23/07/2018 14:20 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Việc Mesut Oezil tuyên bố từ giã ĐTQG là một bằng chứng cho thấy anh không bao giờ được yêu mến ở Đức, bất kể những đóng góp to lớn trong màu áo "Die Mannschaft".
Mesut Oezil đã đối mặt với rất nhiều chỉ trích, kể từ trước khi World Cup 2018 khởi tranh. Đó là khi anh cùng với Ilkay Guendogan chụp ảnh cùng và tặng áo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - Recep Tayyip Erdogan có dòng chữ: “Tặng tổng thống của tôi với sự trân trọng”.
Sau khi Đức bị loại khỏi World Cup, tiền vệ của Arsenal là một trong số những tuyển thủ bị truyền thông Đức đổ lỗi nhiều nhất. “Oezil ngày càng giống một ngọn núi lửa đã ngủ quên. Oezil vẫn có mặt ở trên sân nhưng không ai chắc chắn liệu anh ta có thực sự thi đấu hay không”, tờ Welt (Đức) viết. Tờ báo này miêu tả Oezil là “nhút nhát và thiếu quyết đoán”.
Oezil bị cáo buộc là “mất tích” ở các trận đấu và nhiều người đã bảo vệ anh, bằng cách đưa ra thống kê rằng cầu thủ của Arsenal đã tạo ra 7 cơ hội ở trận gặp Hàn Quốc, nhiều hơn bất cứ cầu thủ nào khác trong 1 trận đấu ở World Cup này.
Song những người đã xem trận đấu trên không thể nào nhận định rằng thống kê đó phản ánh chính xác màn trình diễn của Oezil. Giống như những đồng đội khác của mình, Oezil đã thi đấu chậm chạp và dưới phong độ. Tuy nhiên trong khi tiền vệ của Arsenal có riêng 1 bài báo đổ lỗi, thì những người đồng đội khác thì không bị chỉ trích dữ dội như vậy.
Đây không phải lần đầu Oezil bị cáo buộc là thiếu sự tận tâm với tuyển Đức. Tuy nhiên sau World Cup, mọi chuyện đã trở nên tệ hơn với anh.
Việc Oezil chụp ảnh với ông Erdogan bị chỉ trích dữ dội, phần nào vì mối quan hệ không tốt đẹp giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm gần đây, và cũng bởi người Đức không ưa vị Tổng thống này. Hành động của Oezil và sự im lặng của anh sau đó vô tình khiến tiền vệ này bị các CĐV và truyền thông Đức ngoảnh mặt.
HLV Joachim Loew, người luôn bảo vệ Oezil, cũng đối mặt với những chỉ trích. Và khi tiền vệ của Arsenal ngồi ghế dự bị ở trận gặp Thụy Điển, hầu như CĐV Đức nào tại khu fanzone ở Cổng Brandenburg cũng cho rằng đó là quyết định đúng đắn. Lý do không ngoài việc Oezil chụp ảnh với Tổng thống Erdogan trước đó.
Thậm chí những chỉ trích từ các cựu tuyển thủ Đức như Mario Basler và Lothar Matthaus đã đổ thêm dầu vào lửa. Matthaus cho rằng Oezil không nên khoác áo đội tuyển Đức nữa và nhiều người đồng ý với điều đó.
Không chỉ thế, nhiều người ủng hộ Oezil còn cho rằng anh bị phân biệt chủng tộc ở Đức. Tờ báo của Thổ Nhĩ Kỳ, Turkey Tribune cáo buộc rằng Oezil là nạn nhân tiếp theo của nạn phân biệt chủng tộc vì anh có gốc gác Thổ Nhĩ Kỳ và theo đạo Hồi.
Các chính trị gia cánh hữu ở Đức đã chỉ trích Oezil rất nặng nề. Đảng cực hữu AfD cho rằng “không có Oezil, chúng ta đã giành chức vô địch”. Người phát ngôn của đảng này, Christian Luth còn cho rằng Oezil có ý đồ phá hoại đội tuyển Đức khi đăng tải bức ảnh Oezil mỉm cười kèm theo dòng chữ: “Ông đã hài lòng chưa, tổng thống của tôi (ám chỉ Erdogan)”.
Claus Strunz, nhà báo người Đức, phát biểu rằng: “Oezil không thuộc về nước Đức” khi bình luận về việc tiền vệ này không hát quốc ca Đức.
Có thể nói những cáo buộc nhằm vào Oezil là rất vô lý và ác ý. Cực chẳng đã, Oezil mới đây đã tuyên bố từ giã đội tuyển Đức: “Sau mỗi chuỗi các sự việc diễn ra gần đây, dù trái tim nặng trĩu, dù đã cân nhắc rất nhiều, tôi đã quyết định không lên tuyển Quốc gia Đức nữa vì tôi có cảm giác mình bị phân biệt chủng tộc và không được tôn trọng. Tôi từng khoác lên mình chiếc áo tuyển Đức với nhiều tự hào, sự hứng khởi nhưng giờ thì không còn nữa”.
Tiền vệ người Đức đã chỉ trích Reinhard Grindel, chủ tịch LĐBĐ Đức trong tuyên bố của mình. Sự thực thì ông Grindel đã không hề bênh vực Oezil khi anh đối mặt với làn sóng chỉ trích sau khi tuyển Đức bị loại. Thậm chí Grindel còn phê bình Oezil trên tờ Kicker, đòi anh phải giải thích về việc chụp ảnh với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Grindel còn tuyên bố hành động này của Oezil khiến nhiều CĐV thất vọng. Phát biểu của ông Grindel đã bị lên án kịch liệt. Tờ DW (Đức) cho rằng thay vì bảo vệ Oezil khỏi truyền thông và những chính trị gia cánh hữu, thì Grindel lại lôi cầu thủ này ra để chỉ trích.
Nhiều cầu thủ đã từ giã đội tuyển sau thất bại ở World Cup, nhưng trường hợp của Oezil là ê chề nhất, bởi anh chọn cách ra đi khi bị phân biệt chủng tộc và không được sự bảo vệ của các quan chức tại LĐBĐ Đức.
Những đóng góp của Oezil cho tuyển Đức là không thể phủ nhận. Nhưng bất kể anh góp công lớn tới đâu, tỏa sáng như thế nào, Oezil vẫn sẽ không được yêu mến bởi công chúng Đức.
Sơn Tùng
Theo Daily Mail
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất