12/02/2018 09:05 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Bề dày lịch sử luôn là một tiêu chí rất khó khăn khi tạo dựng thương hiệu. Bởi, trong câu chuyện ấy, tiền bạc có thể mang lại mọi thứ, nhưng không thể thay thế được thời gian. Và, khi để mất đi nhiều thương hiệu đã từng tạo được dấu ấn theo thời gian, chúng ta có rút ra được những bài học cho chính mình?
Đó là câu hỏi mà Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đặt ra với PGS Nguyễn Văn Huy, nguyên Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia. Để rồi, ông đã có những chia sẻ khá thẳng thắn, bằng trải nghiệm thực tế và bằng cả chuyên môn của một nhà nghiên cứu văn hóa.
1. Trong cách nghĩ phổ biến nhất của chúng ta, thương hiệu thường được nghĩ tới như một cái tên. Cái tên ấy gắn liền với chất lượng và giá trị của một sản phẩm nào đó. Và, một khi giá trị ấy được bảo tồn, thậm chí là được nâng cao dần theo thời gian, rõ ràng là thương hiệu càng “sống lâu” thì càng dễ tạo ra những hiệu ứng tinh thần quanh nó.
Thực tế, trong quá khứ, chúng ta đã từng có những thương hiệu lớn. Ở lĩnh vực tiêu dùng, ngay từ đầu thế kỷ XX, người ta đã biết tới nước mắm Vạn Vân hay các hiệu ảnh của Lai Xá rồi. Làm kinh doanh khi ấy, các cụ nhà ta cũng rất biết cách xây dựng và giữ gìn thương hiệu.
Chẳng hạn, những hiệu ảnh của người Lai Xá thường được đính kèm chữ “Ký” hoặc “Lai” như: An Ký, Thịnh Ký, Thiện Ký... hay Phúc Lai, Mỹ Lai, Đan Lai. Thậm chí, hiệu ảnh Central Photo của người Lai Xá có 4 nơi ở Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Sapa thì khách hàng có thể thoải mái chụp ở một nơi và nhận ảnh ở một nơi khác - tức là hiện đại không kém gì bây giờ.
Bước vào giai đoạn sau 1954, những thương hiệu mất bao năm tạo dựng ấy gần như bị xóa sạch. Đó là hệ quả từ việc chúng ta không khuyến khích phát triển thương nghiệp tư nhân, bởi hàng hóa trong giai đoạn ấy sản xuất ra không nhiều và lại được phân phối theo hình thức độc quyền. Điển hình, các hiệu ảnh Lai Xá đều bị nhập vào các hợp tác xã ảnh với những cái tên như Thắng Lợi, Chiến Thắng…Các thương hiệu khác cũng vậy - chúng không còn lý do gì để tồn tại, khi mà động lực kinh doanh đã bị triệt tiêu rồi.
Tuy nhiên, nói công bằng, trong giai đoạn từ 1954 – 1975, nền kinh tế của chúng ta vẫn được khuyến khích tạo ra những sản phẩm tương đối có giá trị với người dùng. Đó là những trường hợp của Văn phòng phẩm Hồng Hà, Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Diêm Thống Nhất… Tới thời mở cửa, bên cạnh một số thương hiệu vẫn tiếp tục phát triển như các thương hiệu kể trên, thì nhiều sản phẩm quốc doanh khác vừa không còn giữ được chất lượng, vừa tụt lại trước nhu cầu đã thay đổi rất lớn của người tiêu dùng. Nhiều thương hiệu đã tạo dựng được trong một giai đoạn lại tiếp tục mất đi.
Có nghĩa, câu chuyện vẫn quay về một nguyên tắc cơ bản: thương hiệu chỉ có thể tồn tại, khi những giá trị đi kèm nó được bảo tồn, thậm chí là được phát triển tiếp nối theo thời gian. Giống như, ở Hà Nội, hiệu kem Tràng Tiền vẫn có khách, bởi người mua ít nhiều vẫn chấp nhận được chất lượng của những que kem này. Giống như, có những quán ăn được trang trí, vận hành theo mô hình “bao cấp”, dọn ra những món ăn “bao cấp”, nhưng vẫn phải lựa chọn về nguyên liệu, về cách chế biến để thức ăn không khó nuốt như thời… bao cấp “xịn”.
Người ta không thể bảo tồn một thương hiệu cũ chỉ đơn thuần bằng tâm lý “hoài cổ” của người dùng.
2. Câu chuyện thương hiệu Việt không chỉ dừng lại ở những sản phẩm cụ thể. Xa hơn, nó còn gắn với những thứ có công năng tưởng như rất bình thường trong cuộc sống hàng ngày.
Những kiến trúc cũ tại các đô thị lớn là một ví dụ. Tôi nhớ, khi nói về thương hiệu của mình, có doanh nghiệp Việt Nam từng phát biểu: “Chúng ta cần một câu chuyện”. Thực chất, với bề dày lịch sử hàng chục, thậm chí là hàng trăm năm, chúng ta đang có vô vàn câu chuyện như thế. Vấn đề còn lại chỉ đơn thuần là bảo tồn, nâng tầm và mang lại cho nó một màu sắc mới theo thời gian.
Chẳng hạn, nhìn một cách rộng rãi, tại Hà Nội, nếu phố cổ là câu chuyện về một Hà Nội cũ của thời xa xưa, thì khu phố Pháp lại chính là một thương hiệu về bản sắc của thành phố trong giai đoạn gần 100 năm Pháp thuộc. Tôi còn tiếc vô cùng những nhà máy cũ từ thời Pháp như nhà máy Rượu, nhà máy Điện, nhà máy Nước. Những công trình ấy là một phần của lịch sử Hà Nội, đánh dấu thời điểm chúng ta lần đầu tiên tiếp xúc với công nghiệp phương Tây.
Nếu có cách tiếp cận hợp lý, những nhà máy ấy hoàn toàn có thể trở thành điểm du lịch, thành không gian cho các hoạt động nghệ thuật, thậm chí có thể hình thành một “bảo tàng rượu Việt” - như trường hợp nhà máy Rượu - để giới thiệu sản phẩm và kinh doanh ẩm thực. Biết cách làm, chắc chắn nguồn lợi thu về sẽ không kém gì so với việc sử dụng những khu đất ấy để xây nhà.
Nhà tù Hỏa Lò cũng vậy. Tôi từng nghe một cựu quan chức nói rằng việc đập bỏ một phần lớn Hỏa Lò là hợp lý, bởi không thể để một nhà tù nằm chình ình giữa trung tâm thành phố. Thật ra, bên cạnh những đặc điểm về kiến trúc của một nhà tù Pháp, Hỏa Lò mang theo nó hàng nghìn câu chuyện trong mỗi phòng giam. Chuyện về những người yêu nước thời kỳ thuộc địa, thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Chuyện của những phi công Mỹ từng bị giam trong “Hilton Hà Nội” - bao gồm cả thượng nghị sĩ John Mc Cain. Rồi chuyện của những tội phạm lớn trong lịch sử Hà Nội thời hiện đại.
Ngần ấy yếu tố đủ để thấy rằng nếu được bảo tồn nguyên trạng và có cách làm đúng, Hỏa Lò sẽ vừa là một di tích hoàn chỉnh, vừa mang về nguồn thu lớn từ khách tham quan. Thậm chí, giống như cách làm phổ biến trên thế giới, chúng ta còn có thể mở tour cho du khách nghỉ lại một đêm ở đây, với các điều kiện sinh hoạt mô phỏng quá khứ…
Chỉ cần giữ lại một cột ống khói cao vài chục mét khi xây dựng trên nền nhà máy gạch Đại La cũ, khách sạn Horison Hà Nội (nay tên là Pullman Hanoi) đã tạo ra một biểu tượng riêng và luôn được nhớ tới bởi hình ảnh đặc biệt của mình. Câu chuyện ấy có lẽ đã đủ để chúng ta suy ngẫm về việc khai thác những thương hiệu từ quá khứ, thay vì chọn cách xóa bỏ nó hoàn toàn.
(Còn tiếp)
Cúc Đường (ghi)
Thể thao & Văn hóa Xuân Mậu Tuất
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất