Thời tiết Hà Nội đột ngột đổ mưa rét, người già phải vào viện vì bệnh hô hấp: Cảnh báo tình trạng nhiều người có thể rơi vào tình trạng "sốc nhiệt"

28/12/2022 16:16 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Khi nhiệt độ giảm vào mùa đông, người già và trẻ nhỏ là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng đến sức khỏe nhất, do đó cần tăng cường sức đề kháng.

Gần 2 tuần qua, các địa phương miền Bắc, đặc biệt là các tỉnh miền núi, bước vào đợt rét đậm, rét hại. Từ nền nhiệt độ 18 đến 25 độ C, chỉ sau một đêm, nhiệt độ giảm sâu xuống ngưỡng 10 độ C. Do đó, không ít người chưa thể thích nghi kịp thời với hình thái thời tiết này.

photo-1

Người dân trùm kín ra đường những ngày Hà Nội đột ngột trở lạnh.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Hiệp (Trung tâm nội dã chiến, Bệnh viện Quân y 103), khi nhiệt độ lạnh đột ngột sẽ khiến cơ thể kém thích nghi, cơ thể phản ứng với nhiệt độ lạnh dễ dẫn đến sốc nhiệt.

Sốc nhiệt là trạng thái thay đổi nhiệt độ của cơ thể một cách đột ngột, từ lạnh sang nóng hay từ nóng sang lạnh… Đây là trạng thái rất nguy hiểm và có thể dẫn tới tử vong ngay lập tức. Trên thực tế, nhiệt độ giảm đột ngột làm cho chúng ta phải tiêu tốn nhiều năng lượng hơn, khiến sức đề kháng suy giảm. 

Với những người nhạy cảm, sức đề kháng yếu, nguy cơ mắc bệnh rất cao, nhất là đối với người già và trẻ em.Các bệnh thường gặp khi thời tiết trở lạnh đột ngột là đột quỵ, dị ứng thời tiết, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên gây méo miệng, liệt mặt… Trong đó, đột quỵ thường gây biến chứng nguy hiểm nhất, nặng có thể gây tử vong, nhẹ hơn là bị liệt nửa người, toàn thân, phải sống "thực vật"…

photo-1

Điều cần lưu ý nữa là vào thời điểm thời tiết thay đổi đột ngột, nền nhiệt xuống thấp, những người có sức đề kháng kém thường có các triệu chứng như: Thở nhanh, hời hợt, tim đập nhanh, đau đầu, chóng mặt, choáng váng, buồn nôn, huyết áp tăng cao hoặc hạ thấp, ngưng đổ mồ hôi…

Bởi vậy, việc theo dõi, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe trong mùa Đông, nhất là vào những ngày gió mùa Đông Bắc tràn về khiến nền nhiệt độ giảm sâu là rất cần thiết.

Những điều cần lưu ý chăm sóc sóc sức khỏe khi trời lạnh đột ngột

1. Đối với trẻ nhỏ

Trời rét, ở trẻ nhỏ, do trọng lượng cơ thể thấp, khả năng sinh nhiệt để duy trì nhiệt độ cơ thể hạn chế nên càng dễ bị các biến chứng do nhiễm lạnh. Các bác sĩ khuyến cáo: 

- Phòng bệnh cho trẻ khi trời lạnh bằng cách cho trẻ vui chơi nơi kín gió. Thường xuyên kiểm tra nhiệt độ cơ thể của trẻ, đặc biệt là ban đêm.

- Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu... nhất là khi trẻ ở ngoài đường.

photo-1

Buổi sáng, khi trẻ đến trường phụ huynh cần giữ ấm cho trẻ, tránh để thay đổi nhiệt độ đột ngột. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ để đảm bảo sức đề kháng.

 - Khi trẻ chơi đùa ra mồ hôi, cần lau mồ hôi, vì nếu không trẻ dễ bị cảm lạnh, viêm họng, viêm phổi… 

 - Cho trẻ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng.

2. Đối với người lớn tuổi

- Để phòng bệnh, người cao tuổi cần rửa tay với xà phòng và nước ấm thường xuyên để tránh đưa vi khuẩn, virus vào đường miệng, mũi. Giữ ấm cơ thể bằng cách mặc áo quần đủ ấm, kể cả khi ở trong nhà bằng các loại áo len, dạ, khăn quàng, tất tay chân. Đeo khẩu trang, che khăn, đội mũ khi có việc phải ra ngoài, tránh ra ngoài trời vào những ngày giá rét.

- Giữ vệ sinh nhà cửa, đồ dùng sạch sẽ, tránh tạo môi trường cho vi khuẩn, virus tồn tại và phát triển. Môi trường sống và làm việc nên giữ ấm áp bằng cách đóng kín các cửa sổ và cửa ra vào nhưng phải luôn sạch sẽ, thoáng. 

- Có thể sử dụng các loại máy sưởi như quạt sưởi, máy sưởi điện. Không dùng sưởi bằng than củi trong phòng kín vì dễ gây ngạt, nguy cơ tử vong cao.

Thời tiết Hà Nội đột ngột đổ mưa rét, nhiều người già phải vào viện vì bệnh hô hấp: Cảnh báo tình trạng nhiều người có thể rơi vào tình trạng "sốc nhiệt" - Ảnh 4.

Hiểu biết về những bệnh thường mắc và cách phòng tránh những bệnh này trong mùa đông là cách để những người lớn tuổi có thể tự phòng bệnh, đồng thời nâng cao sức khỏe cho bản thân mình, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội

- Bên cạnh đó, đảm bảo dinh dưỡng cho người già đúng cách cũng là cách phòng bệnh trong mùa đông. Ăn đủ các chất đường, protein, đặc biệt là mỡ, giúp cho cơ thể có cơ chất để sinh năng lượng chống rét. Mùa lạnh có thể ăn nhiều hơn mùa hè do cơ thể phải tiêu tốn calorie nhiều hơn để bù lại lượng nhiệt mất ra môi trường. 

- Nên ăn thức ăn nấu chín kỹ, mềm, dễ tiêu, số lượng ít nhưng chất lượng phải đảm bảo như súp, cháo thịt, các món hầm… Chia thành nhiều bữa nhỏ, không nên dồn ép vào 1 - 2 bữa trong ngày sẽ làm cơ thể người già khó hấp thu. Tuyệt đối không dùng rượu để "chống rét" vì rượu gây giãn mạch, khi ra ngoài trời lạnh rất nguy hiểm...

- Ngoài ra, người cao tuổi cần vận động thường xuyên, tập luyện đều đặn. Vận động và tập luyện với các bài tập nhẹ nhàng giúp làm giãn gân cốt, máu huyết lưu thông và tránh các trường hợp cứng khớp, teo cơ do không vận động do lạnh trong thời gian dài. 

- Tập thể dục nhẹ nhàng cũng giúp kiểm soát tốt đường huyết, huyết áp ở những đối tượng có các bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường... Nhưng lưu ý tập nơi phòng kín, ấm áp, tập vừa sức, khởi động kĩ càng trước khi tập luyện.

Thảo Vân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm