20/12/2019 17:23 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Mới đây, trên tờ The Straits Times của Singapore đã có một bài viết về vận động viên Nguyễn Thị Ánh Viên của Việt Nam. Mặc dù Ánh Viên đã tham dự 5 kì SEA Games nhưng có cảm giác, tất cả vẫn chưa thôi hết ngạc nhiên về kình ngư 23 tuổi này... sau màn thể hiện tại SEA Games 30 vừa khép lại tại Philippines. Mời quý vị cùng đến với một góc nhìn khác về nữ kình ngư Vàng Việt Nam.
Nhiệm vụ “4 phải làm”
The Straits Times cho biết, việc quá tập trung vào sự nghiệp của mình khiến một vận động viên như Nguyễn Thị Anh Viên không có đủ thời gian để sử dụng điện thoại di động hay đăng kí một tài khoản Facebook. Trong khi đó, cô đã kiếm được hàng tỷ đồng tiền thưởng và tài trợ trong suốt gần 10 năm qua.
Cô gái 23 tuổi có biệt danh Nàng tiên cá thừa nhận rằng, những ngày của cô trôi qua chỉ bao gồm 4 nhiệm vụ là "luyện tập, ăn, ngủ và thi đấu". Thế nhưng, cô rất vui khi từ bỏ một cuộc sống bình thường vì môn thể thao của mình, vì sự nghiệp của mình.
Điều an ủi cho Ánh Viên là bên cạnh cô luôn có huấn luyện viên Đặng Anh Tuấn, còn những chi phí hằng ngày cũng như các khóa đào tạo ở nước ngoài như tại Mỹ đều được Nhà nước chi trả.
Trưởng thành trong quân đội, cô gái nhút nhát người Cần Thơ nhanh chóng được các huấn luyện viên phát hiện. Sau kì SEA Games đầu tiên năm 2011 không có huy chương nào, cô đã được biết đến nhiều hơn tại Olympic trẻ Nanjing năm 2014, nơi cô giành chiến thắng ở nội dung 200m hỗn hợp.
Nhờ những thành tích của mình, Ánh Viên đã được bầu chọn là Vận động viên tiêu biểu của năm 2013 và 2014.
Thống kê cho thấy, trong 5 kì SEA Games vừa qua, dù không có huy chương vào năm 2011, cô gái 23 tuổi mang quân hàm đại úy này vẫn giành được 25 huy chương vàng, 9 huy chương bạc và 2 huy chương đồng. Đỉnh cao sự nghiệp của Ánh Viên là ở SEA Games 2015 và SEA Games 2017 khi cô đều giành 8 huy chương vàng. Tuy nhiên, dù không còn giữ được phong độ thì tại Philippines vừa qua, cô vẫn là vận động viên bơi lội nữ thành công nhất với 6 huy chương vàng và 2 huy chương bạc.
Ánh Viên chia sẻ: "Tôi rất hạnh phúc khi giành được huy chương cho Việt Nam, đất nước của tôi."
Mặc dù vậy, sự hy sinh cho thể thao của cô là rất lớn. Chẳng hạn như với mục tiêu phải giành 8 huy chương vàng tại Kuala Lumpur, Malaysia năm 2017, cô hầu như không có thời gian để thở, chứ đừng nói đến việc mỉm cười. Nếu không có những chiến thắng, sự cổ vũ của người hâm mộ, thật khó để cô giữ vững vị trí số 1 của mình trong nhiều năm qua.
Cô nói thêm: "Tôi rất vui vì tôi nhận được huy chương vàng và tôi có thể bơi cùng đồng đội của mình. Và người dân Philippines rất tốt bụng và thân thiện. Tôi rất vui khi gặp người hâm mộ của mình ở đây."
Một trong số đó là Jasmine Alkhaldi của Philippines, vận động viên từng góp mặt tại Olympic 2012 và 2016, cũng như thi đấu với Ánh Viên nhiều lần tại SEA Games.
Alkhaldi mang hai dòng máu Saudi Arabia và Philippines cho biết về đối thủ của mình: "Cô ấy thực sự mạnh mẽ và thực sự giỏi ở nhiều nội dung. Riêng ở nội dung hỗn hợp cá nhân và các cự li dài, cô ấy đặc biệt xuất sắc."
Giống như Alkhaldi, Ánh Viên cũng tham dự Olympic London 2012 và Rio de Janeiro 2016. Và cô đang hi vọng sẽ có mặt tại Olympic Tokyo vào tháng 7/2020. Ngoài ra, cô còn giành được 2 huy chương đồng tại Asian Games 2014.
Khi được hỏi liệu mục tiêu của cô có phải là giành được huy chương vào năm tới hay không, Ánh Viên mỉm cười nói: "Mục tiêu của tôi là giành vé tham dự Olympic 2020. Tôi chỉ muốn thi đấu với những người giỏi nhất thế giới."
Thần tượng Michael Phelps mà không phải là những kình ngư nữ xuất sắc thế giới, Ánh Viên là một trong các nhân tố quan trọng giúp bơi lội Việt Nam giành 10 huy chương vàng tại SEA Games 30, sau khi lần đầu tiên giành vị trí thứ hai sau Singapore năm 2015. Bên cạnh 6 huy chương vàng của cô, Việt Nam còn có những nhà vô địch như Nguyễn Huy Hoàng (400m và 1.500m tự do nam) và Trần Hưng Nguyên (200m và 400m hỗn hợp nam).
Xuất sắc nhưng không ấn tượng mạnh
Với 6 huy chương vàng và 2 huy chương bạc, Ánh Viên cùng với Quah Zheng Wen của Singapore được bầu là những vận động viên xuất sắc nhất SEA Games 30. Thế nhưng, phải thừa nhận rằng, dù thành tích của cô là xuất sắc, nó không mang lại cảm giác ấn tượng, chờ đợi như trước. Có thể vì Ánh Viên đã không giành được 8 huy chương vàng như mục tiêu, không có kỉ lục nào được thiết lập hoặc chỉ đơn giản là cái tên của cô đã quá quen thuộc trên bảng huy chương ở SEA Games.
Trên tất cả, người hâm mộ quan tâm, chú ý nhiều hơn vào thành tích ở các nội dung của điền kinh, bóng đá, cử tạ, các môn võ, vật, đấu kiếm, bắn cung, nơi không ít những chàng trai, cô gái của Việt Nam để lại sự cảm phục, ngưỡng mộ thực sự vì tinh thần, quyết tâm thi đấu.
Mở rộng ra, trừ Singapore và Việt Nam có những vận động viên xuất sắc nhất SEA Games 30 ở môn bơi, 9 quốc gia đều chọn vận động viên xuất sắc của họ ở những môn thể thao khác. Chẳng hạn như Brunei chọn vận động viên Mohammad Adi Salihin Roslan giành 1 huy chương vàng ở môn wushu; Cam-pu-chia chọn Mengly Yong giành 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc ở môn arnis; Indonesia là Dea Salsabila Putri ở 10 môn phối hợp hiện đại của nữ; Lào là Soukan Taipanyavong với huy chương duy nhất họ giành được ở môn kickboxing vào ngày áp chót SEA Games 30; Malaysia là Farah Ann Abdul Hadi với 3 huy chương vàng ở môn thể dục dụng cụ; Myanmar là Maung Maung với 2 huy chương vàng ở môn billiards & snooker; Philippines là Carlos Yulo với 2 huy chương vàng, 5 huy chương bạc ở môn thể dục dụng cụ; Thái Lan là Sarawut Sirironnachai với 3 huy chương vàng ở môn xe đạp và Timor Leste là Ana Da Costa với 1 huy chương bạc ở môn taekwondo.
Mạnh Hào
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất