Thư EURO: Bên dòng sông Seine

09/06/2016 07:26 GMT+7 | Ký sự Euro

(Thethaovanhoa.vn) - Chuyến bay đưa chúng tôi đến Paris khi đã ngả sang chiều. Trời hạ vàng nhưng mát dịu. Không còn gì xúc động hơn khi đang loay hoay ngoài sảnh đợi thì đã thấy cái vỗ vai: “Chào mừng chú đến Paris!”. Anh Việt Sơn, phóng viên Cơ quan Thường trú TTXVN tại Pháp đã đến đợi đón tôi từ lâu. Một cảm giác xúc động đến khó tả.

Xe chạy đường vành đai, ngang qua sân vận động Stade de France trứ danh, nằm ở ngoại ô Paris. Nhìn bên ngoài, sân cũng khá cũ kỹ, thiếu hoành tráng. Những ngôi nhà chung cư nhìn cũ kỹ, thuộc về thế giới của người nghèo, như nét tương phản của xã hội hiện đại Pháp còn nhiều phân hóa. Hết đường vành đai, qua Khải Hoàn Môn, tôi đã lọt thỏm ở một Paris đúng nghĩa. Những con phố nhà không chọc trời, thay vào đó là nét cổ kính trầm mặc của những tòa nhà có tuổi đời hàng trăm năm. Điều làm nên thương hiệu của Paris, nằm ở chỗ những giá trị có tính vượt thời gian.

“Anh cho em loanh quanh sông Seine, cho em cảm nhận dòng sông này chút”. Tôi sốt sắng. Anh Sơn đỗ xe để tôi tản bộ ra bờ sông. Phút chốc, tôi đã đứng trên cầu Alexandre-III, một cây cầu đẹp nhất ở địa phận Paris, đối diện điện Invalides cũng- bảo tàng vũ khí và lăng quân đội. Đây cũng là nơi an nghỉ của hoàng đế Napoléon Bonapart. Người đã từng “đạp cả Châu Âu dưới gót ngựa”, tạo cảm hứng cho không ít thanh niên cả thời bình lẫn chiến.

Trong một buổi chiều nắng dát vàng, trời se se lạnh, cảm giác như nghẹt thở khi được nhìn ngắm dòng sông Seine thơ mộng. Xa xa là tháp Eiffel lừng lững. Dưới sông, những chiếc du thuyền ngược xuôi như mắc cửi. Trận lụt kinh hoàng đã biến màu nước ngả vàng đất, thay vì xanh biếc như mắt cô gái Paris.

Hỡi sông Seine, chỗ nào Jean Valjean, sau khi xuyên các cống ngầm vác theo Marius, chạm trán thanh tra Javert trong Những người khốn khổ. Và chỗ nào, Javert đã gieo mình tự tử chấm dứt một cuộc đời đầy tội lỗ của mình?

Nhìn những đôi tình nhân dìu nhau đi bên sông, lại nhớ Cửu Long Giang. Nhớ đến mối tình Việt- Pháp giữa nữ nhà văn lẫy lừng Marguerite Duras và chàng trai miền Tây Huỳnh Thủy Lê, để ra đời thiên tiểu thuyết cũng như bộ phim cùng tên dậy sóng nước Pháp: L’Amant (người tình). Một ngày năm 1971, giữa thủ đô Paris tráng lệ của nước Pháp, đã hơn “thất thập cổ lai hy”, đôi tình nhân này đã gặp lại nhau, tay trong tay bên dòng sông Seine, sau bao đắng cay của một tình yêu dữ dội bị chia lìa. Trong tất cả các chuyện tình xuyên Việt, đây mới là chuyện tình nổi tiếng nhất mà bạn nên một lần đọc L’Amant, để hiểu thêm về cái gọi là tình yêu!

* * *

Thật lạ lùng sao không khí EURO không bốc hỏa như mọi người suy nghĩ. Người dân Pháp đúng là ít quan tâm đến bóng đá. Từ sân bay về trung tâm, rất ít băng rôn, khẩu hiệu liên quan đến EURO. Chúng tôi đến khu fanzone, dưới chân tháp Eiffel. Khu dành cho fan hâm mộ không may mắn có vé rộng mênh mông. Ước tính khoảng có 120 nghìn CĐV sẽ theo dõi các trận đấu. Đã sát ngày khai mạc, vẫn chủ yếu là người của Ban tổ chức. Một nhóm người hâm mộ ngoại quốc đến đăng ký những tấm phiếu để vào, nhưng cũng không dễ dàng.

Cảnh sát, tình nguyện viên, công nhân vệ sinh, kỹ sư… đều hăng hái hoàn thành những công đoạn cuối cùng để kịp cho ngày hội bóng đá. Anh Kverkvelia, đến từ Albania cho biết: ““Tôi rất vui khi được đến thủ đô Paris để cổ vũ cho đội nhà trận ra quân gặp Pháp. Mặc dù tôi đã nỗ lực rất nhiều những không mua được vé, đành phải đến khu fanzone cổ vũ. Công tác an ninh nhìn chung có vẻ tốt. Tôi nghĩ mọi chuyện đều ổn, xem bóng đá ở đây cũng rất tuyệt vời. Tôi tin chúng tôi sẽ đánh bại Pháp”. Trong khi đó, anh Nicolas Machel đến từ Thụy Sỹ tâm sự: “ Tôi rất ghét Holigoon, trước khi sang đây gia đình tôi cũng cảnh báo là phải cẩn thận. Dù thế, tôi nghĩ mọi chuyện sẽ ổn. Tôi yêu nước Pháp, trân trọng những nỗ lực của đất nước này. Thụy Sỹ sẽ tiến sâu ở EURO này”.

Thoắt cái chiều đã muộn. Tôi rút sáo trúc, thổi một khúc Việt Nam Quê Hương tôi ngay dưới chân tháp Eiffel. Nhiều người qua đường nán lại nhìn ngó, ra vẻ thích thú. Có sao đâu, tôi muốn tiếng sáo của tôi, bay vút đến ngọn tháp, hòa tan vào dòng sông Seine, vượt ngàn trùng về quê hương yêu dấu tôi.

Hữu Quý (Từ Paris)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm