10/08/2023 10:34 GMT+7 | Giải trí
Dự kiến đêm 12 và 13/8, Trung tâm nghệ thuật Vàng son một thuở sẽ tổ chức chương trình Kỷ niệm 60 năm tình ca Ngô Thụy Miên - Liveconcert Mắt biếc tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Sau khi thông tin về chương trình này được đăng tải trên facebook Vàng son một thuở, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã có công văn gửi đến đơn vị Trung tâm nghệ thuật Vàng son một thuở thông báo tiền bản quyền sử dụng tác phẩm trong chương trình là hơn 77.759.980 đồng/22 ca khúc/2 đêm diễn.
Cách tính phí này của VCPMC dựa trên Quyết định số 14 ngày 19/6/2018 về ban hành Biểu mức tiền nhuận bút sử dụng quyền tác giả âm nhạc theo công thức "5% x 70% số lượng ghế nơi biểu diễn x bình quân giá vé".
Theo bà Ngọc Châm, Giám đốc Trung tâm nghệ thuật Vàng son một thuở, mức phí mà VCPMC thông báo cho trung tâm phải trả là tăng gấp 4 lần so với mặt bằng chung mà các đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật thường trả cho VCPMC là 440.000đ/tác phẩm (đã bao gồm VAT).
Chiều ngày 9/8, Trung tâm nghệ thuật Vàng son một thuở tiếp tục nhận được công văn của VCPMC kèm theo đơn kiến nghị của bà Ngô Mai Hà (em gái, đồng thời là người được ủy quyền hợp pháp của tác giả Ngô Thụy Miên) "Về việc yêu cầu dừng biểu diễn tác phẩm âm nhạc" trong chương trình Kỷ niệm 60 năm tình ca Ngô Thụy Miên - Liveconcert Mắt biếc vì đơn vị tổ chức chưa thực hiện chi trả tiền bản quyền tác phẩm âm nhạc của tác giả Ngô Thụy Miên..."
Đây không phải lần đầu công thức tính phí tác quyền của VCPMC bị đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật không đồng tình. Trước đó, 6 đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật đã gửi đơn kiến nghị tập thể tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các đơn vị chức năng nhờ các cơ quan có liên quan can thiệp, có ý kiến về biểu mức tiền bản quyền âm nhạc mà VCPMC ban hành và đang áp dụng. Thậm chí như Công ty Cổ phần Truyền thông Vietart (Vietart) chấp nhận hầu hòa, "tranh tụng sòng phẳng" với VCPMC vì một biểu phí bản quyền "hợp tình, hợp lý" được áp dụng trong tương lai.
Cụ thể, đầu tháng 8 vừa qua, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại về việc "Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ" giữa VCPMC và Vietart.
Tại phiên xử này, đại diện Vietart (phía bị đơn) cho rằng, Quyết định số 14 ngày 19/6/2018 về ban hành Biểu mức tiền nhuận bút sử dụng quyền tác giả âm nhạc của VCPMC không được coi là văn bản pháp lý làm căn cứ để thu phí tác quyền, đồng thời đề nghị VCPMC làm rõ về thủ tục ban hành biểu mức tính phí bản quyền các tác phẩm âm nhạc.
Đại diện VCPMC trả lời trước tòa rằng, tại thời điểm ban hành biểu mức không có quy định nào của pháp luật cho rằng biểu mức đó phải có sự chấp thuận của cơ quan chức năng, biểu mức cũng không phải là văn bản quy phạm pháp luật, VCPMC cũng không áp dụng cứng nhắc mà là căn cứ để các bên thỏa thuận khi cấp phép sử dụng. Khi ban hành biểu mức, VCPMC có căn cứ tình hình thực tế sử dụng, các phản hồi của các bên liên quan để biểu mức phù hợp với tình hình mới, sau khi ban hành có đăng tải công khai trên website của VCPMC.
Lý lẽ này của VCPMC không nhận được sự đồng tình đồng tình của đơn vị tổ chức sự kiện, bởi lẽ các nhạc sĩ và chủ sở hữu các tác phẩm âm nhạc với tư cách là chủ sở hữu tài sản họ có quyền được biết, quyền được có ý kiến "tài sản" của mình "giá" bao nhiêu chứ không phải là được biết sau khi biểu mức ban hành.
Trở lại với chương trình Kỷ niệm 60 năm tình ca Ngô Thụy Miên - Liveconcert Mắt biếc, bà Ngọc Châm cho biết, đơn vị đã có công văn gửi đến VCPMC, đồng thời khẳng định luôn sẵn sàng và ủng hộ việc thực hiện chi trả tiền bản quyền tác phẩm âm nhạc được sử dụng trong trong các chương trình nghệ thuật, nhưng là với một mức phí phù hợp với tình hình thực tế.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất