12/03/2021 07:13 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Lá thư tuần này, tôi xin được chia sẻ với cô về một chủ đề đã cũ nhưng lại đang gây bức xúc cho người dân. Đó là “vấn nạn” karaoke.
Từ khá lâu rồi, karaoke vẫn bị xem là một dịch vụ nhạy cảm về nhiều mặt, cần quản lý chặt chẽ, trong đó có việc phát sinh ra tiếng ồn. Nhưng có lẽ chỉ đến thời đại 4.0 này, do sự bùng nổ của các thiết bị âm thanh giá rẻ, cơ động mà các kiểu karaoke tự phát ngày càng lan tràn trong các gia đình, trên các đường phố, các quán nhậu...
Ô nhiễm tiếng ồn từ karaoke là có thật. Trên báo chí, BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết cường độ âm thanh ở mức trung bình trên dưới 50dB nằm trong ngưỡng chấp nhận được đối với người dân, nhưng từ 80dB trở lên thì có thể gây điếc. Theo tính toán, những tiếng hát từ thiết bị hát karaoke có khuếch đại thì cường độ lên tới 110dB, gần gấp đôi bình thường.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu không để vấn nạn tiếng ồn từ karaoke ảnh hưởng đến người dân. Ông chia sẻ: "Khoảng 10h đêm, qua điện thoại, tôi nhận rất nhiều phản ánh về vấn nạn tiếng ồn từ hung thần karaoke tự phát".
Sophia thân mến!
Karaoke là một loại hình giải trí có nguồn gốc từ Nhật Bản, được du nhập vào Việt Nam đầu những năm 1990. Nhớ lại những ngày đầu vào Việt Nam, karaoke là một thứ gì đó rất mới mẻ, lạ lẫm…để rồi sau đấy nó nhanh chóng trở thành một thú vui được ưa thích. Phong trào hát karaoke len lỏi vào các con phố, ngõ xóm. Cũng nhờ có karaoke, nhiều ca sĩ trẻ đã được phát hiện. Còn chúng tôi khi ấy, vì đang học tiếng Anh cho nên có dịp đi hát karaoke là tranh thủ chọn những bài hát nước ngoài mình yêu thích để thể hiện. Vừa là học ngoại ngữ đồng thời cũng là giải trí. Hát lần đầu chưa hay thì hát lại lần 2, lần 3… đến lúc thuộc làu lời mới thôi.
Về bản chất thì karaoke là loại hình giải trí lành mạnh. Nhưng theo thời gian, vì nhiều lý do khác nhau mà karaoke dần trở thành “vấn nạn”.
Đầu tiên là việc một số cơ sở kinh doanh karaoke vi phạm các quy định về phòng chống cháy nổ, gây ra các vụ hỏa hoạn kinh hoàng. Rồi tình trạng thiết kế tận dụng phòng hát không đảm bảo quy định, thiếu ánh sáng, hay địa điểm kinh doanh karaoke quá gần các trường học, bệnh viện, di tích lịch sử văn hóa, các cơ quan nhà nước… Đặc biệt, trong quá trình hoạt động, vì mục đích lợi nhuận, nhiều cơ sở kinh doanh karaoke đã biến tướng thành nơi chơi bời, chứa chấp tệ nạn xã hội...
Thời gian gần đây, vấn nạn karaoke lại chuyển biến sang chiều hướng khác. Ấy là tiếng ồn karaoke hầu như không phát sinh từ các quán kinh doanh karaoke "chuyên nghiệp" mà chủ yếu từ hộ gia đình ở các khu phố, xóm ấp, tự mua các thiết bị karaoke về ca hát và "tra tấn" lỗ tai hàng xóm. Hoặc phát sinh từ các quán ăn ngoài trời, từ những người bán hàng rong kéo loa thùng hết chỗ này đến chỗ khác...
Sophia thân mến!
Cuộc sống luôn biến chuyển không ngừng, karaoke cũng vậy. Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm quản lý các quán karaoke "chuyên nghiệp" rồi, nhưng còn các kiểu karaoke "tự phát" thì còn tương đối mới, và do đó, cần phải "update" các chế tài, các phương pháp quản lý tương thích… Đó là đòi hỏi tất yếu từ cuộc sống.
Theo dõi trên báo chí tôi thấy rất nhiều địa phương "than" khó vì không có máy đo tiếng ồn để xử phạt karaoke tự phát. Vậy thì phải làm sao? Phải tuyên truyền nhắc nhở như thế nào với các hộ gia đình hát karaoke ảnh hưởng đến hàng xóm? Phải vận dụng linh hoạt các văn bản pháp luật nào?
Rõ ràng, phải bắt kịp với sự thay đổi của karaoke thì mới có thể đưa loại hình giải trí này trở lại đúng với bản chất tốt đẹp ban đầu của nó.
Xun chào Sophia, hẹn gặp lại thư sau!
Quốc Khánh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất