Thư nước Mỹ: Đi tiệc cưới ở Mỹ

07/02/2016 08:29 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Ở ta cũng vậy mà ở Tây cũng thế, cưới xin bao giờ cũng là việc trọng đại. Cô dâu ta cô dâu Tây đều lộng lẫy váy trắng tinh khiết, đều muốn mình là người xinh đẹp nhất trong ngày cưới, đều muốn đám cưới của mình diễn ra linh đình và nhận được lời chúc phúc từ gia đình, họ hàng và bạn bè.

Đi dự đám cưới Mỹ cũng được đôi ba lần, tôi thấy đám cưới Tây có nhiều điểm giống mà cũng có nhiều điểm khác đám cưới ta. Nhà mình thì tránh để cô dâu chú rể gặp nhau trước đám cưới, bên Mỹ thì chú rể không được xem cô dâu thử váy cưới. Ở ta, bố mẹ tặng cô dâu chú rể vòng vàng, nhẫn vàng thì bên Mỹ bố mẹ cũng thường tặng đồ trang sức cho đôi trẻ.

Giống như ta, khách ăn cưới cũng bỏ tiền vào hòm, thường là 150 USD một người. 150 USD thì có giá trị thế nào với đời sống người dân Mỹ? Xin thưa, nó đủ cho khoảng 5 người đi ăn buffet hải sản ở một nhà hàng trên mức bình dân, hoặc khoảng nửa tá con tôm hùm mỗi con chừng 1,2 kg.

Lễ cưới của một quân nhân Mỹ

Nhà mình có lễ ăn hỏi, bên Mỹ có lễ ăn tối ngay trước ngày cưới để hai bên gia đình, bạn bè trò chuyện gặp gỡ nhau.

Ở Mỹ có một luật bất thành văn là các chị em cô dì đi đám cưới không được mặc đồ màu trắng. Lý do rất đơn giản: để tôn trọng cô dâu. Ngày cưới là ngày trọng đại của cô dâu, cô dâu có quyền được hưởng mọi sự chú ý.

Mọi người cứ kêu người Mỹ sống nhanh, sống vội, nhưng đám cưới của Mỹ thì thường nhỏ và rất ấm cúng. Đám cưới của Mỹ trung bình chỉ có 100-150 khách mời, lớn cũng chỉ trên dưới 200 thực khách là cùng, và hầu hết đều là những người thân thiết với cô dâu chú rể. Bố mẹ chỉ mời họ hàng và vài người bạn thật thân với gia đình. Hai bên nhà gái và nhà trai tổ chức tiệc cưới chung và người thanh toán là nhà gái.

Đó là một truyền thống, cũng xuất phát từ quan niệm rằng con gái là gánh nặng của gia đình, và sự hỗ trợ về tài chính của bữa tiệc ấy giống như là của hồi môn, và là sự hỗ trợ cho chú rể để vững vàng về tài chính trong thời gian đầu.

Đám cưới của ta, nhất là miền Bắc thường kéo dài khoảng 3 tiếng, và thường được ví von là “cơm bụi giá cao”. Trên sân khấu, mặc cho người dẫn chương trình ca ngợi tình yêu đôi lứa, chúc phúc cho đôi trẻ, mặc cho cô dâu chú rể thề non hẹn biển, cha mẹ hai bên dặn dò con cái, cảm ơn thực khách đến dự, bên dưới khách khứa tranh thủ ăn để còn rút sớm.

Trái lại, bên Mỹ, khách mời có mặt sớm trước khi cử hành hôn lễ, ăn tiệc cocktail (ăn nhẹ) rồi mới đến ăn chính và nhảy nhót, uống rượu tưng bừng đến nửa đêm.


Cô dâu và chú rể được “tung hứng” sau phần nghi lễ   

Đám cưới ở ta, cô dâu chú rể tất bật, hết chào khách, lại đến mời rượu, cụng ly, cả buổi không được chút gì vào bụng. Trong khi đó, cô dâu chú rể Mỹ ăn uống thoải mái, uống rượu, khiêu vũ cùng với khách. Nếu không mặc váy trắng, vest có cài hoa thì nhìn vào sàn nhảy, khó có thể phân biệt được đâu là khách, đâu là cô dâu chú rể.

Người Mỹ vốn được biết tới như là những người sống vội, nhưng khi cần sống chậm thì họ cũng sẵn sàng sống chậm. Người Mỹ lắm khi phải lái xe cả chục tiếng đi, chục tiếng về chỉ để dự đám cưới.

Trái lại, người Việt mình có xu hướng mời thật nhiều khách, bất kể thân sơ, để khách phải “ăn cơm bụi giá cao” trong khi cô dâu chú rể thì chạy sô, mệt phờ.

Nhưng điều gây ấn tượng nhất là khi cha xứ, thày tu hoặc một người bạn (người giữ trọng trách này phải có giấy chứng nhận là được quyền tuyên bố) tuyên bố “Từ nay hai bạn đã là vợ là chồng”, mở ra một chương mới trong cuộc đời của cô dâu chú rể.

Minh Nga (New York)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm