28/11/2022 12:42 GMT+7 | Văn hoá
Dân tộc Việt Nam với hàng ngàn năm lịch sử xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, tiếp thu tinh hoa nhân loại đã hình thành nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc và hun đúc nên nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp.
Đó chính là kho tàng di sản văn hóa quý báu của cha ông ta để lại, được các thế hệ người Việt Nam tiếp nối, phát huy đến tận ngày nay. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Con người chính là chủ thể sáng tạo, thực hành, sáng tạo, bổ sung các giá trị để phù hợp với xu hướng hội nhập, phát triển nên mọi giá trị suy cho cùng cũng vì mục tiêu phát triển con người...
Con người là chủ thể tạo dựng nên các giá trị
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giá trị là hệ thống những đánh giá của con người về các hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy theo hướng những gì là cần, là tốt, là hay, là đẹp, hay chính là những giá trị chân, thiện, mỹ giúp khẳng định và nâng cao bản chất người. Nhiều giá trị có mối liên hệ hữu cơ với nhau tạo thành hệ giá trị. Khi nhận thức giá trị được định hình, nó sẽ chi phối suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và hành động của con người.
Hệ giá trị quốc gia là sự đúc kết, chưng cất những giá trị nền tảng, cốt lõi của một quốc gia, thường là những giá trị lớn mang tính vĩ mô, phổ quát như tự do, dân chủ, công bằng, phồn vinh, thịnh vượng…
Hệ giá trị văn hóa thể hiện những nét đặc trưng, tiêu biểu, chủ đạo của một nền văn hóa như yêu nước, đoàn kết, nhân nghĩa, cần cù, hiếu học…
Hệ giá trị gia đình khuôn lại ở những giá trị, chuẩn mực ứng xử trong cuộc sống gia đình như hiếu thảo, chung thủy, hạnh phúc, yêu thương, chia sẻ...
Giáo sư, Tiến sỹ Từ Thị Loan, nguyên Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã nghiên cứu và cho thấy, từ lâu, nhiều nền văn hóa, văn minh lớn trên thế giới đã có các hệ giá trị. Trung Hoa cổ đại từng nổi tiếng với những giá trị có tầm bao quát như Ngũ phúc (Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh), Ngũ thường (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín). Văn hóa Hy La thời cổ đại cũng sở hữu bộ ba giá trị chân - thiện - mỹ, làm nền tảng giúp phương Tây phát triển hưng thịnh. Nhờ khát khao tìm kiếm cái chân mà khoa học, công nghệ phương Tây phát triển; khát vọng thực hiện cái thiện mà họ xây dựng được nền pháp quyền vững mạnh, phát triển tôn giáo để khuyến khích đạo đức. Nhờ ước muốn vươn tới cái đẹp, phương Tây phát triển về hội họa, kiến trúc, âm nhạc, văn chương, thi ca...
Nhìn chung, các hệ giá trị quốc gia đều phản ánh những mục tiêu lớn lao mà cả quốc gia phấn đấu đạt đến. Các giá trị này được giáo dục, khuyến khích trong các gia đình, nhà trường và xã hội, đóng vai trò quan trọng trong việc quy tụ các cộng đồng, dân tộc để củng cố sức mạnh tổng hợp của quốc gia.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Từ Thị Loan, Ở Việt Nam, những giá trị cốt lõi của dân tộc hình thành, kết tinh trong suốt lịch sử dựng nước và giữ nước. Giáo sư Trần Văn Giàu từng tổng kết 7 giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam là: Yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa.
Trong Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu bật những giá trị thiêng liêng, cốt lõi của dân tộc là độc lập, tự do, hạnh phúc. Cùng với thời gian, các giá trị được bổ sung, nâng tầm, đáp ứng nhu cầu phát triển của quốc gia. Chúng được đúc kết trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là trong Di chúc của Người (năm 1969): “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
Sau này, trong các Nghị quyết, văn kiện Đại hội Đảng, đặc biệt là từ Đại hội VIII đến nay đều nêu cao những giá trị căn cốt ấy, đồng thời bổ sung và làm rõ thêm, như tách giá trị “giàu mạnh” thành “dân giàu, nước mạnh”, thêm các giá trị “công bằng”, “văn minh”. Đại hội XIII nêu rõ mục tiêu “xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc”…
Dù có ở cấp độ nào, con người cũng là chủ thể tạo dựng nên các giá trị đó. Không có con người sẽ không có văn hóa, không có gia đình và quốc gia. Do vậy, hệ giá trị con người có những giá trị tương đồng với hệ giá trị gia đình, hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị quốc gia, mặc dù cũng có những giá trị dị biệt. Giá trị con người chính là nhân tố cốt lõi và liên kết tạo thành những vòng tròn đồng tâm giữa các tầng nấc giá trị. Chẳng hạn, yêu nước có thể vừa là giá trị con người, vừa là giá trị văn hóa, nhưng những giá trị thể hiện phẩm chất, đạo đức, năng lực cá nhân như trung thực, liêm khiết, cần kiệm, sáng tạo… thì sẽ thuộc giá trị con người.
Cũng chính vì thế, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hoá của dân tộc là xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hoá, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại là yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc…
Phát triển văn hóa cuối cùng là cho con người, vì con người
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc xác định nhiệm vụ chiến lược xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã được thể hiện từ Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) được ban hành từ tháng 6/2014. Đại hội XIII của Đảng đã tiếp tục xác lập lại quan điểm này.
Định hướng thứ 4 trong Nghị quyết Đại hội XIII nêu rõ: Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước.
Để thực hiện được những mục tiêu này, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng Chiến lược phát triển văn hóa đến 2030 (phê duyệt tại Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ), trong đó phát triển con người là một nội dung quan trọng.
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng: Để xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về văn hóa, kinh tế và chính trị.
Đầu tiên, trên phương diện văn hóa, ngành văn hóa phải khai thác tối đa thế mạnh, chức năng, sứ mệnh của văn hóa nghệ thuật trong việc “giáo hóa”, “cảm hóa” con người. Một bộ phim hấp dẫn, một cuốn sách hay, một bài hát ấn tượng nhiều khi có sức mạnh thu phục nhân tâm, lay động lòng người hơn cả ngàn lời kêu gọi, hô hào. Xây dựng đời sống văn hóa phong phú, môi trường văn hóa lành mạnh, hoạt động thể dục thể thao đa dạng, giúp lành mạnh hóa lối sống của người dân, giảm bớt các tệ nạn xã hội. Ngành Văn hóa phối hợp với ngành Giáo dục và các ngành khác xây dựng những con người Việt Nam phát triển toàn diện về đức - trí - thể- mỹ.
Thứ hai, trên phương diện kinh tế, cần gia tăng đầu tư cho công cuộc xây dựng và phát triển con người. Cần nhìn nhận vấn đề ở cả hai chiều cạnh là đãi ngộ và cống hiến. Một mặt, chúng ta cần thù lao, đãi ngộ xứng đáng mới thu hút được nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát hiện và bồi dưỡng các năng khiếu. Ở chiều ngược lại, khi được tôn vinh, đãi ngộ xứng đáng, các tài năng sẽ được khuyến khích, cá nhân sẽ cố gắng nhiều hơn để đổi mới, sáng tạo, cống hiến, phụng sự Tổ quốc và nhân dân.
Thứ ba, trên phương diện chính trị, cần chăm lo xây dựng văn hóa chính trị, văn hóa Đảng cả trong nhận thức lẫn hành động. Bên cạnh việc trang bị những tri thức, hiểu biết thấu đáo về văn hóa chính trị, tạo dựng nhân sinh quan, thế giới quan phù hợp, rất cần thực thi những niềm tin, lý tưởng cao đẹp ấy trong thực tiễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Nếu đảng viên, người đứng đầu không nêu gương tốt, nói không đi đôi với làm, tham nhũng, hối lộ, xuống cấp về đạo đức, tha hóa về nhân cách, thì sẽ rất khó xây dựng và phát triển con người trong toàn xã hội, thậm chí làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào chế độ.
Giáo sư, Tiến sỹ Từ Thị Loan cho rằng, cần lan tỏa những tấm gương người tử tế, việc tử tế, ứng xử văn hóa tốt đẹp trong đời sống xã hội; nghiêm khắc lên án những biểu hiện vô văn hóa, lệch chuẩn, phản giá trị trong đời sống xã hội. Đồng thời, trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cần chú trọng bổ sung những giá trị mới như sáng tạo, đổi mới, kỷ cương, thượng tôn pháp luật, tôn trọng cá nhân... Cùng với đó là việc tiếp thu, hoàn thiện các giá trị phổ quát của nhân loại như: dân chủ, nhân quyền, tự do, bình đẳng, khoan dung, hòa hợp...
Giáo sư, Tiến sỹ Hồ Sỹ Quý, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) khi bàn về vấn đề hệ giá trị cũng khẳng định: Xây dựng hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam là nhiệm vụ không tách rời với xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật - một lĩnh vực được coi là tinh tế, công cụ quan trọng để truyền đạt, cảm hóa, lan tỏa và làm sâu sắc những giá trị văn hóa của đất nước, dân tộc, con người.
Tuy nhiên cũng cần hiểu rằng, không phải cứ giải pháp hay nhiệm vụ nào nhắc trực tiếp đến chữ phát triển con người thì mới là vì mục tiêu phát triển con người. Mà nên hiểu rộng ra, mục tiêu phát triển con người là to lớn, lâu dài và của toàn hệ thống chính trị xã hội. Thế nên, toàn bộ các mục tiêu, nhiệm vụ khác trong Chiến lược phát triển văn hóa suy rộng ra cũng là nhằm mục tiêu cho con người, vì con người...
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất