Thư EURO: Nhớ cụ Victor Hugo

06/07/2016 15:13 GMT+7 | Euro ở Việt Nam

(Thethaovanhoa.vn) - Ở Paris, nơi đâu cũng thấy hình bóng của Victor Hugo. Dấu ấn của ông quá sâu đậm để rồi bước chân chúng tôi đến nơi đâu cũng ngỡ như ông đang nhìn mà nheo mắt cười hiền hậu: Paris xin chào!

1. Trời đã xế chiều, hai anh em chúng tôi đến Bảo tàng Maison de Victor Hugo, nằm ở quảng trường Vosges, thuộc quận 4. Đây từng là nơi nhà văn Victor Hugo sinh sống từ năm 1832 đến 1848. Ông ở tầng hai và sáng tác nhiều tác phẩm nổi tiếng, bao gồm cả “Những người khốn khổ”.

Chúng tôi không đi đường chính, không vội “thăm cụ”, mà men theo con ngõ đường Rue de Beearn. Để thăng hoa hơn, hai anh em gọi hai ly rượu vang, ngồi nhắm với quả ô liu muối. Ngắm những chú chim sẻ đang nhảy lon ton trên đường nhỏ. Chiếc xe đạp cũ kỹ khóa bên lề đường. Góc phố, một đôi bạn trẻ đang hôn nhau say đắm. Có lẽ họ vừa bước ra từ “nhà cụ”. Nụ hôn của họ như rơi tõm vào ly rượu vang làm kẻ xa lạ bỗng dưng chuếch choáng.

Làm thế nào mà môi họ gặp nhau? Làm thế nào mà chim hót, tuyết tan, hoa hồng nở và bình minh bừng sáng sau những hàng cây ảm đạm trên đỉnh đồi đang run rẩy? Một nụ hôn, và chỉ vậy thôi”, Victor Hugo từng viết vậy. Tuy cụ yêu nhiều, tả các cung bậc tình yêu cũng đẹp, nhưng soi hoài các trang văn diễm tuyệt, rất ít khi thấy ông tả chi tiết về nụ hôn, vốn là phong vị của con người xứ lục lăng.

Mà chúng tôi (và có lẽ nhiều người) thì mê say cảnh các chàng trai, cô gái Pháp ôm hôn nhau, lãng mạn không kể xiết.

Như lúc này đây, trên các thảm cỏ xanh mướt mênh mông của quảng trường Vosges, hàng trăm bạn trẻ đang tình tự bên nhau. Nhiều đôi đang hôn nhau say đắm. Cũng rất nhiều người đang có mặt, đa số chỉ để thư giãn. Tất cả tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp đầy tươi mát của cuộc đời, hiện ra trong ráng chiều rực rỡ.

Chúng tôi lại hình dung trên cửa sổ, tầng 2 ở tòa nhà số 6, cụ Victor Hugo đang ngậm tẩu thuốc nhìn tha nhân, rồi bằng lòng khi thấy cuộc sống dù sao đang được cải thiện hơn, thi vị rất nhiều so với cái thời ngột ngạt của cụ.

“Tôi đã cúi xuống đáy xã hội quan sát và đó là tất cả việc làm của tôi. Tôi muốn tiêu diệt định mệnh tàn ác đè nặng lên nhân loại. Tôi bẻ gãy ách nô lệ. Tôi săn đuổi sự nghèo đói, tôi đẩy lùi sự dốt nát, tôi làm nhẹ bớt bệnh tật. Tôi chiếu sáng cõi tối tăm. Tôi không thìn thấy sự thù hằn. Đấy là thâm ý của tôi và vì vậy tôi đã viết “Những người khốn khổ” ”.

Mỗi người có một cảm nhận, nhưng dù sao văn cũng là người. Đọc văn Victor Hugo, thấy ông không có nhiều khoảnh khắc sung sướng. Ngay cái khoản tình yêu, ông cũng yêu “bạt mạng”, và đã yêu nhiều thì các giai nhân đâu để ông yên, ai cũng muốn sở hữu.

Và có thăm bảo tàng, mới thấy ông cũng là người có quá nhiều đam mê. Người đẹp, dĩ nhiên, những tranh ảnh, đồ cổ, các vật dụng bài trí cho cuộc sống đời thường tỉ mỉ, tinh tế từng chi tiết…, làm sao người phụ nữ nào có thể từ chối một “gã đàn ông” vừa tài ba, phong tình lại thú vị đến như thế cơ chứ?

Hình ảnh Đại văn hào bên cửa sổ nơi ở

2. Hai anh em lại lang thang ra Nhà thờ Đức Bà Paris. Lúc này thì nắng đã sắp tắt. Trước quảng trường nhà thờ, dòng người tấp nập. Người ta kéo đến tấm bảng đồng nhỏ gắn trên mặt đất, có dòng chữ: “Điểm số 0 của các con đường nước Pháp”. Tấm bảng này có lời nguyền: Ai đến Paris, đặt một đồng tiền rồi đặt chân lên tấm bảng này, người đó sẽ có cơ hội trở lại nước Pháp.

Tấm bảng đồng đã mòn vẹt. Chúng tôi cũng đặt cả tay lẫn chân vào bảng, nhưng quên mang đồng xu, liệu có thể quay lại Pháp không? Tự nghĩ, giờ đâu phải khó khăn việc đến Pháp quá đâu. Cứ lựa lúc vé máy bay khuyến mãi cực đại, tầm 15 triệu là có thể sang Paris. Ăn chơi nhảy múa mấy thằng bạn phải lo, ngán gì không đi!

Du khách cứ đặt chân lên bảng đồng, cùng tiền xu, rồi thả hồn mơ ước. Khi họ vừa quay ra, thì mấy anh thanh niên nhập cư to cao lừng lững vọt đến nhặt hết bỏ vào túi. Có thánh nào “vật” các tay ba trợn này đâu.

Càng xâm xẩm, nhìn ngôi vườn um tùm sau lưng nhà thờ, cùng các mái vòm đầy những ánh mắt nhìn của các loại tượng, càng kỳ bí. Có cảm giác lành lạnh sống lưng, tựa hồ như trên mái nhà thờ kia, chàng gù Quasimodo đang cắp ngang thân hình mềm như nhung của nàng Esméralda vọt nhảy chạy trốn kẻ thù.

Đọc những chuyện tình của Victor Hugo càng thấy buồn man mác. Nhưng anh gù ơi, dù anh là quái thai nhưng vẫn còn sướng chán, khi được ôm xác nàng Esméralda để chết trong hầm mộ, để tan thành tro bụi khi người ta cố tách hai bộ xương ra, lúc khai quật. Tình yêu đơn phương như thế có thể gọi là mãn nguyện, siêu thoát.

Nhớ trước khi lìa xa nhân thế, Hugo di chúc lại: "Tôi cho các kẻ nghèo 50.000 quan. Tôi ước mong được mang tới nghĩa trang trong quan tài của người nghèo khó. Tôi từ chối các lời cầu nguyện của tất cả các nhà thờ”.

Cụ Victor Hugo, ngay tại Nhà thờ Đức Bà Paris, xin nhận ở những kẻ hậu bối đến từ xa lắc một lời cầu nguyện. Những áng văn của cụ thực sự khai sáng tâm hồn bao người - về tình yêu con người, tình yêu cuộc sống, yêu cái chân-thiện-mỹ.

Chính trên quảng trường nhà thờ này, cách mốc số 0 vài chục mét, Vitor Hugo đã “cho” ai đó vứt lại một sinh linh quái thai là chàng gù, để phó Giám mục Frollo đưa vào Nhà thờ Đức Bà nuôi. Cụ cũng cho nàng Esméralda có thân phận là người múa rong, ngay trước nhà thờ.

Mọi con đường nước Pháp xuất phát từ tấm bảng đồng cột mốc số 0 này

Lúc này thì trời tối hẳn. Một chàng thanh niên múa rong đưa đồ nghề ra, và biểu diễn. Các tiết mục múa lửa ma mị, khiến du khách cho tiền rất nhiều. Giá như thay chàng trai bằng một cô gái, thì đích thị đó là nàng Esméralda hiện thân.

Mới đây, ngay tại vị trí này, một anh chàng múa rong vô gia cư đã tham gia cuộc thi tài năng nước Pháp, và đoạt giải với 500 nghìn EURO. Sau đó đổi đời, anh ta vẫn quay lại Nhà thờ Đức Bà để tiếp đời múa, mua vui cho thiên ạ. Nhưng mấy tuần nay, anh chàng đã “biến đi đâu”, một ông cụ cho biết khi chúng tôi hỏi.


Hữu Quý- Việt Sơn (Từ Paris)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm