26/07/2019 06:44 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 24/7 vừa qua đã đánh dấu 1 năm đếm ngược đến Olympic 2020 tại Tokyo, Nhật Bản và tất cả đang chờ đợi trong 12 tháng tới, những vấn đề quan trọng nào sẽ được nhắc đến.
Đúng là thế khi Olympic 2020 là sự kiện đầu tiên sau nhiều năm, người hâm mộ sẽ không còn được thấy những huyền thoại như Usain Bolt và Michael Phelps. Và trong khi chờ xem ngôi sao mới sẽ nổi lên, Tokyo 2020 cũng có nhiều điều để nói.
Ảnh hưởng của thời tiết
Một thách thức khác mà các nước tham dự Olympic 2020 phải đối mặt sẽ là rủi ro về điều kiện khắc nghiệt, với đợt nắng nóng năm 2018 ở Nhật Bản đã gây ra cái chết của hơn 100 người khi nhiệt độ tăng vọt lên trên 41 độ C. Vì thế, bất chấp cơn mưa lớn ở Tokyo trong tuần này khi thành phố kỷ niệm cột mốc 1 năm đếm ngược, các chuyên gia y tế đã kêu gọi các nhà tổ chức triển khai những biện pháp làm dịu không khí.
Nên nói thêm là tại Đại hội Thể thao Khối thịnh vượng chung năm 2018, VĐV người Scotland là Callum Hawkins đã gục ngã vì kiệt sức trong cuộc đua marathon. Và không thể quên là Olympic Tokyo 1964 từng được tổ chức vào tháng 10 khi thời tiết trở nên mát mẻ hơn.
Tokyo đã sẵn sàng?
Nhiệt độ cao chắc chắn không phải là vấn đề duy nhất có thể khiến các nhà tổ chức đau đầu. Hiển nhiên thì Tokyo là một lựa chọn đáng tin cậy hơn cho Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) nếu so với Rio de Janeiro của năm 2016, nơi những biến động chính trị, suy thoái kinh tế, virus Zika, ô nhiễm và an ninh đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự chuẩn bị của Brazil, chưa kể vụ bê bối doping của Nga bị phanh phui. Vì thế, bất chấp những khoảnh khắc thể thao mang tính biểu tượng ở Rio, các địa điểm được đầu tư xây dựng hoang phí, các vụ tham nhũng tiếp tục là vết nhơ của Olympic 2016.
Tuy vậy, nói thế không có nghĩa Tokyo 2020 không có những vấn đề của riêng mình. Trong 12 tháng tới, tất cả sẽ mổ xẻ chi phí chung, xây dựng địa điểm, bán vé, biện pháp an ninh, kế hoạch, giao thông và các biện pháp giao thông công cộng, nơi ăn chỗ ở, tổng duyệt, tính bền vững, doanh thu thương mại, và cả kế hoạch sơ tán động đất mà nước chủ nhà đưa ra.
Theo các nhà tổ chức tuyên bố, một nửa trong số tám địa điểm đã hoàn thành và như Chủ tịch IOC, Thomas Bach, khẳng định, ông không thể nhớ một kỳ Olympic được chuẩn bị tốt hơn thế. Rồi một số lượng kỷ lục các hợp đồng tài trợ địa phương đã được ký kết, trong khi 3,2 triệu vé đã được bán ra. Đó là chưa kể hơn 200.000 người đã đăng ký làm tình nguyện viên.
Xem ra, 56 năm sau Olympic đầu tiên của Tokyo báo hiệu sự phục hồi của Nhật Bản từ Thế chiến thứ hai, nước này đang mọi thứ cả để tất cả quên đi thảm họa Tohoku vào năm 2011 khi một trận động đất và sóng thần đã khiến 19.000 người thiệt mạng và cuộc khủng hoảng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Dĩ nhiên, nhiều người thì cho rằng, hàng tỉ USD dành cho Olympic 2020 đáng ra nên được chi cho việc xây dựng nhà ở cho hàng trăm nghìn người bị ảnh hưởng sau thảm họa năm 2011.
Chi phí không nhỏ
Được xem là Olympic sáng tạo và mang tính tương lai nhất từ trước đến nay, người ta đã nói nhiều về việc sử dụng công nghệ robot ở Tokyo. Cũng vì thế mà chi phí đi kèm là rất lớn, thậm chí có thể vượt khỏi tầm kiểm soát. Chẳng gì thì con số 10 tỉ bảng trong báo cáo mới đây của Olympic 2020 đã cao gấp đôi ước tính ban đầu và nhiều chuyên gia dự đoán, ngân sách dành tổ chức Olympic của Nhật Bản sẽ còn cao hơn nữa. Người gánh chịu hậu quả trong nhiều năm tới không ai khác là những người dân nộp thuế.
Còn theo các nhà vận động chống Thế vận hội của Hangorin No Kai (Không có Olympic 2020), Olympic 2020 "được xem như là cái cớ để chiếm lấy không gian sống và đất công từ người nghèo thông qua tái phát triển".
Bằng chứng là các dự án xây dựng liên quan đến Olympic 2020 đã khiến giá thuê nhà tăng vọt và làm nhiều cửa hàng tư nhân phải đóng cửa. Trong khi đó, việc xây dựng sân vận động quốc gia mới đã chứng kiến những người vô gia cư bị buộc rời khỏi công viên và đường phố, và 230 hộ gia đình bị đuổi khỏi các tòa nhà công cộng, trong đấy có nhiều người cao tuổi.
Tham nhũng
Phải nói rằng, bất cứ Olympic nào cũng không tránh khỏi những cáo buộc tham nhũng, và Tokyo 2020 không phải là ngoại lệ. Tsunekazu Takeda, cựu chủ tịch của Ủy ban Olympic Nhật Bản (JOC), đã từ chức đầu năm nay sau thông tin mua phiếu bầu liên quan đến việc Tokyo giành quyền đăng cai Olympic mà ông là người đứng đầu cuộc vận động.
Cuộc điều tra này do các quan chức Pháp tiến hành và Takeda đã phủ nhận hành vi sai trái đối với các khoản thanh toán trị giá hơn 1,5 triệu bảng cho một công ty tư vấn liên quan đến con trai của một thành viên IOC là Lamine Diack.
Diack và con trai ông cũng đã phủ nhận tất cả, nhưng với việc cả hai phải ra hầu tòa tại Paris vào cuối năm nay về tội tham nhũng và rửa tiền, khó mà nói rằng Tokyo 2020 không liên quan.
Doping
Ngược thời gian về năm 2016, các VĐV đến Rio trong tình trạng không biết liệu Nga có bị cấm tham dự vì scandal doping hay không.
Quyết định gây tranh cãi của IOC khi thách thức Ủy ban chống doping thế giới (WADA) và cho phép Nga tham dự được coi là một đòn giáng mạnh vào một nền thể thao trong sạch, gây ra phản ứng giữa các VĐV, các quốc gia và trong cộng đồng thể thao. Sau đó, IOC buộc phải cấm Nga tham dự Olympic mùa Đông vào cuối năm, khi các VĐV trong sạch buộc phải thi đấu dưới một lá cờ trung lập.
Kể từ đấy, lệnh cấm IOC đã được dỡ bỏ, Nga cũng đã được WADA phục hồi lại quyền lợi nhưng tác động từ Olympic 2016 vẫn có thể ảnh hưởng đến Tokyo. Chẳng gì thì các VĐV điền kinh Nga vẫn bị IAAF cấm, trong lúc căng thẳng đã nổi lên tại giải vô địch thế giới bơi lội đang diễn ra, nơi Duncan Scott và Mack Horton của Australia đã từ chối đứng chung bục nhận giải với nhà vô địch Olympic gây tranh cãi của Trung Quốc là Sun Yang, người từng bị cấm vì sử dụng doping.
Vì thế, để thuyết phục thế giới rằng Olympic 2020 tại Tokyo rất đáng để xem và chờ đợi, đây có lẽ là thách thức lớn nhất của các nhà chức trách Nhật Bản.
Mạnh Hào
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất