Đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 đến hết 30/4/2020 đối với Hà Nội

22/04/2020 19:52 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Thủ tướng quyết định: Hà Nội thuộc nhóm nguy cơ, nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19.

Tình hình dịch bệnh corona tại Việt Nam và số ca nhiễm corona trên thế giới cập nhật

Tình hình dịch bệnh corona tại Việt Nam và số ca nhiễm corona trên thế giới cập nhật

Báo Điện tử Thể thao và Văn hóa - TTXVN cập nhật những diễn biến mới nhất của dịch bệnh COVID-19 trong nước và thế giới từ các cơ quan chức năng.

tiếp tục cập nhật

Cập nhật 18h30 ngày 22/4: Thủ tướng kết luận chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hơi hơn, cùng với phát triển KTXH

Kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 chiều 22/4, Thủ tướng nhấn mạnh “vui mừng nhưng cảnh giác”, chấp nhận tình trạng sống trong trạng thái có dịch, chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng với phát triển kinh tế-xã hội.

Tại cuộc họp, dựa trên tình hình thực tế và một số yếu tố, lãnh đạo TP. Hà Nội đề xuất xếp Hà Nội vào nhóm nguy cơ. Một số ý kiến tại cuộc họp cũng nhất trí với đề xuất này. Theo đề xuất của Ban Chỉ đạo quốc gia thì Hà Nội ở vào nhóm nguy cơ cao.

Đánh giá cao Ban Chỉ đạo, các địa phương, Bộ Y tế, các bộ, ngành cũng như toàn thể nhân dân đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, đồng bộ, đạt kết quả đáng mừng, Thủ tướng nhấn mạnh, nhờ vậy mà 6 ngày qua cả nước không phát hiện trường hợp nào bị nhiễm.

Tuy nhiên, “vui mừng nhưng cảnh giác”, chấp nhận tình trạng sống trong trạng thái có dịch, chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng với phát triển kinh tế-xã hội. Yêu cầu lớn là không để đại dịch tàn phá đất nước. Sinh mạng của người dân là quan trọng nhất, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu các cấp, các ngành ngăn chặn quyết liệt, không để dịch xâm nhập trở lại. Phòng chống dịch tốt nhưng phải tạo năng lượng cho dòng chảy hàng hóa, khôi phục sản xuất kinh doanh, dịch vụ, giải quyết việc làm, bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội. Đây là yêu cầu bức thiết hiện nay.

Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc, ngăn chặn triệt để dịch từ bên ngoài, dập dịch bên trong, chữa trị tích cực. Thực hiện cách ly tất cả các trường hợp nhập cảnh vào nước ta, người có nguy cơ cao.

Biện pháp cách ly có thể linh hoạt, tùy theo đối tượng, bảo đảm yêu cầu nghiêm túc, chặt chẽ. Hiện chưa có chủ trương tiếp nhận khách du lịch từ nước ngoài vào nước ta.

Cách ly xã hội, Cách ly xã hội đến 30/4, Cách ly toàn xã hội, cách ly xã hội, cách ly xã hội đến bao giờ, cách ly toàn xã hội đến 30/4, Hà Nội cách ly, cách ly hà nội
Mật độ giao thông trên đường Giải Phóng tiếp tục gia tăng vào cuối giờ chiều ngày 22/4 (ảnh chụp lúc 17h06). Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Nêu rõ việc xác định trạng thái bình thường mới trong bối cảnh hiện chưa có vaccine và thuốc đặc trị, Thủ tướng đánh giá cao tinh thần của lãnh đạo TPHCM đã xác định vấn đề này; nhấn mạnh việc đeo khẩu trang là bắt buộc khi tham gia các hoạt động cộng đồng, thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, hạn chế tập trung đông người…

Trạng thái mới nữa mà Thủ tướng nhấn mạnh là nếp sống mới, tác phong làm việc mới, một thời kỳ mới với các ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin được áp dụng rộng rãi trong mọi mặt đời sống xã hội. Người có dấu hiệu ốm, sốt thì nên ở nhà, không đến cơ quan, công sở, đơn vị, trường học.

Cơ bản nhất trí với các kiến nghị, biện pháp mà Ban Chỉ đạo đề xuất, tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng Hà Nội là địa phương có nguy cơ, nhưng một số nơi của Hà Nội có cơ nguy cơ cao như Mê Linh cũng như một số nơi có ca nhiễm chưa qua 14 ngày, chứ chưa áp dụng nhóm nguy cơ cao với toàn Thành phố.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội quyết định việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 đối với nơi có nguy cơ cao này. Cùng với Hà Nội, Thủ tướng nêu rõ, một huyện của Hà Giang nơi có bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ cao.

Lãnh đạo các địa phương phải đi sâu đi sát để xác định nguy cơ cụ thể của các địa phương, kể cả huyện, xã, thôn, bản, khu dân cư để có biện pháp áp dụng phù hợp.

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố có trách nhiệm hướng dẫn chi tiết dựa trên Chỉ thị của Thủ tướng, quyết định của Bộ Y tế và thực tiễn tại địa phương; quyết định cụ thể việc mở cửa hàng, cửa hiệu hay đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu và các biện pháp phòng chống dịch cần thiết. 

Thủ tướng đề nghị cơ quan chức năng phổ cập cho người dân cách xử lý khi xuất hiện ca dương tính COVID-19, “khi đang hoạt động sản xuất, kinh doanh mà có ca dương tính thì quy trình xử lý thế nào là nhanh nhất, tốt nhất”. Thủ tướng hoan nghênh TPHCM có bộ quy tắc sắp công bố đối với các loại hình sản xuất kinh doanh, trường học. Các địa phương khác cần nghiên cứu, nhất là đơn vị, doanh nghiệp, cửa hàng có nhiều lao động, nhiều người sinh hoạt, không được để môi trường dễ lây nhiễm. 

Ngành y tế cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tình trạng miễn dịch cộng đồng nhằm ước tính nguy cơ mắc, khả năng miễn dịch và mức độ lây truyền, đánh giá hiệu quả can thiệp thời gian qua và dự đoán lây nhiễm thời gian tới. 

Cơ bản đồng ý nới lỏng một cách thận trọng đối với một số biện pháp, Thủ tướng lưu ý, không lơ là, chủ quan, cần bảo đảm an ninh trật tự, nhất là chống tình trạng đua xe, nhậu nhẹt đông người.

Thủ tướng cho biết sẽ sớm ban hành một chỉ thị mới về những nội dung này.

Tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo báo cáo, đề xuất tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng. 

Cơ bản đồng ý với báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng đánh giá cao Bộ đã chủ động xây dựng phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT, yêu cầu Bộ sớm ban hành quy chế, hướng dẫn công tác thi THPT cũng như xét tuyển Đại học, Cao đẳng. Bộ ra đề thi trên tinh thần không đánh đố, học gì thi nấy, nhưng phải bảo đảm chất lượng. Kỳ thi do Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện, bảo đảm an toàn, trung thực, chất lượng. Cần tăng cường sự thanh tra, giám sát của các cấp, các ngành. Tăng cường sử dụng công nghệ đảm bảo tính trung thực của kỳ thi. Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế cụ thể để áp dụng toàn quốc chặt chẽ, nề nếp, an toàn.

*******

Chiều 22/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ để đánh giá lại kết quả triển khai Kết luận của Thủ tướng triển khai áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại các địa phương theo 3 nhóm nguy cơ từ sau ngày 15/4 đến nay.

Phiên họp được người dân cả nước đặc biệt quan tâm. Trong phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo tích cực thảo luận, bởi người dân cả nước chờ đón quyết định cuối cùng của cuộc họp hôm nay để giải quyết các vấn đề việc làm, sản xuất kinh doanh, tăng trưởng và phòng, chống dịch COVID-19 quay trở lại.

Thủ tướng định hướng thảo luận các biện pháp trong thời gian tới, “mở cửa” nhưng đi liền với kiểm soát chặt chẽ để phòng dịch, cơ bản đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường. Phiên họp cũng bàn thảo nội dung liên quan đến hình thức tổ chức dạy và học, các phương án thi tốt nghiệp, tuyển sinh trên địa bàn cả nước trong thời gian tới.

Theo báo cáo cập nhật của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 tại phiên họp, cả nước ghi nhận 268 trường hợp mắc COVID-19 (thời điểm 12h ngày 22/4); không ghi nhận trường hợp mắc mới kể từ ngày 17/4/2020. Trong đó, 222 trường hợp đã khỏi bệnh, chiếm 83% tổng số bệnh nhân; 46 bệnh nhân đang được điều trị tại 9 cơ sở khám, chữa bệnh; 3 bệnh nhân diễn biến nặng (số 20, 91, 161) đang được điều trị tích cực và đã có tiến triển trong những ngày gần đây; 21 trường hợp âm tính từ 1 lần trở lên (trong đó có 9 trường hợp âm tính từ 2 lần trở lên).

Liên quan đến ổ dịch tại thôn Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội, đến nay ghi nhận 13 trường hợp mắc COVID-19, không phát sinh ca mới kể từ khi công bố bệnh nhân số 267 ngày 15/4; đã lập 12 chốt kiểm soát, tiếp tục khoanh vùng, cách ly toàn thôn; thành lập 74 tổ giám sát sức khoẻ người dân toàn thôn 2 lần/ngày.

Đối với trường hợp bệnh nhân số 268 tại Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, đã lấy 358 mẫu xét nghiệm, trong đó 302 mẫu có kết quả âm tính, còn lại đang chờ kết quả.

Theo đề xuất mới nhất của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trên cơ sở theo dõi sát diễn biến dịch bệnh thời gian qua, Ban Chỉ đạo đề xuất thay đổi phân nhóm nguy cơ các địa phương trong cả nước so với thời điểm ngày 15/4. Theo đó, Hà Nội là địa phương duy nhất thuộc nhóm có nguy cơ cao; 3 địa phương có nguy cơ là Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hà Giang; 59 địa phương còn lại thuộc nhóm nguy cơ thấp.

Tuy nhiên, tại cuộc họp, thay mặt lãnh đạo thành phố, trên cơ sở kết quả báo cáo tình hình kiểm soát dịch bệnh, dự báo nguy cơ trong thời gian tới, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung kiến nghị Thủ tướng, Chính phủ, Ban Chỉ đạo nghiên cứu, đánh giá và xếp Hà Nội vào địa phương thuộc nhóm nguy cơ. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng cam kết sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm. Quan điểm đề xuất này cũng nhận được ý kiến đồng thuận từ phía lãnh đạo nhiều bộ, ngành Trung ương tại phiên họp.

Sau khi lắng nghe các ý kiến trao đổi, thảo luận từ các bộ, ngành, địa phương và Ban Chỉ đạo, phát biểu kết luận phiên họp quan trọng này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Ban Chỉ đạo, các địa phương, nhất là thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, Bộ Y tế, các bộ, ngành và toàn thể nhân dân đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt, đạt kết quả đáng mừng. 

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý đề cao tinh thần cảnh giác, chấp nhận tình trạng “sống trong trạng thái có dịch”, cần “nhận thức rõ ràng, không mơ hồ” và có các biện pháp xử lý trên cơ sở năng lực y tế của đất nước và địa phương. Thủ tướng nhận xét, trong gần 3 tháng qua, cả nước đã kiên trì áp dụng các biện pháp mạnh, kết quả đến thời điểm này là đáng mừng. Đặc biệt là việc áp dụng chính sách cách ly xã hội đúng đắn, nhờ đó trong 6 ngày qua không phát hiện ca mắc COVID-19 mới. Đây là một thắng lợi để chuyển sang một giai đoạn chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng với thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục ngăn chặn dịch quyết liệt, không để dịch xâm nhập vào Việt Nam trở lại. 

“Phòng, chống dịch tốt ở Việt Nam, thực hiện nghiêm cách ly xã hội nhưng phải đảm bảo lưu thông hàng hóa, giải quyết việc làm và phát triển kinh tế - xã hội”, Thủ tướng nói.  

Chính vì vậy, Thủ tướng nhắc lại chủ trương ngăn chặn dịch từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong, chữa trị tích cực các ca nhiễm; thực hiện nghiêm cách ly đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, người bị nhiễm, nguy cơ cao; biện pháp cách ly có thể linh hoạt, tùy theo đối tượng nhưng cần đảm bảo nghiêm túc, chặt chẽ; nhanh chóng phát hiện ca bệnh, khoanh vùng dập dịch sớm. 

Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm cần “xác định trạng thái bình thường mới” như đeo khẩu trang bắt buộc trong các hoạt động cộng đồng, đi học, đi chợ, tham gia giao thông...; thường xuyên rửa tay sát khuẩn; duy trì khoảng cách tối thiểu giữa người với người trong các hoạt động thường xuyên; tiếp tục khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài, hạn chế tập trung đông người. Thực hiện nếp sống mới, văn minh, tác phong làm việc mới, một thời kỳ mới với các ứng dụng khoa học và công nghệ, công nghệ thông tin được áp dụng rộng rãi trong mọi mặt đời sống xã hội; khẳng định khả năng tự lực tự cường của đất nước. Người có dấu hiệu ốm, sốt nên ở nhà, không đến cơ quan, đơn vị, trường học và cần làm theo hướng dẫn của bác sỹ, không được để lây lan trong cộng đồng. 

Thủ tướng cơ bản đồng ý với các biện pháp nới lỏng thận trọng mà Ban Chỉ đạo đề xuất. Theo đó, phân 3 nhóm nguy cơ cao, nguy cơ và nguy cơ thấp. Hà Nội là địa phương có nguy cơ nhưng một số địa bàn của Hà Nội là có nguy cơ cao như Thường Tín, Mê Linh và một số nơi có nhiều ca nhiễm, áp dụng nghiêm Chỉ thị 16.

Một số địa bàn của các huyện của Hà Nội, Hà Giang là địa phương có nguy cơ, cần theo dõi, xử lý chặt chẽ, đề cao cảnh giác phòng, chống dịch bệnh; có những biện pháp cụ thể. Tại các nơi có nguy cơ, nguy cơ cao, Chủ tịch UBND các tỉnh, theo thẩm quyền tạo điều kiện cho sản xuất hàng hóa, nhưng đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Cập nhật lúc 18h05 ngày 22-4-2020

Thế giới: 2.572.603 người mắc;  178.548 người tử vong, trong đó:

- Hoa Kỳ: 819.175 người mắc, 45.343 người tử vong.

- Tây Ban Nha: 208.389 người mắc, 21.717 người tử vong.

- Italy: 183.957 người mắc,  24.648 người tử vong.  

- Pháp: 158.050 người mắc, 20.796 người tử vong.

Đến 18h ngày 22/4, không ghi nhận ca mắc mới COVID-19.

Việt Nam: 268 trường hợp mắc COVID -19, tổng cộng 223 người đã được chữa khỏi. Trong đó 16 bệnh nhân mắc COVID-19 tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2 đã được chữa khỏi giai đoạn 1 và 207 bệnh nhân mắc COVID-19 tính từ ngày 06/3 đến ngày 21/4 được chữa khỏi giai đoạn 2.

Cập nhật 18h00 ngày 22/4: Đã 6,5 ngày liên tục Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19

Bản tin của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 lúc 18h00 ngày 22/4 cho biết không có ca mắc mới COVID-19 nào. Như vậy, đến nay đã 6,5 ngày liên tục Việt Nam không có ca mắc mới. Trong ngày đã có 7 ca được công bố khỏi bệnh. Hiện chỉ có 45 ca đang điều trị.

Cách ly xã hội, Cách ly xã hội đến 30/4, Cách ly toàn xã hội, cách ly xã hội, cách ly xã hội đến bao giờ, cách ly toàn xã hội đến 30/4, Hà Nội cách ly, cách ly hà nội
Lực lượng chức năng duy trì nghiêm công tác phòng, chống dịch 24/24h tại các chốt kiểm soát ra, vào địa bàn thị trấn Đồng Văn. Ảnh: Minh Tâm-TTXVN

Tổng số ca mắc: 268 trường hợp, trong đó:

160 người từ nước ngoài chiếm 59,7%;

108 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,3%.

Số ca mắc mới tính đến 18h00 ngày 22/4: 0 ca
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 67.022, trong đó:

Cách ly tập trung tại bệnh viện: 358;

Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 18.263;

Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 48.401.

Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

07 bệnh nhân được công bố điều trị khỏi tại:

06 bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2: BN184, BN215, BN216, BN227, BN246, BN266.

01 bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh: BN252.

Tình hình điều trị của 03 ca nặng nguy kịch đang thở máy, lọc máu là:

BN19 và BN161 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2: BN19 đã có tiến triển, Glassgow 15 điểm, tiêu hóa được, không sốt;

BN91 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh: không sốt, thở máy, ECMO, rối loạn đông máu kiểm soát tạm ổn, ngưng lọc máu.

Số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2: 12 ca.

Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2: 09 ca.

*** Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 sáng 22/4, các ý kiến nhận định: Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch nhờ có sự lãnh đạo đúng đắn, việc thực thi hiệu quả và nhất là tuyên truyền tốt, nên cả hệ thống xã hội đồng lòng và cùng vào cuộc.

Khi tình hình có diễn biến xấu, nhanh, công tác thông tin được làm tốt nên về cơ bản, toàn xã hội và bộ máy chính quyền không bị động hay hoảng loạn. Hiện nay, tình hình đã tốt hơn nhưng không được phép chủ quan. Đã có nhiều bài học trên thế giới chỉ ra điều này.

Vì vậy, các biện pháp nới lỏng phải được thực hiện trên cơ sở khoa học về phòng, chống dịch và khoa học xã hội. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo đã giao các nhóm chuyên gia khác nhau tìm hiểu và trao đổi, tham khảo địa phương để nắm sát tình hình từng địa bàn và tăng cường trách nhiệm của từng địa phương.

Điều đáng mừng là tuần qua, khi Ban Chỉ đạo đã thống nhất, đưa ra các nhóm tiêu chí chủ quan, khách quan để đánh giá tình hình tại địa phương. Kết quả cho thấy tất cả các địa phương đều dựa vào đó để đánh giá, các yếu tố chủ quan đã được chú ý, tăng cường nhiều hơn ở các tỉnh. Sau khi thực hiện quyết định và tham khảo các địa phương, Ban Chỉ đạo đã đề xuất và được Thủ tướng đồng ý đưa 12 tỉnh vào nhóm nguy cơ cao; 15 tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ và các tỉnh còn lại là nhóm nguy cơ thấp. Sau 1 tuần, các tỉnh đã tập trung thực hiện và từng khâu đều được chú ý.

Qua trao đổi với các địa phương và đánh giá qua hệ thống, có 11 tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ cao và nhóm có nguy cơ tự đánh giá không còn ở mức nguy cơ đó nữa. Cụ thể, có 3/12 tỉnh đánh giá địa phương vẫn còn nguy cơ cao; 8/15 tỉnh thuộc đánh giá không thuộc nhóm nguy cơ.

Các ý kiến cho rằng việc tự đánh giá của các tỉnh là hết sức thận trọng nhưng bộ phận chuyên môn của Ban Chỉ đạo đánh giá: chỉ có Hà Nội vẫn ở mức nguy cơ cao. Ba tỉnh: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Giang, Bắc Ninh được đánh giá có nguy cơ. Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù ca bệnh được phát hiện gần đây nhất đã 25 ngày nhưng vì yếu tố đô thị lớn nên vẫn đánh giá ở mức nguy cơ, cần tiếp tục chú trọng.

Đối với Bắc Ninh, ca bệnh mới nhất được phát hiện là 11/4, chưa qua 14 ngày nên vẫn tiếp tục phải theo dõi, giám sát. Tại Hà Giang, dù ca mới nhất đã qua 14 ngày nhưng nguy cơ dịch tễ vẫn cao. Các tỉnh còn lại được đánh giá nguy cơ thấp. Ban Chỉ đạo ghi nhận ý kiến của bộ phận chuyên môn và thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ theo nội dung trên.

Cách ly xã hội, Cách ly xã hội đến 30/4, Cách ly toàn xã hội, cách ly xã hội, cách ly xã hội đến bao giờ, cách ly toàn xã hội đến 30/4, Hà Nội cách ly, cách ly hà nội
Ban Chỉ đạo thống nhất đề xuất danh sách các địa phương thuộc các nhóm như sau: Nhóm nguy cơ cao: Hà Nội; nhóm nguy cơ gồm: TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hà Giang và nhóm nguy cơ thấp: gồm các địa phương còn lại. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg thêm 1 tuần nữa (đến hết 30/4/2020) đối với Hà Nội nhưng cho phép chính quyền Hà Nội căn cứ vào tình hình thực tiễn có biện pháp nới lỏng hơn so với chỉ thị; được quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu các loại hình kinh doanh đường phố nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo cũng đề nghị Thủ tướng yêu cầu các địa phương có cửa khẩu, khu công nghiệp lớn, có nhiều lao động tự do ở các thành phố lớn… cần hết sức chú trọng công tác phòng chống dịch cho các nhóm đối tượng này. UBND tỉnh, thành phố tập trung công tác phòng chống dịch cho nhóm nguy cơ: Công nhân ở các khu lao động đặc biệt ở các khu nhà trọ; người lao động tự do; người yếu thế; học sinh, sinh viên; tăng cường chỉ đạo phòng lây nhiễm tại các cơ sở y tế; đẩy mạnh việc lấy mẫu những bệnh nhân có các triệu chứng cảm cúm; người lao động tự do; người yếu thế; công nhân ở các khu nhà trọ làm xét nghiệm và yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ở khu vực này.

Cập nhật dịch COVID -19 lúc 13h30 ngày 22-4-2020

Thế giới: 2.557.183 người mắc;  177.641 người tử vong, trong đó:

- Hoa Kỳ: 819.164 người mắc; 45.340 người tử vong.

- Tây Ban Nha: 204.178 người mắc; 21.282 người tử vong.

- Italy: 183.957 người mắc;  24.648 người tử vong.  

- Pháp: 158.050 người mắc; 20.796 người tử vong.

Đến 6h ngày 22/4, không ghi nhận ca mắc mới COVID-19.

Việt Nam: 268 trường hợp mắc COVID -19.

Tổng cộng 222 người đã được chữa khỏi. Trong đó 16 bệnh nhân mắc COVID-19 tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2 đã được chữa khỏi giai đoạn 1. 206 bệnh nhân mắc COVID-19 tính từ ngày 6/3 đến ngày 21/4 được chữa khỏi giai đoạn 2.

Chuyên gia khuyến cáo các biện pháp đảm bảo an toàn khi nới lỏng giãn cách xã hội

Tính đến ngày 22/4, Việt Nam có 6 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Trong ngày cũng đã có thêm 6 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương được công bố khỏi bệnh. Như vậy, Việt Nam đã điều trị khỏi cho 222 bệnh nhân COVID-19, chỉ còn 46 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế.

Đánh giá về những tín hiệu tích cực trên, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng (Bộ Y tế) cho rằng: Trong 6 ngày qua, Việt Nam không có ca mắc mới, đã khống chế được các ổ dịch. Tình hình các ca bệnh nhập cảnh hoặc lây lan đều đã được chống chế nhưng tình hình dịch nói chung vẫn còn phức tạp. Trên thế giới vẫn có nhiều người mắc bệnh, người chết vì COVID-19, nguy cơ bệnh xâm nhập Việt Nam là vẫn còn, kể cả các trường hợp qua đường mòn lối mở không quản lý được hết.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu nhận định, Chính phủ sẽ có "nới lỏng" quy định với các ngành nghề, quy mô, số lượng người tiếp xúc nhưng vẫn phải đảm bảo phòng dịch. Do đó, các bộ, ngành, địa phương phải có hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho dễ thực hiện, dễ kiểm tra, thậm chí xây dựng thành bảng điểm, chấm điểm, nếu không đạt thì xử phạt hoặc yêu cầu đóng cửa trở lại.

Người dân cả nước, nhất là các địa phương nguy cơ thấp, không nên chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. 

Chuyên gia này cũng khuyến cáo người dân vẫn cần tiếp tục thực hiện các nguyên tắc đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Đó là: đeo khẩu trang; tránh giao tiếp quá gần; không tập trung đông người, trong đó đặc biệt lưu ý đối tượng người cao tuổi, người có bệnh lý mãn tính; không ra khỏi nhà khi không thật cần thiết và thực hiện khai báo y tế.

Cần đảm bảo an toàn trường học, nơi làm việc

Học sinh ở nhiều tỉnh, thành phố sẽ trở lại trường học sau thời gian dài nghỉ học để phòng, chống dịch. Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, phải tạo ra được môi trường an toàn và tâm lý tốt cho các em học sinh, phụ huynh về trường học an toàn. 

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo kết hợp xây dựng, ban hành quy định cụ thể để thực hiện trường học an toàn một cách cụ thể, chi tiết với từng đối tượng: giáo viên, phụ huynh, học sinh, việc lau chùi, khử khuẩn bàn ghế, ngồi giãn cách cho đến đeo khẩu trang, rửa tay, đo thân nhiệt. Các em có triệu chứng ho, sốt, đau rát họng... cần được báo với y tế nhà trường và gia đình để nghỉ học.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu khuyến cáo phụ huynh học sinh nên mua cho con em mình một lọ dung dịch rửa tay sát khuẩn để mang theo tới trường dùng. Nhà trường cũng bố trí nơi rửa tay với xà phòng, để dung dịch sát khuẩn, hướng dẫn học sinh thực hiện đúng quy định. Ông cũng đặc biệt lưu ý các trường đại học, trung học có kí túc xá thì cần phải chú ý việc ăn ở, phòng bệnh cho các em học sinh, sinh viên ở nội trú tập trung. Nếu chỉ chú ý thực hiện trên lớp, trường mà không chú ý tới nơi ăn chốn ở bệnh có thể rất dễ lây lan trong môi trường đó.

Thêm vào đó, các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, công nhân làm việc, sinh sống đông cần phải có quy định cụ thể để đảm bảo các biện pháp an toàn cho người lao động. Nhiều nơi đã làm tốt như đo nhiệt độ, bố trí ngồi cách xa, kể cả ăn cơm, đeo khẩu trang. Khi vực ở của công nhân cũng phải có những quy định cụ thể, quan trọng là phải hướng dẫn, tuyên truyền để công nhân biết cách phòng bệnh. 

Tiếp tục duy trì thực hiện các biện pháp phòng bệnh

"Chúng ta không thể chủ quan bởi đã có bài học từ Singapore đã có trường hợp bùng phát dịch bệnh ở những khu lao động tự do nhập cư. Đây là bài học cho chúng ta. Địa phương nào, chỗ nào làm không tốt dịch cũng có thể bùng lên. Phải hết sức chú ý để làm sao phát hiện được kịp thờica bệnh ở những nơi nguy cơ cao, từ đó khoanh vùng, dập dịch ngay, khống chế ổ dịch, không để lây lan", Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Việt Nam đã trải qua giai đoạn giãn cách xã hội nên ý thức của người dân đã được nêu cao. Hầu hết người dân đã đeo khẩu trang, biết cách phòng bệnh, họ cũng đã biết nếu không tuân thủ sẽ bi xử phạt. Đó là điều rất tốt, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu đánh giá.

Tuy nhiên ông cũng cho rằng, tuyệt đối không được chủ quan, thấy tình hình dịch căng là thực hiện nghiêm chỉnh còn khi thấy dịch lui thì chủ quan tăng lên vì dịch còn diễn biến phức tạp dù ta đã đạt được thành công bước đầu. 

"Chúng ta chưa thể khẳng định sự lây lan trong cộng đồng đã hết nên người dân vẫn tiếp tục duy trì thực hiện các biện pháp phòng bệnh đã nêu ở trên. Đặc biệt, với những những người có triệu chứng sốt, ho, khó thở, mệt mỏi không rõ nguyên nhân phải được tư vấn, xét nghiệm phát hiện bệnh, có phương án điều trị phù hợp", Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu nói.

Bước đi phù hợp với diễn biến dịch 

Việt Nam đã làm tốt chiến lược phòng, chống dịch bệnh từ khâu ngăn chặn, cách lý, khoanh vùng dập dịch cho đến điều trị. Đến thời điểm này vẫn cho thấy chiến lược này là đúng đắn và đã được Tổ chức Y tế thế giới, các tổ chức khác đánh giá cao. Quan trọng hơn cả là các hành động phòng chống dịch đều được thống nhất cao từ Chính phủ đến tới người dân. Nhân dân hoàn toàn tin tưởng, ủng hộ các biện pháp này. 

Việt Nam đã có những bước đi phù hợp với thực tiễn diễn biến dịch bệnh, kéo dài giai đoạn các ca bệnh nhập cảnh đến giai đoạn dịch lây lan ra cộng đồng. Việt Nam đã áp dụng rất đúng lúc, kịp thời và quyết liệt việc giãn cách xã hội để phòng bệnh mà không gây hại đến phát triển kinh tế, an sinh xã hội của người dân một cách không đáng có, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu đánh giá.

Việt Nam ngay từ đầu đã áp dụng test kit xét nghiệm, tự sản xuất được test kit, phân lập được virus, trong đó tập trung chủ yếu vào xét nghiệm các đối tượng nguy cơ. Đó là sự tiết kiệm trong khi chưa thể áp dụng được mô hình xét nghiệm quá lớn. 

Về điều trị, Việt Nam áp dụng tốt phương án 4 tại chỗ và đã có những ca bệnh được điều trị thành công ở tuyến huyện. Việt Nam đã có kinh nghiệm từ điều trị SARS nên khi có những ca bệnh COVID -19 nặng, các y bác sỹ vẫn tập trung cấp cứu kịp thời, bệnh nhân nặng đều đã qua giai đoạn nguy hiểm, chưa có ca nào tử vong.

Nhóm P.V

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm