Sách ảnh song ngữ Anh Việt chụp 'lạ' về Trường Sa

14/06/2014 14:39 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Trăng rằm trên đảo Song Tử Tây hay nụ cười tự tin ẩn chứa bản lĩnh cứng cỏi của người lính Trường Sa là những hình ảnh được khắc họa qua bộ sách ảnh 2 tập Đến với Trường Sa.

Bộ sách ảnh Đến với Trường Sa do nhóm tác giả gồm KTS Đoàn Bắc, nhà báo Nguyễn Hồng Kỳ - Giám đốc Trung tâm ảnh TTXVN, Thượng tá Nguyễn Văn Toàn – Phó Tổng biên tập báo Hải Quân và nhà báo Trần Quang Minh – Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện với tiêu chí “mới, lạ và dung dị”.

Bộ sách ra đời từ ý tưởng của KTS Đoàn Bắc năm 2012, do NXB Thông tin Truyền thông tổ chức thực hiện. Dự kiến, sách sẽ phát hành vào tháng 8 năm nay. 1.000 bản sẽ được đưa ra Trường Sa và 1.000 bản đưa đến các cơ quan đoàn thể Việt Nam mang tặng các tổ chức đối tác nước ngoài.

Trăng rằm trên đảo Song Tử Tây

Theo KTS Đoàn Bắc trong buổi chia sẻ với TT&VH, NXB Thông tin và Truyền thông đã đặt ra 3 tiêu chí cho bộ sách: mới, lạ và dung dị nhất. Bộ sách sẽ cập nhật hình ảnh mới nhất về cuộc sống của nhân dân, chiến sĩ trên đảo Trường Sa. Riêng KTS Đoàn Bắc 2 lần liên tiếp ra Trường Sa trong tháng 4/2014 để chụp ảnh. Tổng cộng, anh có 33 ngày và đi đến tất cả các đảo thuộc quần đảo.


KTS Đoàn Bắc ở đảo Phan Vinh, hòn đảo mang tên người anh hùng là thuyền trưởng của nhiều con tàu không số.

Với tiêu chí “lạ”, sách cung cấp những hình ảnh không theo lối mòn. “Tôi muốn công chúng biết đến một Trường Sa không chỉ là các đoàn người ra thăm tặng quà cho người dân trên đảo hay hình ảnh người lính đang giữ chủ quyền, mà còn là những hình ảnh khác” – anh Bắc nói với TT&VH.

“Chẳng hạn, tôi chụp nụ cười tự tin của một anh lính mà đằng sau đó là bản lĩnh sắt đá bảo vệ Tổ quốc. Hay hình ảnh trăng rằm in bóng lên cột mốc chủ quyền trên đảo Song Tử Tây, vì ra đúng dịp, tôi đã lên kế hoạch và chuẩn bị máy móc để ghi lại khoảnh khắc rất đẹp này”.

Tác giả cũng dùng thiết bị chụp ảnh dưới nước để chụp đảo Phan Vinh khi lặn dưới mặt biển. “Đảo nhìn từ dưới biển” là một ý tưởng khá mới. Xét về yếu tố “lạ”, KTS Đoàn Bắc cho biết, lúc trở về anh cũng nhận được “những cái vỗ vai” từ đồng nghiệp.

Còn một khoảnh khắc khác mà anh tự hào đã ghi lại được. Đó là khi người thợ khắc lên mặt bê tông dòng chữ “Trường Tiểu học Sinh Tồn” trên xã đảo Sinh Tồn để chuẩn bị cho lễ khánh thành vào ngày 19/4. Đây là ngôi trường phổ thông đầu tiên tại xã đảo này và là thứ hai trên toàn huyện đảo Trường Sa, một sự khởi đầu ý nghĩa.

Trước khoảnh khắc đó, KTS Đoàn Bắc hiểu rằng hình ảnh dòng chữ từ dở dang trở nên hoàn thiện và hiện rõ trên mặt bê tông sẽ không bao giờ lặp lại. Anh đã bỏ mọi mối quan tâm khác để túc trực bên người thợ, ghi lại những hình ảnh dung dị nhưng sẽ là một phần của lịch sử này.


Bìa 2 tập trong bộ sách ảnh Đến với Trường Sa

Một phần bản lĩnh, một phần lung linh

Bộ sách Đến với Trường Sa chia làm 2 tập. Tập một Bản lĩnh Trường Sa cung cấp các thông tin lịch sử, chính trị và quân sự về quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam. Tập hai Lung linh Trường Sa mô tả hệ sinh thái, đời sống văn hóa xã hội của người dân và ý nghĩa của biển đảo trong trái tim dân tộc Việt Nam.

Là đầu sách chính thống của Bộ Thông tin Truyền thông, các thông tin trong sách phải đạt yêu cầu ngắn gọn, chuẩn mực và được chọn lọc kỹ. Dung lượng, vai trò của 2 bản tiếng Anh và tiếng Việt là ngang nhau.

Theo KTS Đoàn Bắc, hiện có một nhóm “tình nguyện viên” giấu tên gồm các nhà giáo và học giả trong ngoài nước tham gia soạn thảo và dịch nội dung sách từ tiếng Việt ra tiếng Anh. “Bộ sách là công trình tập thể, kể cả các bức ảnh do chúng tôi chụp vì nếu không có tàu thuyền đưa chúng tôi đi, không có những người dân, quân trên đảo thì những hình ảnh đó không thể nào tồn tại” – anh chia sẻ với TT&VH.

KTS Đoàn Bắc đã 4 lần ra Trường Sa. Trước đó, anh từng thực hiện sách ảnh Tổ quốc nơi đầu sóng (NXB Kim Đồng, 2013) ghi lại hình ảnh Hoàng Sa – Trường Sa. Tác phẩm được Trung tâm Minh Triết Việt trao tặng bằng Tôn vinh Hành động vì biển đảo.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm