Văn hóa Hàn không phải chỉ nhìn qua phim ảnh

23/05/2008 17:26 GMT+7 | Đời sống

(TT&VH) - Khi ra khỏi sân bay Incheon chừng vài chục km cũng là lúc lá cây đủ màu sắc tràn ngập hai bên đường. Lá cây màu đỏ, tím, nâu, vàng, cam, hồng, xanh mạ là một cảnh sắc rực rỡ biểu tượng cho mùa Thu Hàn Quốc, mà sau này ông Hea Keun Yoon, Chủ tịch Dowon - tập đoàn xây dựng quốc tế hàng đầu Hàn Quốc - có bảo chúng tôi rằng chỉ người nào may mắn mới được chứng kiến những giờ khắc ngắn ngủi của mùa thu vàng trên xứ Hàn.

Đất nước có cái tên rất lạnh này có bốn mùa rõ rệt với những nét đặc trưng. Khi mùa Đông đến, những tán cây sặc sỡ xum xuê sẽ rụng sạch không còn một chiếc lá nào, để lại những cành khẳng khiu trơ trọi phủ đầy tuyết trắng. Cảnh trí của thủ đô Seoul không có gì quá đặc sắc và nổi trội, cũng chỉ là những tòa nhà cao tầng và chung cư san sát kiểu các đô thị Á châu đã phát triển như Hong Kong hay Singapore.



Trang phục truyền thống Hàn Quốc

Những thành phố mới hình thành ở các vùng ngoại ô Seoul còn đẹp hơn nhiều. Chúng dành cho các công dân Hàn cao cấp, giàu có đủ để mua những căn hộ tiện nghi bậc nhất. Những thành phố kiểu này trong lành và vắng vẻ đậm chất châu Âu. Nhìn chung, tôi cũng như tất cả những người đồng hương khác, hễ cứ đến một thành phố lạ nào là y như rằng phải quan sát xem có điều gì giống như... trong phim.

Kỳ thực, những gì giống với hình dung trong phim ảnh chỉ khoảng 30%. Trước hết là con người xứ Hàn, mặc dù trước khi sang đất nước này tôi đã giao tiếp với người Hàn khá nhiều nhưng chỉ đến khi đứng ở giữa thủ đô của họ mới cảm nhận được hết tính cách chung của một dân tộc. Người Hàn không dễ xúc động và “hay khóc” như trên phim ảnh. Tôi cũng không hiểu sao các nhà làm phim lại dựng ra một hình tượng trái ngược đến như vậy. Trái lại, người Hàn nóng tính, dễ nổi cáu và đôi khi hơi thô trong giao tiếp. Nếu ra mua hàng ngoài chợ lại càng cảm nhận rõ điều đó.

Những người bán hàng ở các chợ lớn của Seoul càu cạu một cách đáng ngạc nhiên, dễ dàng quát lác khách hàng hay nói những câu thiếu tinh tế, nếu khách hàng không làm cho họ vừa ý. Nhân viên phục vụ ở các cửa hàng cao cấp trên đường phố chính thì thoải mái hơn, tuy chẳng thân thiện bằng những nơi khác. Trong đời sống văn hóa của họ vẫn pha trộn đậm đà dấu ấn của một truyền thống phong kiến và những du nhập của một thế giới tư bản phát triển.



Một món truyền thống Hàn Quốc

Một mặt, họ tôn trọng những luật lệ hà khắc phát sinh từ đạo Khổng, mặt khác lại tuân theo những nguyên tắc của “xã hội mới”. Không ở đâu thể hiện rõ điều đó như văn hóa Hàn Quốc, mà ngay cả đối với Trung Quốc và Nhật Bản cũng không nặng nề bằng. Người Hàn vô cùng quan trọng tình cảm cha mẹ, anh em, thầy trò và tinh thần hiếu học, đôi khi một cách cực đoan. Còn hơn cả Việt Nam, các gia đình Hàn Quốc đều “ bằng mọi giá cho con đỗ đại học”.

Trẻ con học ở trường từ sáng đến tối, chưa kể học thêm, gần sát năm thi đại học càng phải tăng tốc, khiến chúng không còn thời gian để giải trí. Còn nhớ hai năm trước, khi viết bài về Keyoung Za Choi, nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh người Hàn có cuộc triển lãm ở Hàng Bài - Hà Nội, chị nói với tôi rằng chị ghen tị với bình đẳng giới ở Việt Nam. Tôi đã cực kỳ ngạc nhiên về điều này. Tuy nhiên, càng ngày tôi càng nhận rõ sự bất bình đẳng giữa nam và nữ ở Hàn Quốc, một đất nước với biểu tượng “dynamic” (năng động) và được coi là con rồng châu Á. Phụ nữ các thế hệ sinh trước thập niên 70 trở đi hầu hết đều không đi làm.

Họ ở nhà phục vụ chồng con đúng lễ giáo thời phong kiến. Tôi chứng kiến một phụ nữ Hàn ở nhà đợi chồng về, chị bật ấm đun nước và khi ấm reo cũng là lúc chồng chị bấm chuông cửa. Nghĩa là đã hơn hai chục năm nay chị làm công việc ấy chính xác đến mức hai tiếng chuông cửa và chuông báo hiệu nước sôi trùng nhau không sai một giây, để khi chồng chị cởi giày và áo khoác là đã có ly trà vừa đủ độ nóng. Nhiều phụ nữ Hàn hiện đại sau này vẫn đi làm, nhưng khi lấy chồng sinh con rồi thì tình nguyện nghỉ việc suốt quãng đời còn lại. Họ cho thế là phải và đúng nghĩa vụ, phận sự của người phụ nữ. Ngoài chữ “phu”, chữ “hiếu”, lễ giáo phong kiến còn thể hiện ở chữ “trung” rất rõ ràng.

Ngày nay người Hàn chẳng còn vua nhưng vẫn còn ông chủ. Thái độ của nhân viên Hàn đối với ông chủ còn hơn đối với ông vua. Ngoài việc thể hiện ở kiểu chào cúi rạp người đầy kính trọng khi gặp bề trên, còn lại thái độ của nhân viên với ông chủ Hàn tỏ ra sự trung thành tuyệt đối. Vì thế, các ông chủ Hàn luôn đặt lòng trung thành của nhân viên lên hàng đầu. Có thể vì cái truyền thống đó mà báo chí của ta đã phanh phui rất nhiều vụ ông chủ Hàn ngược đãi nhân công Việt Nam với những hành động rùng mình, như vả vào mồm nhân viên hay dán băng keo ngang miệng.



Điệu múa truyền thống của dân tộc Triều Tiên

Tôi muốn nhắc lại rằng người Hàn rất nóng tính, tôi từng chứng kiến rất nhiều vụ to tiếng đến suýt đánh lộn giữa hai đối tác thương mại người Hàn với nhau, vì những xích mích trong làm ăn, họ lại rất nguyên tắc và đề cao lòng trung thành đến mức như cái máy, gặp công nhân của ta ứng xử khác họ, thế là xảy ra chuyện. Có lần, ông Kim Hong Eop, Giám đốc Công ty Daewoo Hanel Việt Nam phàn nàn với tôi rằng công nhân Việt mà làm việc ở các nhà máy nước ngoài cũng với cung cách đó thì không thể được. Họ chỉ chờ cho các ông chủ quay đi là xao lãng và nói chuyện, hơn nữa nhân viên Việt Nam cũng hay thay đổi.

Họ chuyển chỗ làm hết chỗ nọ đến chỗ kia, chỉ vì những lý do hết sức lặt vặt. Một người làm ở một công ty được chừng dăm năm đã được coi là trụ lâu và ông cho biết, mình làm cho công ty từ lúc ra trường, cho đến nay đã được hơn 20 năm. Ngoài lễ giáo phong kiến, người Hàn còn tiếp thu những nguyên tắc hà khắc không kém của một thế giới tư bản mới, khiến tôi phần nào lý giải được tại sao chỉ trong một thời gian ngắn, từ một nước tổn hại nặng nề do chiến tranh, kinh tế Hàn Quốc đã phát triển đến độ được cả thế giới coi là “Kỳ tích sông Hàn”. Cũng không hẳn do đường lối chung của những người lãnh đạo, khi tiếp xúc với mỗi người dân Hàn, tôi đều cảm nhận sự tất bật với quyết tâm “phát triển bản thân” của họ.

Di Li

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm