20/05/2022 07:44 GMT+7 | Văn hoá
“Hội An không là quê/ Mà là hương, khổ thế/ Quên quê, ai có thể/ Hương ư? Ôi dễ gì…;/ Yêu ở đâu thì yêu/ Về Hội An xin chớ/ Hôn một lần ở đó/ Một đời vang thủy triều”.
Bài thơ cực trẻ trung, “dễ thương” phải không? Ý nghĩa bài thơ lại rất mở để độc giả có thể “đồng sáng tác” theo nhiều tầng thức. Một Hội An kín đáo, tinh tế, bình yên. Một Hội An mà ngay cả khi yêu, giận hờn, trách móc cũng khác thường: “Anh là khỉ chùa Cầu”/ Mắng xong anh, em khóc/ Hương chùa hay hương tóc/ Mắng khỉ mà người đau”.
Bất cứ đô thị cổ nào cũng thế, nhất là tầm di sản văn hoá thế giới, đều chứa đựng dưới lòng đất cũng như tận thẳm sâu thẳm tâm hồn người những trầm tích, “mật ngữ” mà chỉ có họ mới giải mã được. Mọi người phải tôn trọng các tập quán của đô thị đó, tránh đến mức thấp nhất việc tác động đến nó, nếu như không muốn bị phản ứng đến “vang thuỷ triều”! Bởi, ai đó có hành vi, lời nói lệch chuẩn thì không chỉ người dân sở tại lên án mà cộng đồng đều có xu hướng đứng về phe “di sản”.
Vụ “vang thuỷ triều” gần nhất là bức ảnh Giáng My, Hoa hậu đền Hùng, “ngồi lên nóc nhà cổ Hội An”. Sau khi bức ảnh này lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người đã lên án mạnh mẽ, cho rằng đây là hành vi phản cảm, làm tổn hại đến di tích. Người ta cũng liên hệ ngay đến vụ trèo lên mái nhà cổ chụp ảnh cưới cách đây ít năm. Tất nhiên, trong các cơn bão chỉ trích về cách tạo dáng thiếu tế nhị trên vẫn có một số ý kiến cho rằng đã là thời đại 4.0 rồi mà người Hội An vẫn còn quá nhạy cảm, quá dễ bị tổn thương, thậm chí có phần cổ hủ.
Hoa hậu Giáng My sau đó đã lên tiếng rằng dư luận bức xúc như vậy là do chưa hiểu rõ sự tình, và rằng địa điểm cô chụp bức ảnh gây tranh cãi nằm ở sân thượng, có ống khói nhân tạo chứ không phải mái nhà như nhiều người chỉ trích…
Nếu quả là như vậy thì tôi vẫn thấy, cho dù mái nhà cổ trong bức ảnh chỉ là mô hình, và tuy nhân vật không xâm phạm về mặt vật chất đối với di tích cổ, nhưng rõ ràng ê-kíp chụp ảnh có sử dụng hình ảnh nhà cổ vào một mục đích khó có thể coi là “thuận” về mặt văn hóa được. Việc tạo dáng bằng cách ngồi lên “mô hình” mái nhà cổ chắc chắn là một “tối kiến”.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch thành phố Hội An cho biết, thời gian tới thành phố Hội An sẽ kiến nghị với UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quy chế về những hành động không đẹp đối với phố cổ vào diện cấm. Có lẽ đây là giải pháp khả thi nhất để “bảo vệ” Hội An.
Sophia thân mến!
“Phép vua thua lệ làng”, bạn có là ai nhưng đến làng nào đó đều phải tuân thủ cái lệ, nếu không muốn bị tẩy chay. Huống chi, Hội An là “làng” di sản thế giới, chúng ta cần tôn trọng sự trang nghiêm, nền nã, lịch lãm của nơi này. Bản thân tôi không đồng ý việc tạo dáng bằng cách ngồi lên mô hình mái nhà cổ. Thiếu gì cách tạo dáng sáng tạo hơn, mà lại tôn vinh được vẻ đẹp của cả con người và kiến trúc? Đó là chưa kể, với người Việt Nam, chuyện văn hoá trong cái nhà nó tinh tế lắm, chỗ nào là chỗ linh thiêng trong nhà, còn đàn bà con gái phải đi lại như thế nào, đứng ngồi ở đâu…, đã được dạy kỹ từ nhỏ.
Nên nhớ, Hội An vẫn tồn tại nhịp sống, nếp văn hoá như một cái làng. Một lần về nhà bà cô ở, đêm đã khuya, khung cảnh hữu tình thôi xách sáo ra thổi. Sáng mai cà phê, cô bạn nhà tít ngoài bìa phố cổ hỏi: “khi tối tui nghe tiếng sáo, ông thổi chứ ai vô đây?”.
Thế đó, Hội An nhỏ như lòng bàn tay, rất dễ rung cảm nên bạn chớ có làm gì ồn ào ở nơi này.
Tạm biết Sophia và hẹn thư sau!
Hữu Quý
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất