30/03/2024 07:04 GMT+7 | Văn hoá
Được chắp bút bởi nữ soạn giả cải lương Tô Thiên Kiều, bộ phim Sáng đèn (đạo diễn: Hoàng Tuấn Cường) chứa đựng nhiều cảm xúc của người trong cuộc về những khoảnh khắc thăng trầm của cải lương thập niên 1990 và sự tận hiến của những con người sống chết cùng bộ môn nghệ thuật này.
Phim ra mắt lần đầu ngày 10/2, nhưng vì muốn "né bom tấn" Mai, mà rút khỏi rạp ngày 12/2, khi doanh thu gần 700 triệu đồng. Phim tái công chiếu toàn quốc hôm 22/3, đến nay, theo Box Office Vietnam, mới thu về hơn 2,3 tỷ đồng.
Tuy doanh thu không mấy khả quan, nhưng đây là một thước phim đẹp về những nghệ sĩ cải lương. Phim có được cộng hưởng từ diễn xuất xúc động, ăn ý của dàn diễn viên NSƯT Lê Thiện, NSƯT Hữu Châu, Chí Tâm, Lê Phương, Cao Minh Đạt, Bạch Công Khanh, Trúc Mây, NSND Hồng Vân, Lê Trang, Tuấn Dũng, Tiêu Minh Phụng…
Hài mà không lố, bi mà không lụy
Phim lấy bối cảnh những năm 1990, kể về những con người trong gánh hát cải lương Viễn Phương. Đứng đầu gánh hát là ông bầu, đào mụ kiêm đầu bếp má Hai, cặp đào kép chánh Thanh Kim Yến - Vũ Lâm, cô đào trẻ Kiều Trúc Linh, cha con ông thầy đờn Cảnh Sơn và Cảnh Thanh, 2 cây hài Như Lệ Thủy, Tựa Minh Vương…
Trước sự thoái trào của cải lương, gánh hát Viễn Phương từ chỗ là một đoàn cải lương chính thống đã chuyển thành gánh tạp kỹ, biểu diễn từ các trích đoạn cải lương đến xiếc, ca nhạc, tấu hài. Nhưng khó khăn vẫn đeo bám đoàn, khiến các thành viên trong đoàn mỗi người mỗi ngả, mãi 6 năm sau mới gặp lại nhau.
Tác phẩm chứa những thước phim hoài niệm về cải lương thời trước, lúc mà những gánh hát thường lưu diễn rày đây mai đó ở sân bãi hoặc đình chùa, mọi sinh hoạt sau hậu trường cũng diễn ra tại điểm hát và các thành viên trong đoàn gắn bó với nhau như người nhà
.Khác với những phim làm về cải lương thường mang không khí trầm buồn, Sáng đèn có nhiều tình huống, lời thoại rất hài hước, nhất là những cảnh liên quan nhân vật của diễn viên Tuấn Dũng. Màn thả thính của nữ đại gia mê cải lương với anh kép Vũ Lâm bằng cách xin ngủ chung; đoạn ông chủ trại hòm ve vãn cô đào Thanh Kim Yến; pha nhận nhầm vợ con của thầy đờn Cảnh Sơn; lúc Thanh Kim Yến tâm sự quá khứ bỏ nhà đi theo gánh hát…
Xen kẽ với tiếng cười, phim cũng có những phút giây đong đầy nước mắt, khi hết Vũ Lâm đến Kiều Trúc Linh phải đổi tình lấy tiền để cứu gánh hát. Rất may đến cuối cùng các thành viên trong đoàn đều nhận cái kết có hậu. Vũ Lâm, Thanh Kim Yến đều tìm được hạnh phúc riêng, Kiều Trúc Linh tái hợp với Cảnh Thanh, gánh hát hoạt động trở lại. Bi kịch trong phim khắc họa vừa phải, không quá bi lụy.
Dù khó khăn, gian khổ, họ vẫn chấp nhận tìm cách vượt qua để gìn giữ cho gánh hát tồn tại, cho cải lương đừng bị mai một.
Đậm chất sân khấu, nhưng vẫn đáng xem
Phim có lối kể chuyện dung dị, mộc mạc. Các trích đoạn cải lương trong phim diễn ra với thời lượng vừa phải, không gây ngán.
Tuy nhiên, hạn chế của phim là tiết tấu khá chậm, ít cao trào, tình huống đơn giản, dễ đoán. Đôi chỗ dài dòng không cần thiết, như chuyện ông thầy đờn nhận nhầm vợ con. Phim cũng không có những góc máy có tính xi-nê. Bối cảnh, hiệu ứng âm thanh đậm màu sân khấu.
Nhưng tất cả những hạn chế đó dễ dàng được người xem bỏ qua, bởi câu chuyện nhân văn của Sáng đèn. Gánh hát Viễn Phương trải qua bao biến cố, khó khăn, nhưng các thành viên trong đoàn vẫn kề vai sát cánh cùng nhau vì tình người, tình yêu đối với cải lương.
Sau những phút giây lộng lẫy, thăng hoa trên sân khấu, họ trở về với cuộc sống đời thường, nhiều thiếu thốn. Dù có là đào kép chánh vẫn phải đi đánh vecni, đi vác mướn kiếm sống. Ở đoàn hát, tình người hòa quyện với tình nghệ sĩ. Ở đó, ông bầu đối đãi với các nghệ sĩ như người cha lớn; thầy đờn Cảnh Sơn yêu thương vô điều kiện đứa con nuôi Cảnh Thanh; Cảnh Thanh âm thầm tìm cách báo hiếu cha…
Ở đó cũng có tình yêu đẹp của Vũ Lâm - Thanh Kim Yến, của Cảnh Thanh - Kiều Trúc Linh. Cái tình cái nghĩa của họ được tô điểm thêm bởi cái đạo làm nghề. Phim có những câu thoại tôn vinh nghề và đạo làm nghề, khiến người xem xúc động, chẳng hạn câu nói của Cảnh Thanh: "Mày coi đây là đoàn, còn tao xem đây là nhà".
Sự yêu nghề, sống chết với nghề cải lương được thấy qua những cảnh hát phục vụ bà con đêm giao thừa, cảnh cả đoàn hát rong ruổi trên xe bò quảng bá các đêm diễn. Dù khó khăn, gian khổ, họ vẫn chấp nhận tìm cách vượt qua để gìn giữ cho gánh hát tồn tại, cho cải lương đừng bị mai một.
Góp phần khiến những thước phim của Sáng đèn giàu cảm xúc là diễn xuất của dàn diễn viên. Một số người trong số đó như NSƯT Hữu Châu, NSƯT Lê Thiện, Chí Tâm vốn gắn bó với bộ môn cải lương, nên nhập vai đầy cảm xúc. Cao Minh Đạt, Trúc Mây tuy không hát cải lương bằng giọng thật trong phim như Lê Phương, Bạch Công Khanh, nhưng vẫn thuyết phục người xem khi vào vai những đào, kép hát.
Bộ đôi Bạch Công Khanh và Trúc Mây tuy lần đầu hợp tác, nhưng rất đẹp đôi về ngoại hình và ăn ý trong diễn xuất, tạo thành một cặp đôi đẹp của màn ảnh. Những đoạn diễn tay đôi của cả hai đem lại nét trẻ trung, ngôn tình cho bộ phim. Trong đó đáng nhớ nhất là cảnh Cảnh Thanh gặp lại Kiều Trúc Linh ở đám cưới và cả hai đã có dịp trải lòng cùng nhau ở cạnh bờ sông.
Ngoài vai trò diễn viên, Bạch Công Khanh còn đảm nhiệm việc hát nhạc phim. Chất giọng ngọt ngào, sâu lắng của anh với giai điệu da diết, mượt mà của 2 bài hát Sáng đèn và Trả cho nhau giúp những thước phim thêm nhiều cảm xúc.
Kết phim, câu hát "Hò xự xang xê cống líu hò" bất giác bám theo người xem. Tình yêu cải lương đã được Sáng đèn truyền tải một cách đơn sơ, cảm xúc như thế.
Phim sẽ tiếp tục lội ngược dòng?
Phim Sáng đèn đã có cơ hội trở lại màn ảnh rộng sau khi "tức tưởi" rút lui vào dịp Tết trước sức ép của phim Mai và Gặp lại chị bầu. Một trong những lý do khiến phim phải chọn cách rời rạp ở vào thời điểm đó do phim thiếu các yếu tố hút khách như tên tuổi ngôi sao, công tác truyền thông.
Màn tái xuất lần này của phim cũng khá mờ nhạt. Các suất chiếu của phim khá thưa thớt, khung giờ cũng không được đẹp. Số lượng suất dành cho Sáng đèn chỉ bằng khoảng 1/4 phim Kungfu Panda 4, bằng gần 1/ 10 phim Quật mộ trùng ma, dù 2 phim này đã ra rạp trước đó 1 - 2 tuần.
Tuy vậy, trên mạng xã hội, Sáng đèn lại nhận được nhiều đánh giá tích cực của người xem, nhất là ở khía cạnh dành cho cải lương. Tình thế này gợi nhớ đến 2 phim Tết trước đây của chính đạo diễn Hoàng Tuấn Cường là Nhà không bán (2022) và Vong nhi (2023). Cả hai cũng từng có số suất chiếu thấp, không được quảng bá nhiều, dàn diễn viên không có ngôi sao phòng vé. Nhưng kết cuộc, nhờ có hiệu ứng truyền miệng mà tình hình bán vé của Nhà không bán khởi sắc dần dần, rồi đạt doanh thu ngoài mong đợi, hơn 28,9 tỷ đồng. Phim Vong nhi cũng vậy, dần dần có khách, thu về hơn 25 tỷ đồng. Liệu Sáng đèn cũng sẽ có cơ hội lội ngược dòng giống như vậy không?
Vài hạt sạn
Một số khán giả xem phim tinh ý phát hiện phim Sáng đèn có vài "hạt sạn" nhỏ. Đầu tiên là về bối cảnh. Phim lấy bối cảnh miền Tây năm 1994, nhưng những gì trên phim thể hiện là vùng đất hoang sơ khô cằn, nhà cửa thưa thớt, không bóng người, được cho là hơi thiếu thực tế.
Ngoài ra, kinh phí thấp có phải là lý do làm cho những cảnh đông người lên phim vẫn thấy rất "lèo tèo", chắp vá? Ví dụ như đoạn bà con kéo tới thăm đoàn, tặng quà bánh và quây quần cùng các nghệ sĩ đón giao thừa.
Phim còn để lọt một số hạt sạn đáng tiếc khác như việc trong xuất hiện những chiếc xe tải nặng hiệu Isuzu, xe khách 45 chỗ hiệu Hyundai, mà không có gì trên mui/móc xe. Trong khi vào những năm 1990, xe chở khách thường là xe lam hoặc loại 30 chỗ trở lại, hành lý nặng thường được ràng trên mui/nóc xe, thay vì cất dưới gầm xe như bây giờ. Ngoài ra, một vài biển số xe có 5 chữ số được dán mất một số liên tục lọt vào khung hình.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất