Thư gửi robot Citizen: Thế nào là 'trưởng thành'?

20/09/2019 07:30 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!

Xem chuyên đề "Thư gửi robot Citizen tại đây"

Thư gửi robot Citizen: Chỉ có nhờ sự chia sẻ

Thư gửi robot Citizen: Chỉ có nhờ sự chia sẻ

Sophia thân mến! Là người máy, nhưng chắc Sophia cũng rất hiểu được rằng, máu có một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự sống của một con người.

Vừa qua, tại phiên họp UB Thường vụ Quốc hội ở Việt Nam chúng tôi, các đại biểu đã đóng góp ý kiến liên quan đến Luật Thanh niên sửa đổi. Một trong những ý kiến đang được bàn luận sôi nổi chính là đề xuất của ông Nguyễn Khắc Định - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật.

Ông Định đề xuất nghiên cứu nâng độ tuổi thanh niên lên 35 hay 40 tuổi, vì quy định độ tuổi thanh niên 30 tuổi thì quá thấp. Ông cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, đã là công dân toàn cầu thì thanh niên cũng cần toàn cầu. Do vậy, sửa luật lần này phải làm sao tháo gỡ được khó khăn, bất cập và cả những cái yếu của thanh niên.

Chúng ta đều biết rằng khi nói đến thanh niên là mọi người đang nói đến thế hệ trẻ. Đây là những đối tượng có sức khỏe tốt, có nhiệt huyết. Theo luật Việt Nam hiện hành, thanh niên là từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi. Các nước cũng có những quy định rất khác nhau về độ tuổi này, có nước quy định “trần” của tuổi thanh niên là 29, nhưng cũng có nước quy định tới tận tuổi 40.

Tất nhiên, thanh niên thì ở trong ngưỡng tuổi như vậy nhưng liệu có phải cứ đến tuổi thanh niên là đã trưởng thành? Thế nào thì mới gọi là trưởng thành?

Chú thích ảnh
Ảnh: Internet

Sophia thân mến!

Theo một số chuyên gia tâm lý học, trưởng thành thực chất là đạt đến một sự hoàn thiện nhất định trong quá trình phát triển của con người. Điều mà nhiều người hay nhầm lẫn, đó là cho rằng “lớn tuổi” đồng nghĩa với việc đã trưởng thành. Thực tế cuộc sống chỉ ra rằng đó chưa phải là câu trả lời chuẩn xác. Cái cần thiết cho cuộc sống chính là trưởng thành về mặt nhận thức (bao gồm tâm lý, văn hóa xã hội…), mà điều này thì phải phụ thuộc vào môi trường sống, vào sự giáo dục từ gia đình đến nhà trường và việc tự học của từng người.

Quan sát trong đời sống và qua những trải nghiệm, tôi cho rằng người trưởng thành có thể cần rất nhiều yếu tố, kỹ năng nhưng trong đó chắc chắn phải có được tính tự lập.

Trong tác phẩm “Trau dồi nhân cách”, khi nói về tự lập, tác giả viết rằng: “Tự lập là tự mình gây dựng lấy, không phải nương tựa, ỷ lại vào ai. Người tự lập nhờ ở tài của mình đã đành nhưng phần lớn dựa vào ý chí mình… Muốn tự lập phải trừ khử được cái thói ỷ lại vào gia đình, họ hàng, vào bạn hữu và nơi quyền quý, không chịu tự lực mưu sinh, cam chịu cái phận ăn gửi sống nhờ, vô ích cho gia đình, cho xã hội…”

Xem trong thế giới động vật, một số loài thú ăn thịt cũng có những bài học tự lập hay. Ví dụ như sư tử, khi con đã đến tuổi có thể tự kiếm ăn, bố mẹ ngay lập tức phân chia lãnh thổ, không cho phép sư tử con quay lại với gia đình mà buộc phải tự mình đi kiếm mồi hàng ngày, phải rèn luyện và vận dụng các kỹ năng của loài săn mồi ra để kiếm ăn, nếu không chỉ có nhịn đói.

Đối với nhiều quốc gia trên thế giới, khi đã đủ 18 tuổi, nhiều bạn trẻ cũng phải tự lo tìm việc làm thêm để có tiền mua sắm đồ dùng cá nhân và học thêm các kỹ năng cần thiết để có thể tự lập cho cuộc sống sau này.

Các cụ xưa có câu: “Tam thập nhi lập” nghĩa là 30 tuổi rồi, phải sống tự lập thôi, đừng có dựa vào cha mẹ hay anh em người thân, hãy tự làm lấy mà ăn.

Bản thân tôi, sau khi xuất ngũ trở về thì cũng phải khăn gói ra ngoài tự lo cuộc sống, tìm việc làm. Hoàn cảnh gia đình khó khăn cho nên tôi cũng chẳng dựa được vào ai. Vừa phải lo chỗ ở, tìm việc làm rồi lo tiết kiệm tiền để đi học, nói thật nhiều lúc cũng rất vất vả, không ít lần tối đi học về hết tiền ăn, đói bụng đi ngủ. Nhưng đổi lại, khi đã vượt qua được bản thân,lại thấy tự tin hơn, có bản lĩnh hơn khi gặp những khó khăn tiếp theo. Và quan trọng nhất là mình được tự do, chủ động mọi công việc, không bị áp đặt. Việc tự hoàn thiện giúp cho cá nhân có ý thức vươn lên và buộc phải chịu khó học hỏi, phải tự tìm hiểu kiến thức vừa phục vụ cho công việc nhưng cũng chính là giúp cho mình có thêm các kỹ năng sống.

***

Rất có thể, đề xuất tăng độ tuổi của thanh niên lên 35 - 40 tuổi của vị đại biểu Quốc hội nêu trên là mong muốn tăng thêm lực lượng trẻ đóng góp và cống hiến cho xã hội.

Tuy nhiên, như một bài viết đã cho rằng, cái chính mà bất cứ xã hội nào cũng cần ở những người trẻ là sự trưởng thành chứ không phải chỉ là những thanh niên trong độ tuổi quy định. Một người trẻ đã trưởng thành có thể chưa có được những đóng góp gì cho cộng đồng nhưng ít nhất thì anh ta cũng tự lập làm ăn, trước mắt là nuôi sống được chính bản thân mình và tiếp tục học tập để vươn lên.

Không dựa dẫm hay bám víu vào ai, không phải là gánh nặng của gia đình. Luật thanh niên sửa đổi có thể định hướng và giúp cho họ có thêm các điều kiện tốt hơn để phát triển và cống hiến. Có lẽ đấy mới là điều mà chúng ta mong muốn. Có phải vậy không Sophia?

Xin chào, hẹn gặp lại thư sau.

Quốc Thắng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm