04/07/2022 13:57 GMT+7 | Bóng đá Việt
Đến với con đường trở thành cầu thủ, với những cậu bé sống trong gia đình có điều kiện kinh tế tốt thì nỗi vất vả chỉ đến từ tập luyện. Với Tiến Linh, việc mê bóng đá cùng khát vọng trở thành cầu thủ chuyên nghiệp thật sự là một giấc mơ xa xỉ.
Những ngày tháng đầu tiên trở thành cầu thủ nhí, vừa đam mê chạy theo trái bóng, ở nơi góc khuất tâm hồn, Tiến Linh cũng nỗ lực từng ngày rút gần khoảng cách với mẹ, quen dần với việc mẹ là mẹ đẻ của mình chứ không phải người phụ nữ xa lạ nào đó “từ trên trời rơi xuống” nữa.
Làm quen với mẹ
Mặc dù mẹ trở về nhưng Tiến Linh vẫn phải tự lập với chi tiêu, mỗi tháng lương 5 trăm ngàn đồng mà có bận “vỡ nợ” lên tới 2 triệu đồng không có khả năng chi trả khiến ông chủ căng tin phải đưa ra phương án đòi nợ bố mẹ cầu thủ nhí.
Mẹ Tiến Linh về nước đoàn tụ gia đình đúng một năm thì gia đình đón thêm thành viên mới chào đời, em trai Tiến Linh: Nguyễn Tiến Tú. Đó là quãng thời gian cực kỳ khó khăn đối với Tiến Linh khi tập làm quen với mẹ ruột, về một mái ấm gia đình mình thực sự có mẹ chứ không phải người mẹ “từ trên trời rơi xuống” nhà mình sau 7 năm hai cha con sống cảnh gà trống nuôi con.
Tiến Linh bồi hồi nhớ lại: Phải mất một năm rất khó khăn và gồng lên cả lý trí lẫn trái tim, Tiến Linh mới có thể chấp nhận sự thật mẹ ruột đã trở về, mái ấm gia đình mình từ đây bắt đầu có mẹ. Mẹ đã dồn hết số tiền lao động ở Hàn Quốc nhiều năm trời để mua lại miếng đất và quán cà phê mà nhiều năm qua bố con Tiến Linh ăn nhờ ở đậu, làm thuê để trở thành chủ nhân của mảnh đất ấy, đến tận hôm nay.
Để có thể quen với người mẹ ruột thực sự xa lạ đã khó khăn với cậu bé tuổi niên thiếu, cái tuổi “nổi loạn” ương bướng, có suy nghĩ và cá tính riêng. Đã vậy, việc có thêm một đứa em trai đỏ hỏn và ngày ngày chứng kiến mẹ dồn hết tình yêu thương cho đứa em, từ chăm sóc đến ôm ấp, nâng niu, cưng nựng ấy với Tiến Linh mới chạnh lòng làm sao. Tiến Linh mỉm cười nhớ lại: “Nhìn thấy em có thứ tình cảm thiêng liêng của mẹ, lúc ấy Linh thấy rất tủi thân và có lúc có cảm giác như người thừa khi em trai xuất hiện. Hai mẹ con vốn đã ít nói chuyện với nhau, khi mẹ sinh em thì lại càng ít dành thời gian để trò chuyện. Tiến Linh cũng tự lập nhiều hơn vì vốn sống với bố từ nhỏ, mỗi ngày chỉ có 2 bộ quần áo, mặc ở nhà và đi học chung nhau nên Linh cũng có cuộc sống không quá cầu kỳ để ỷ nại vào người khác”.
Phải mất một năm từ khi mẹ trở về, Tiến Linh mới cởi lòng thân thiết với mẹ. Mặc dù bố luôn là người ủng hộ Tiến Linh đến với bóng đá, mẹ luôn là người phản đối vì thấy cái nghiệp quần đùi áo số mông lung và không có tương lai nhưng sau này Linh lại thân thiết với mẹ nhiều hơn. Từ lần đầu tiên đến với đội bóng Dĩ An, Bình Dương mẹ đã mắng vốn: “Sau này mày có khổ thì đừng có trách nhé, đi học hành đến nơi đến chốn làm việc trong công ty không muốn lại muốn đi đá bóng”.
Năm lớp 6, Tiến Linh có cơ hội được đá bóng cho đội nhi đồng tỉnh Bình Dương nhưng cơ hội bị vuột khỏi tầm tay, Tiến Linh bị rớt một điểm. Lý do bị loại là trong cú đá đòi hỏi kỹ thuật đá bổng 20m thì Tiến Linh lại không thành công. Lần đầu bị rớt, có chút tiếc nuối nhưng vẫn còn là đứa trẻ nên nỗi buồn cũng không lâu.
Năm Tiến Linh học lớp 7, Tiến Linh có cơ hội thi tuyển vào đội bóng huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Lúc vô đội bóng, huấn luyện viên hỏi: Ai bắt gôn? Tiến Linh giơ tay xin làm thủ môn. Nhưng sau lần thử sức làm thủ môn ấy, Tiến Linh nhận ra mình không phù hợp với vai trò canh giữ khung thành, bắt giữ bóng nên xin huấn luyện viên cho vào vị trí đá bóng. Từ hôm đó, Tiến Linh trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp khi mới 13 tuổi.
Tiến Linh được chọn U13 tỉnh Bình Dương vào kỳ nghỉ hè năm 2010 thông qua một ê kíp tuyển sinh lựa chọn, nhờ bệ phóng là cầu thủ đội Dĩ An, Bình Dương. Lúc vô U13 Bình Dương, bắt đầu là con số 0 tròn trĩnh: Học hành kém đi, vô lo vô nghĩ, chỉ cần được ra sân đá bóng là vui rồi, không cần biết ngày mai ra sao? Không nghĩ xa xôi như người lớn.
“Con nợ” căng tin và giấc mơ về một đôi giày fake
Trở thành cầu thủ U13 Bình Dương là niềm vinh dự lớn lao của những đứa trẻ mê bóng đá. Một bước tiến hoàn hảo mà không có ai chống lưng, từ đội bóng cấp huyện ở Dĩ An lên đội bóng cấp tỉnh Bình Dương.
Vào U13 Bình Dương, Tiến Linh bắt đầu cuộc sống sinh hoạt tập thể, ăn nghỉ tại trung tâm bóng đá, tự lập tự giặt đồ, đang tuổi ăn tuổi lớn nên rất thích được ăn quà. Tuy nhiên, mức lương của Tiến Linh khi ấy được 500.000 đồng/1 tháng mà Tiến Linh đã ăn chịu căng tin đến 2 triệu đồng. Tình hình cực kỳ căng thẳng khi ông chủ căng tin quyết định gọi điện về cho bố mẹ Tiến Linh “đòi nợ”. Lúc ấy thực sự là khủng hoảng tuổi mới lớn vì mẹ mà biết được chuyện tày đình này khác nào sét đánh ngang tai. Tiến Linh năn nỉ ông chủ căng tin: “Chú ơi con xin chú! Chú gọi cho bố mẹ con thì nói con chỉ nợ 1 triệu đồng thôi, nói con nợ 2 triệu đồng thì mẹ la con sấp mặt luôn đấy”.
Với mức chi tiêu 100.000 đồng/1 tuần ấy, Tiến Linh luôn cảm thấy đói và thiếu thốn vì cái tuổi niên thiếu luôn thèm quà ăn vặt. Số tiền ít ỏi chi tiêu một tuần luôn được ưu tiên ăn cơm thật no. Có những bữa xuống căng tin ráng ăn thật no, xong ngẩng lên nghe thấy một vị khách kêu tô mỳ, cũng thấy ước gì mình được ăn thêm tô mỳ nữa. Thậm chí khách ăn chè bà ba còn dư một nửa ly, cũng xin chủ quán cho Linh được ăn nốt phần của khách.
Mỗi tháng lương 500.000 đồng ấy đem về nộp cho bố mẹ, mỗi tuần mẹ phát lại cho 100.000 đồng để chi tiêu. Vậy mà khi nghe ông chủ căng tin kêu nợ 1 triệu (ông chủ đã nói giảm cho Tiến Linh 1 triệu vì quá thương tình cầu thủ nghèo) mà mẹ đã mất kiểm soát, quát ầm lên: “Mày giết mẹ đi”! Nghe lời la mắng của mẹ, lúc ấy Tiến Linh thấy tổn thương khủng khiếp. Tiến Linh từng giận mẹ đến mức ở lại đội bóng suốt 3 tháng không về thăm nhà dù khoảng cách từ nhà đến đội bóng không quá xa, mẹ hỏi sao không về? Chỉ biết im lặng nhẫn nại vươn lên trong những cơ hội ra sân. Chính từ những giây phút chật vật với tiền bạc ấy, Tiến Linh nuôi dưỡng khát khao mãnh liệt: “Phải cố gắng trở thành cầu thủ nổi tiếng để có thể kiếm được tiền”.
Tiến Linh mỉm cười nhớ về cái ngày sóng gió với tiền bạc vì nợ căng tin: “Hôm đó sau giờ phút căng thẳng đỉnh điểm, bố đưa cho Tiến Linh 1 triệu đồng trả nợ và 1 trăm ngàn đồng tiền ăn của một tuần. Cầm số tiền ấy trở về đội bóng cùng cảm giác chán nản, suy sụp của một đứa trẻ chưa biết nghĩ xa, chỉ thấy bị tổn thương vì tiền bạc”.
Năm Tiến Linh 13, 14, 15 tuổi, cái đói của cầu thủ không đáng buồn bằng giấc mơ có một đôi giày fake để đi. Tiến Linh kể: “Mỗi quý Linh được phát một đôi giày nên rất nâng niu. Các bạn có điều kiện được bố mẹ tặng cho đôi giày 3-4 triệu/1 đôi để đá bóng. Mỗi lần nhìn thấy người bán giày chở giày đến trung tâm, các bạn có tiền chạy ra chọn giày như chọn một món đồ rất bình thường, Tiến Linh nhìn thấy và lặng lẽ đi vào bên trong để che giấu đi cảm xúc của một cầu thủ luôn mơ ước có một đôi giày fake 5 trăm ngàn mà không biết bao giờ mới thành hiện thực”.
Giấc mơ có một đôi giày từ năm 13 tuổi mà đến năm 17 tuổi, mẹ Tiến Linh mới ngỏ lời cho con 3 triệu để con mua một đôi giày để đi. Khỏi phải nói cảm xúc sung sướng khi ấy của Tiến Linh. Đôi giày đặt mua trên Sài Gòn, đôi giày ấy như một món quà may mắn của đời cầu thủ. Vì năm đó, Tiến Linh lần đầu tiên góp mặt vào chung kết U17 Quốc gia, từ đó Tiến Linh và đội bóng được vô chung kết liên tục.
Đón đọc Kỳ IV: Thầy Đặng Trần Chỉnh và Hoàng Anh Tuấn - Hơn cả ân nhân
Lý Thu Thủy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất