27/05/2022 06:08 GMT+7 | Văn hoá
Sophia thân mến! Không chỉ trong nghị trường mà nhiều phụ huynh chúng tôi mấy ngày qua đang nóng rần rần chuyện giá sách giáo khoa (SGK) của chương trình giáo dục phổ thông mới tăng gấp 2 - 3 lần so với sách của chương trình hiện hành.
Trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, sở dĩ bộ sách giáo khoa mới đắt gấp 2-3 lần sách cũ là do sách mới có khổ lớn hơn, giấy tốt hơn sách cũ. Điều đáng lưu ý là quy trình từ biên soạn cho đến giới thiệu, thử nghiệm, phát hành là các doanh nghiệp hoàn toàn đảm nhiệm và kê khai giá với Bộ Tài chính.
Trong khi đó, đại diện NXB Giáo dục Việt Nam lý giải cặn kẽ hơn. SGK sẽ do nhiều đơn vị tham gia biên soạn, xuất bản, nhiều yếu tố phải tham chiếu để xây dựng SGK, đủ thứ chi phí nên giá sách cao hơn.
Dù bức xúc nhưng các phụ huynh chúng tôi chắc chắn cũng không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc… bấm bụng xuất tiền mua SGK cho con em mình.
Có lẽ không ở đâu như ta, câu chuyện SGK liên tục trở thành điểm nóng dư luận, từ nội dung đến hình thức và giá cả. Chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách” là phù hợp với xu thế thời đại nhưng thực tế triển khai thì vô hình trung lại khiến nhiều người trong chúng tôi ước ao “bao giờ cho tới ngày xưa”.
SGK ngày xưa đó không được in ấn trên chất liệu tốt như bây giờ, nội dung đơn giản, nhưng từ hình vẽ đến những câu văn, đoạn thơ được đưa vào đều rất dễ hiểu, trong sáng và có hồn, khơi gợi bao cảm xúc.
Khung cảnh học hành ngày xưa sao mà đẹp đẽ êm đềm. Chúng ta chưa cần phải trở về những năm tháng đã thành “cổ tích”: Hôm qua anh đến chơi nhà/ Thấy mẹ dệt vải, thấy cha đi bừa/ Thấy nàng mải miết xe tơ/ Thấy cháu i tờ ngồi học bi bô…”; mà ngay trong thời học trò của chúng tôi thôi - những năm bao cấp, đầu Đổi mới - những giờ phút học bài vẫn là niềm vui sướng, háo hức khi được đi vào một thế giới mới tràn ngập màu sắc, tràn ngập tình thương và tiếng cười. Nhớ những khung cảnh làng quê bình yên mỗi chiều tối. Tiếng trẻ con ê a tự học bài, bố mẹ đi làm đồng về vào bếp thổi cơm. Làn khói thơm quyện trên mái tranh lan tỏa khắp thôn trang thật đẹp.
Còn bây giờ, mỗi khi ngồi vào bàn học là cả bố mẹ lẫn con cái đều căng thẳng khi kiến thức quá phức tạp. Số đầu sách SGK, sách tham khảo quá nhiều. Có môn học đến 11 cuốn sách, như môn Mỹ thuật lớp 10 năm học 2022 - 2023, có lý giải kiểu gì cũng thấy hoang mang.
Ngày xưa trong các gia đình, khi anh, chị học xong thì SGK được chuyển cho các em “thừa hưởng’. Tôi còn nhớ như in cảnh lấy giấy báo bọc lại bìa các cuốn SGK cũ, vuốt thật phẳng phiu rồi tung tăng tới trường. Những bức tranh, bài thơ, áng văn trích trong SGK cũ đeo đuổi thế hệ cũ như những hoài niệm tuyệt vời nhất của tuổi học trò.
Sophia biết không?
Vì sao giá SGK “nhảy múa”? Đấy là vì hiện nay, SGK không thuộc danh mục mặt hàng do nhà nước định giá, bình ổn giá, mà thuộc danh mục mặt hàng do doanh nghiệp kê khai giá theo quy định của Luật giá. Do đó, SGK mang yếu tố thị trường đậm đặc, chứ chưa hẳn vì chất lượng giáo dục. Thực tế, người học chỉ cần một số cuốn căn bản, song người bán SGK vẫn đưa vào và bán được cả bộ nên rất có lợi. Kinh doanh SGK luôn ăn nên, làm ra là vậy.
Với một nền giáo dục tiên tiến, ưu tiên hàng đầu là tính ổn định của hệ thống SGK. Mặt khác, các chính sách giáo dục quan trọng đều hướng tới việc giảm chi phí cho học sinh, thúc đẩy sự công bằng và hướng tới nền giáo dục tiên tiến, toàn cầu.
Ta thì cứ loay hoay, ngay cả chuyện dạy lịch sử thôi đã mất quá nhiều thời gian.
Tạm biệt Sophia và hẹn thư sau!
Hữu Quý
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất