12/11/2017 20:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Dù còn trẻ nhưng tài nghệ và danh tiếng của Lâm Hán Thành (TP.HCM) đã vang xa đến nhiều nước. Trong làng thư pháp Hán Nôm của Việt Nam, Lâm Hán Thành được xem là một truyền thừa đáng ngưỡng vọng.
Anh và các học trò của mình vừa khai mạc triển lãm thư pháp Lâm Hán Thành và học trò tại Trung tâm văn hóa quận 5, TP.HCM.
Triển lãm này cũng là dịp kỷ niệm 5 năm thành lập Ngọc Đức thư uyển, nơi Lâm Hán Thành đã dạy hơn 100 học trò về thư pháp.
Điểm đặc biệt đầu tiên là có 21 bức của nhiều nhà thư pháp quốc tế gửi tặng nhân ngày khai mạc đều được trưng bày trang trọng. Những tác phẩm thư pháp được gửi đến từ các nhà thư pháp đang sinh sống ở Indonesia, Brunei, Malaysia, Cambodia, Peru, Slovakia, Trung Quốc, Mỹ, Argentina, Myanmar, Philippines, Singapore… Điều này cho thấy mối quan hệ và sự ảnh hưởng của Lâm Hán Thành trên thế giới.
Trong nước cũng có 10 bức thư pháp của các tác giả danh tiếng như Trương Lộ, Lý Tùng Niên, Trương Hán Minh, Chu Ứng Xương… gửi tặng nhân dịp này.
"Cái lệ" thú vị này của giới thư pháp là cơ hội để tác phẩm được giao lưu, trưng bày trong dịp đặc biệt.
Bản thân Lâm Hán Thành bày 12 bức, đầy đủ các kiểu chữ như khải thư, hành thư, lệ thư, triện thư và thảo thư, trong đó có 1 bức đại tự gây ấn tượng mạnh đối với người xem. Lần này anh chủ yếu lấy cảm hứng từ kinh sách nhà Phật và văn chương cổ trung đại.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Lâm Hán Thành đã có nhiều tác phẩm thư pháp thành công với thơ chữ Nôm và chữ Hán của Việt Nam.
Anh khá quen thuộc với thơ Trần Nhân Tông, Trần Khánh Dư, Nguyễn Trãi, Nguyễn Phi Khanh, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Du, Cao Bát Quát, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương… Anh cũng từng đưa nhiều truyện cổ tích Việt Nam lên thư pháp Hán Nôm.
Các học trò của Lâm Hán Thành bày 25 tác phẩm, tất cả đều cho thấy sự vững vàng, chắc tay, chứng tỏ việc học hành bài bản, đúng hướng.
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất