29/07/2012 11:10 GMT+7 | Olympic 2012
Cứ vài phút trên đường bạn sẽ lại bắt gặp hình ảnh của Tia chớp. Có cảm giác như Bolt đang chạy khắp London vậy. Một ngày trước lễ khai mạc, một hình ảnh cực lớn của người đàn ông nhanh nhất hành tinh còn được chiếu lên tường của tòa nhà quốc hội. Còn ở ngoại thành, một nông dân đã tạo ra một bức tranh Usain khổng lồ trên cánh đồng của mình để ủng hộ anh. Đủ thấy người Anh yêu thích Usain Bolt cỡ nào.
Hình ảnh của Bolt xuất hiện khắp nơi tại London
Tại sao Usain Bolt lại được người Anh yêu thích đến thế?
Thắc mắc nhanh chóng được giải đáp vì bất cứ ai trên đường phố cũng có lý do để yêu thích Bolt. Một chú bé tóc vàng 7 tuổi thích thú nói với tôi: “Cháu thích chú ấy vì chú ấy chạy nhanh hơn cả xe bus London”. Với nhiều người Anh, “Bolt còn hơn là một nhà vô địch”. Một người cha của 3 đứa trẻ nói rằng “trẻ em ở Anh sống trong sự sung túc và ít biết đến sự cực khổ, anh ấy là một tấm gương tốt cho chúng. Anh ấy đã lớn lên trong nghèo khổ, sống sót sau tai nạn xe hơi nhưng giờ đây anh ấy là nhà vô địch Olympic.”
Câu trả lời của một thanh niên trẻ lại khác: “Đơn giản vì người Anh yêu tốc độ, Usain nên chuyển đến chơi ở Premier League, sẽ chẳng có ai đuổi kịp anh ấy”. Một liên tưởng thú vị nhưng không phải là không có lý khi giải ngoại hạng Anh được biết đến với lối chơi tốc độ. Những cầu thủ tốc độ như Gareth Bale, Theo Walcott, hay trước đây là Thierry Henry, Cristiano Ronaldo đều rất được yêu thích.
Yêu thích tốc độ như vậy nhưng người Anh lại không có được nhiều thành công trong điền kinh. Ở Bắc Kinh 4 năm về trước, họ chỉ có đúng 1 HCV của vận động viên Christine Ohuruogu ở nội dung 400m nữ. Olympic kì này, hi vọng có huy chương vàng điền kinh của Anh cũng chỉ có nữ VĐV Tiffany Porter nội dung 100m vượt rào. Phải chăng người Anh thích và ngưỡng mộ Bolt vì họ khát khao đất nước mình sở hữu một vận động viên điền kinh tài ba như anh?
Jamaica, quê hương của Bolt, trước đây vốn là thuộc địa của Anh, văn hóa Jamaica từ lâu đã trở thành một phần của văn hóa đa sắc tộc ở Anh. Tôi đã rất thích thú và say mê vỗ tay theo nhịp sôi động cùng các du khách khác khi bắt gặp một ban nhạc đường phố chơi nhạc dân gian Jamaica trên chiếc cầu nối hai bờ sông Thames ngay dưới chân tháp đồng hồ Big Ben. Usain Bolt trở nên gần gũi với người Anh cũng là điều dễ hiểu.
Ở Bắc Kinh 2008, khi thống trị đường đua và làm nên lịch sử, Bolt đã bỏ lại phần còn lại thế giới những 10% thời gian đua và ở Anh, Bolt được gọi là Mr. 10%. Chú bé tóc vàng 7 tuổi ấy khẳng định với tôi rằng “Chắc chắn lần này chú ấy sẽ chiến thắng”. Nhưng những người lớn thì không chắc chắn như vậy. Cũng dễ hiểu 4 năm đã trôi qua, những VĐV trẻ hơn như người đồng hương Yohan Blake hay đối thủ người Mỹ Tyson Gay đang rất hi vọng sẽ vượt qua con số 10% của Bolt. Người Anh lo lắng cho Bolt như chính Bolt đang thi đấu trong sắc áo của họ vậy.
Olympic đã bắt đầu, Bolt sẽ tiếp tục những bước chạy được so sánh với tia chớp hay không? 10% nhanh hơn thế giới của anh còn bị người khác đánh bại hay không? Câu hỏi rồi sẽ có lời giải. Nhưng với tôi, ấn tượng về Bolt sẽ là một kì Olympic mà anh đã chiến thắng từ trước khi cuộc đua bắt đầu. Đơn giản bởi vì anh còn chạy nhanh hơn cả một chiếc xe bus London.
TƯỜNG ANH (từ London)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất