21/06/2022 05:33 GMT+7 | Thể thao
Việt Nam là đất nước cuồng say thể thao cùng bóng đá nên hoạt động báo chí và phóng viên thể thao rất sôi nổi. Vì thế, hy vọng những chia sẻ dưới đây giữa nhà văn Lý Thu Thủy; nhà báo thể thao gạo cội Quang Tuyến (báo Thanh Niên) và Hữu Quý (báo Thể thao và Văn hóa) sẽ là “lát cắt” về cái nghề rất thú vị này.
Nhà báo Hữu Quý
Năm 2000, tôi tốt nghiệp văn chương nhưng vào Đà Nẵng làm báo thể thao. Lúc đó cũng có phần “tủi thân” khi ai đời học văn mà làm báo thể thao. Trong khi, bạn bè chọn những tờ báo chính trị, xã hội trông “oách” và “sang” hơn.
Ấn tượng của buổi mới vào nghề là VCK U16 châu Á tổ chức tại Đà Nẵng. Lúc đó, sân Chi Lăng tạo nên cơn địa chấn về số lượng khán giả đến xem, phóng viên khắp nơi đổ về đưa tin. Tôi choáng ngợp với không khí đó. Đấy cũng là lần đầu tiên được gặp nhiều nhà báo thể thao nổi tiếng, ăn mặc “hầm hố”, trên tay là những bộ đồ nghề khủng. Nhìn cảnh đó, phóng viên trẻ như tôi bắt đầu nghĩ đến tương lai tươi sáng của nghề phóng viên thể thao đã chọn mình.
Cũng tại VCK U16 châu Á năm đó, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã cho in vài trăm tờ bản tin về giải và phát miễn phí trên sân Chi Lăng. Đấy là chưa kể các tờ báo từ lớn đến nhỏ lúc ấy đều có một trang dành cho thể thao. Còn đến ngày hội bóng đá lớn như SEA Games, EURO, World Cup... phong trào làm tin nhanh được nhiều báo triển khai rầm rộ.
Nghề viết thể thao cũng đã tạo ra rất nhiều cây viết nổi tiếng cả nước, nhận được sự kính nể của phóng viên ngoài địa hạt. Tất cả đã dựng nên một bức tranh đầy sinh động của làng báo thể thao và giới phóng viên lĩnh vực này.
Từng dự SEA Games, Asiad, EURO, World Cup ở nước ngoài, tôi thật tự hào khi chứng kiến lực lượng phóng viên Việt Nam luôn hùng hậu. Ngoài phương tiện hành nghề hiện đại, họ còn thể hiện được các phẩm chất của một nhà báo thể thao năng động, sâu sắc và văn minh.
Chính họ đã cung cấp cho độc giả quê nhà nhiều khoảnh khắc, câu chuyện độc đáo, góp phần xua tan những mệt mỏi đời thường. Đằng sau mỗi thông điệp là những giọt mồ hôi thầm lặng đổ xuống mà không phải ai cũng thấu tỏ.
Vậy nhưng hiện nay, hàng loạt tờ báo thể thao đã phải đóng cửa, hoặc chuyển sang tạp chí. May mắn cho anh em đồng nghiệp viết thể thao, Việt Nam vẫn chứng minh là đất nước đam mê thể thao hàng đầu. Nhịp điệu bóng đá luôn chảy trong dòng máu của mỗi người dân. Hãy nhìn SEA Games 31 vừa kết thúc đủ biết vẫn còn nhiều “đất sống” cho các phóng viên, báo chí thể thao.
Vấn đề là phụng sự độc giả thời buổi 4.0 theo cách nào, đấy là sự khác biệt của mỗi tòa soạn. Có một điều chắc chắn rằng, nếu các tờ báo, tạp chí thể thao vận hành tử tế, các phóng viên biết trọng nghề, không ngừng mài giũa ngòi bút sắc bén, thì sẽ không sợ thiếu chỗ đứng trong lòng độc giả cũng như trong sự nghiệp.
Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, ông bà nói chẳng sai!
* Nhà văn Lý Thu Thủy (Thủy Anna)
Gần đây, rất nhân duyên, tôi được báo Thể thao và Văn hóa mời cộng tác, bắt đầu từ SEA Games 31. Trước khi nhận nhiệm vụ viết chân dung dài kỳ về các nhân vật trong giới thể thao, tôi được phụ trách nhắn nhủ: “Các anh chị làm thể thao đều rất bận rộn và áp lực với lịch tập luyện và thi đấu. Họ không có nhiều thời gian. Một số nhân vật có thể nóng tính và khó tiếp xúc nữa đấy …”.
Tôi vẫn hồn nhiên liên hệ với các nhân vật thể thao với tâm niệm thật lành: “Muốn viết một chân dung giản dị, sâu sắc nhưng không kém phần chân thực về cuộc đời và sự nghiệp lẫy lừng của các anh, chị có đóng góp to lớn cho nền thể thao nước nhà”. Với suy nghĩ ấy, tôi đã không gặp nhiều khó khăn khi được một cái gật đầu của nhân vật mà tôi liên hệ.
Không có nhiều quen biết với các nhân vật thể thao như các cây viết kỳ cựu khác, tôi hoàn toàn là “lính mới” và viết về “đời thường” của các nhân vật nhiều hơn là những thành tích. Tuy nhiên sau một thời gian tích cực làm việc, hầu hết các nhân vật đều bày tỏ cảm xúc với tôi rằng: “Tuyến bài chân dung dài kỳ mà Lý Thu Thủy viết, thật chân thực và giản dị, thật đúng là mình!”.
Bóng đá là môn thể thao vua! Những buổi xem đội tuyển U23 để làm phỏng vấn các chuyên gia bóng đá sau mỗi trận đấu. Cuộc phỏng vấn chớp nhoáng nhưng nhân vật rất có trách nhiệm với câu trả lời của mình. Những câu trả lời đậm tính chuyên môn, góc nhìn tích cực, gửi gắm niềm tin cho bóng đá cũng như tình yêu dành cho đội bóng Việt Nam thật mãnh liệt. Đó là điều người viết bài luôn cảm nhận rõ nét.
Là nhà báo nữ, lại lần đầu viết về thể thao, không phải dễ dàng nếu bạn không quan tâm sát sao tới thể thao cũng như những nhân vật bạn định viết. Bức chân dung của nhân vật giữa đời thường và trong thi đấu luôn là 2 tấm ghép quan trọng để làm nên 1 nhân vật! Giữa lấp lánh của hào quang, những tấm huy chương vàng, những thành tích bất bại... là một con người thực giữa đời thường với những mưu sinh cơm áo gạo tiền như ai. Có khác nhau là đẳng cấp mà họ đạt được sau bao mồ hôi công sức đổ xuống.
Gần đây, khi liên hệ với HLV Đặng Trần Chỉnh để viết bài, tôi cũng hơi có chút e dè vì cứ nghĩ anh Chỉnh sẽ khó gần lắm, khó tiếp xúc lắm. Nhưng những lo âu của tôi đã tan biến khi Đặng Trần Chỉnh với vóc dáng bệ vệ, gương mặt phúc hậu, tâm hồn cởi mở đã dành cho tôi 2 buổi để thực hiện tuyến bài đầy thử thách của mình.
Tôi nghiệm ra một điều, các nhân vật dù có là “nữ hoàng” hay “ông hoàng” trong lĩnh vực họ đang cống hiến, thì để viết về các nhân vật được hay, bản thân nhà báo cần nhất là cách gây dựng niềm tin bằng chính năng lực viết của mình. Sau đó là sự chân thành trong ứng xử, để các nhân vật thấy sự tin tưởng và ấm áp sau mỗi sẻ chia.
Thu nhập của người làm báo sẽ không giúp bạn mua nhà lầu, xe hơi hay hàng hiệu để tận hưởng cuộc sống sang chảnh dễ dàng. Nhưng là một nhà báo có năng lực tốt, bạn sẽ sống một cuộc sống tốt nếu bạn biết bằng lòng an vui với những gì mình có.
* Nhà báo Quang Tuyến
Thoáng chốc, tôi đã trở thành nhà báo lớn tuổi. Thời gian trôi thật nhanh. Mới ngày nào tóc còn xanh vào nghề tung tẩy trên các thảm cỏ để tác nghiệp, vậy mà đã toàn về già.
Thời đó bóng đá bao cấp nghèo mà vui lắm. Bóng đá phục vụ nhiệm vụ chính trị đúng nghĩa, bởi cuối tuần SVĐ nào cũng đông nghịt khán giả, tràn ra các ngả đường. Thắng thua tác động rất lớn đến tâm tư, năng suất lao động của khán giả khi trở lại cuộc sống bình thường. Anh em phóng viên tác nghiệp rất cực khổ, từ chuyển bài đến hình ảnh, rồi các khâu để ra một tờ báo in.
Những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 thực sự là thời hoàng kim của báo chí thể thao. Phóng viên sống rất phong lưu với nghề bởi nhiều đất cho anh em dụng võ. Thời đó bóng đá chuyên nghiệp sơ khai nhưng rất năng động, nên vị thế anh em phóng viên thể thao cũng được nâng tầm.
Giờ đây, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các tờ thể thao và các tòa soạn cũng như các loại hình báo chí khác cũng như mạng xã hội đã tạo sự chuyển dịch quan trọng. Ai cũng có thể trở thành phóng viên thể thao.
Anh em trẻ giờ tinh thông công nghệ hơn, đấy là điểm trội, Tuy nhiên, sự thâm sâu thì có lẽ vẫn chưa thể sánh thế hệ 7X đổ về trước.
Dăm năm trở lại đây, thể thao và bóng đá nước nhà cũng có nhiều biến chuyển tích cực. Điều đó khiến tôi có niềm tin báo chí và phóng viên thể thao sẽ tìm lại vinh quang xưa. Tất nhiên, anh em vẫn phải không quên rèn sắc ngòi bút, cùng tinh thạo nhiều loại hình báo chí. Tôi cảm ơn nghề đã chọn, viết thể thao như suối nguồn để tôi có được ngày hôm nay.
Hữu Quý (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất