh là xu hướng tất yếu của các đội bóng V-League trong nhiều năm qua, chúng ta cũng không thể trách cứ họ được bởi nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, khi một số đội bóng đã quá phụ thuộc vào các “ông Tây” thì hẳn nhiên mặt trái của vấn đề đã bộc lộ tức thì.
Đấy còn chưa kể từng có nhiều năm, một số CLB tìm nhiều cách để nhập tịch cho cầu thủ ngoại với mong muốn có nhiều hơn “chất Tây” ở trên hàng công. Nói cách khác, cho dù được đăng ký hay sử dụng bao nhiêu ngoại binh tùy theo quy định ở mỗi thời điểm, gần như các đội bóng sẽ tung ra sân bộ đôi ngoại binh cho việc săn bàn, còn chuyện khác tính sau.
Không chỉ ông Park mà những đời HLV trước đây từng dẫn dắt các đội tuyển Việt Nam đều phải đối mặt với bài toán nan giải này. Đã từng có những đề xuất về quy định sử dụng tiền đạo ngoại ở V-League để tạo cơ hội cho cầu thủ nội được ra sân.
Rộng hơn nữa, đó là khuyến khích rồi tiến đến chỗ bắt buộc, mỗi đội bóng phải đảm bảo phải có số lượng tối thiểu cầu thủ lứa U21 được ra sân thi đấu như trong những dự tính lâu nay. Điều này có thể hiểu rằng có thể không được đá chính, nhưng được ra sân và thi đấu đã là cơ hội quý giá để các cầu thủ trẻ rèn giũa, học hỏi và tiến bộ dần lên.
Ở chiều hướng khác, việc hạn chế ngoại binh có thể khiến V-League đi ngược lại xu hướng chuyên nghiệp hiện nay. Đó là còn chưa kể những cơ quan quản lý, điều hành cũng rất khó để can thiệp sâu vào vấn đề chuyên môn của mỗi đội bóng nếu như chưa có những quy định rõ ràng về vấn đề này.
Hơn thế, lợi ích của CLB và ĐTQG lại là câu chuyện không hề dễ để dung hòa và đưa ra được giải pháp căn cơ hay hợp lý nhất. Cho nên các HLV ở CLB có cái khó để than phiền thì ông Park cũng có cái lý của riêng mình khi cầm quân đội tuyển.
Nhìn rộng ra sẽ thấy chính bản thân một số tiền đạo nội cũng thiếu đi sự nỗ lực nhất định, quyết tâm lớn nhất để tự hoàn thiện mình hơn nữa. Các tiền đạo đều biết ngoài những nguyên nhân chủ quan, thì việc cá nhân từng cầu thủ phải biết cách nâng cao năng lực chơi bóng của mình mới là cốt lõi vấn đề.
Thành công không tự nhiên xuất hiện mà sẽ được nhìn thấy sau những cố gắng trên sân tập cũng như thi đấu. Tóm lại, các chân sút nội hãy tự hỏi chính mình đã thật sự nỗ lực để hoàn thiện bản thân hay chưa chứ đừng kêu ca rằng mình không được sử dụng.
Còn với riêng ông Park, dù thế nào thì ông cũng biết mình phải làm gì và có những sự chuẩn bị cần thiết cho đội tuyển Việt Nam ở hiện tại và cả trong tương lai nữa. Suy cho cùng, đâu phải tới thời ông Park thì chuyện thiếu tiền đạo giỏi mới được đặt ra với đội tuyển Việt Nam?
Trần Tuấn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất